Người khuyết tật góp sức bảo vệ môi trường

.

Vượt qua những khó khăn, khiếm khuyết của bản thân, người khuyết tật trên địa bàn thành phố đã và đang chung tay góp sức vào công tác bảo vệ môi trường thông qua hoạt động tái chế rác thải vải, góp phần giảm lượng rác thải ra môi trường.

Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng (Cormis) thành lập năm 2018, trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật thành phố. Hầu hết thành viên của trung tâm là đối tượng yếu thế, người khuyết tật. Xác định việc nghiên cứu xây dựng các mô hình, giải pháp, sáng kiến phù hợp để thúc đẩy khả năng hòa nhập, nâng cao chất lượng sống của các nhóm yếu thế trong xã hội là 1 trong 3 lĩnh vực chính, trung tâm xây dựng chương trình tái chế rác thải vải nhằm tạo sinh kế bền vững cho các đối tượng yếu thế gắn với bảo vệ môi trường. Theo bà Mai Thị Dung, Giám đốc Trung tâm Cormis, nhận thấy lượng rác thải vải ở các khách sạn, khu nghỉ dưỡng trên địa bàn thành phố thải ra hằng năm rất lớn. Trong khi đó, thành viên trung tâm đa phần là phụ nữ khuyết tật làm thợ may tại nhà. Trong bối cảnh đó, “Chương trình tái chế rác thải vải” ra đời, kỳ vọng tái chế rác thải vải thành sản phẩm hữu ích, có giá trị kinh tế, mang lại thu nhập cho người khuyết tật; đồng thời giảm rác thải vải ra môi trường.

Xác định rác thải vải từ các khách sạn, khu nghỉ dưỡng là đối tượng tái chế chính, các thành viên nhóm tái chế nghiên cứu, “biến” vải cotton trắng đã qua sử dụng như: khăn mặt, khăn bàn, ga giường, chăn… thành các sản phẩm hữu ích, có giá trị sử dụng như: áo đồng phục cho học sinh, túi xách, balo, đồng phục cho các lễ hội tái chế, phụ kiện cho các giải chạy… Bên cạnh đó, “Chương trình tái chế rác thải vải” cũng thu gom vải rẻo thừa từ các tiệm may để nghiên cứu tái chế thành balo, mũ, túi đựng bút, tạp dề và cả quần áo. Thông qua “Chương trình tái chế rác thải vải”, hơn 100 mẫu sản phẩm tái chế từ rác thải vải được nghiên cứu thực hiện thành công, tạo ra hơn 16.320 sản phẩm hữu ích, phục vụ nhiều nhóm khách hàng khác nhau.

Chị Đặng Thị Mỹ Trinh (SN 1982, quận Sơn Trà) bị khuyết tật vận động, chiều cao khiêm tốn . Năm 2019, chị tham gia “Chương trình tái chế rác thải vải” của Trung tâm Cormis. Nhiệm vụ của chị là tiếp nhận, phân loại rác thải vải, xử lý vải, tiếp nhận thông tin đơn hàng của khách