Ngăn chặn thành công nhiều vụ chuyển tiền cho kẻ lừa đảo

.

Thời gian gần đây, nhiều người dân trên địa bàn Đà Nẵng bị các đối tượng tội phạm mạo danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện đe dọa, cũng như thông báo nhận quà nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài việc sử dụng các thủ đoạn tinh vi để che mắt, đối tượng luôn yêu cầu phải giữ bí mật, không được chia sẻ với người khác khiến cho bị hại mất phương hướng và nghe theo. Chỉ đến khi làm thủ tục chuyển tiền, nhờ sự hỗ trợ kịp thời của lực lượng công an và nhân viên ngân hàng, nhiều người mới vỡ lẽ mình đang rơi vào “bẫy” của tội phạm lừa đảo.

Bà N.T.T gửi thư cảm ơn Công an xã Hòa Phước và Thiếu úy Lê Đức Lành vì đã giúp bà thoát khỏi bẫy của kẻ lừa đảo. Ảnh: L.H
Bà N.T.T gửi thư cảm ơn Công an xã Hòa Phước và Thiếu úy Lê Đức Lành vì đã giúp bà thoát khỏi bẫy của kẻ lừa đảo. Ảnh: L.H

Ngày 15-7, có mặt tại một chi nhánh ngân hàng tại xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang), Thiếu úy Lê Đức Lành (Công an xã Hòa Phước) phát hiện bà N.T.T. (SN 1965) đang thực hiện thủ tục chuyển tiền. Thấy bà T. có nhiều biểu hiện nghi vấn bị lừa đảo, Thiếu úy Lành khuyên bà tạm dừng chuyển tiền; đồng thời tìm hiểu thì được biết, bà T. có con gái đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Ngày 11-7, con gái bà liên hệ nói có người gửi quà nhưng không nhận được, cần chuyển 22 triệu đồng vào tài khoản mới nhận được quà. Nhận thấy đây là thủ đoạn của tội phạm lừa đảo qua mạng, Thiếu úy Lành giải thích cặn kẽ, bà T. và con gái sau đó nhận thức được việc mình bị đối tượng lừa đảo trên không gian mạng nên may mắn không bị mất tiền oan.

Tương tự, ngày 22-6, Ngân hàng TMCP Việt Á cũng phối hợp Công an phường Nam Dương (quận Hải Châu) kịp thời ngăn chặn vụ lừa đảo với thủ đoạn chuyển tiền để nhận quà từ nước ngoài gửi về Việt Nam. Cụ thể, bà N.T.K.A (SN 1952) bị đối tượng lừa đảo giới thiệu đang sinh sống tại Syria, muốn gửi quà cho bà. Để nhận được quà, đối tượng đề nghị bà chuyển 90 triệu đồng chi phí vận chuyển. Khi bà A. đến Ngân hàng TMCP Việt Á làm thủ tục chuyển tiền thì nhân viên ngân hàng phát hiện có dấu hiệu bị lừa đảo nên báo cho công an phường can thiệp kịp thời...

Trước đó, ngày 2-7, Công an phường Nam Dương (quận Hải Châu) nhận tin báo của chi nhánh Ngân hàng TMCP Việt Á về việc bà T.T.N (SN 1958, quận Thanh Khê) mang theo 300 triệu đồng và yêu cầu chuyển vào một tài khoản. Nhận thấy có dấu hiệu bất thường, nhân viên ngân hàng liên hệ công an phường để phối hợp giải quyết. Bà T.T.N cho biết, chiều cùng ngày có một đối tượng tự xưng là cán bộ công an thông báo bà có liên quan đến một tổ chức tội phạm. Để chứng minh vô tội, đối tượng yêu cầu bà nộp 300 triệu đồng vào tài khoản lạ. Bà N. cũng bị đề nghị không được báo cho bất cứ ai, nếu để lộ sẽ bị bắt…

Nhận định đây là thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo, Công an phường Nam Dương phối hợp Ngân hàng TMCP Việt Á động viên bà N. không thực hiện giao dịch. Tuy nhiên, do bà ở một mình, không có thân nhân, cộng với tâm lý hoảng loạn, lo sợ bị bắt nên nhất quyết đòi chuyển tiền. Một mặt kiên trì động viên, giải thích cho bà N. hiểu; mặt khác, Công an phường Nam Dương cũng đề nghị ngân hàng mở một tài khoản đứng tên bà N. để tạm giữ số tiền 300 triệu đồng, tránh đánh rơi và ngăn ngừa việc bà N. sẽ thực hiện giao dịch tại ngân hàng khác. Cùng với đó, Công an phường Nam Dương liên hệ cảnh sát khu vực nơi bà N. đang sinh sống để tiếp tục động viên, giải thích về thủ đoạn của đối tượng lừa đảo. Đến sáng 3-7, sau khi lấy lại bình tĩnh, bà N. hiểu ra mọi chuyện nên đến ngân hàng để mở sổ tiết kiệm gửi toàn bộ số tiền trên.

Cuối tháng 6-2024, bà N.T.L (Đà Nẵng) đến Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) - chi nhánh Sơn Trà làm thủ tục nộp 80 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng của mình. Tại đây, giao dịch viên Trần Thị Vân nhận thấy bà L. có nhiều biểu hiện bất thường, hồi hộp, lo lắng, nói năng ấp úng và liên tục nghe điện thoại nên khéo léo tâm sự nhằm trì hoãn giao dịch. Qua tìm hiểu, chị Vân được biết, sáng 27-6, bà L. nhận được điện thoại từ số máy lạ tự xưng là công an đang điều tra vụ việc có liên quan đến bà L. Không những thế, đối tượng còn đe dọa rằng sẽ bắt bà L. để tiếp tục điều tra.

Nắm được tâm lý lo sợ của bị hại, đối tượng sau đó yêu cầu bà L. cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng trên ứng dụng Agribank Plus và nộp toàn bộ số tiền đang có vào tài khoản ngân hàng của mình thì đối tượng sẽ làm chứng cho bà L. không liên quan đến vụ việc. Vì hoảng sợ, nên bà L. đến ngân hàng làm theo yêu cầu của đối tượng. Sau khi nắm được thông tin, giao dịch viên Trần Thị Vân và kiểm soát viên Dương Thị Kháng nhanh chóng trấn an tinh thần, giải thích rõ về thủ đoạn lừa đảo nêu trên nên bà L. dừng giao dịch. Đồng thời ngân hàng cũng thực hiện tạm thời phong tỏa tài khoản và hủy đăng ký sử dụng dịch vụ Agribank Plus (đang bị đối tượng chiếm quyền điều khiển), kịp thời ngăn chặn hành vi lừa đảo của đối tượng.

Theo Công an thành phố, đối tượng lừa đảo thường nhắm vào là những người ít có điều kiện tiếp xúc với thông tin báo chí, thông tin trên mạng xã hội như: người cao tuổi, nội trợ gia đình, lao động xa nhà… Đây cũng là những người nhẹ dạ cả tin và ít có khả năng đề phòng hơn. Thủ đoạn của đối tượng là khống chế, hăm dọa, nói dối về việc có liên quan đến các vụ án đang điều tra để tạo áp lực và đánh vào sự sợ hãi của nạn nhân. Vì vậy, dù không làm gì vi phạm pháp luật nhưng khi nghe thông tin bản thân hoặc con cái liên quan đến pháp luật, các bị hại đều làm theo yêu cầu của các đối tượng.

Lãnh đạo Công an thành phố cho rằng, thông qua các vụ việc có thể nhận thấy, hành động kịp thời của cán bộ, nhân viên ngân hàng đã thể hiện tinh thần cảnh giác trước các thủ đoạn hoạt động của tội phạm, góp phần ngăn chặn, giảm thiểu thiệt hại do hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây ra… Mặt khác, đây cũng là bài học nhằm cảnh tỉnh cho người dân, nhất là những người ít có điều kiện tiếp cận hoặc lơ là trước những thông tin tuyên truyền, cảnh báo tội phạm, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo.

Công an thành phố khuyến cáo, người dân cần nêu cao cảnh giác với các số điện thoại lạ xưng là công an, viện kiểm sát, tòa án… yêu cầu chuyển tiền. Bởi khi làm việc, xác minh, điều tra với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan chức năng sẽ cử cán bộ đến làm việc trực tiếp hoặc có văn bản thông báo, triệu tập gửi đến địa chỉ công ty, thân nhân gia đình và người liên quan. Tuyệt đối không làm việc thông qua điện thoại và mạng xã hội. Trường hợp bị các đối tượng lạ gọi điện đe dọa, người dân cần báo ngay với cơ quan công an gần nhất để được hướng dẫn, tránh rơi vào “ma trận” lừa đảo mà bọn tội phạm chờ sẵn.

LÊ HÙNG

;
;
.
.
.
.
.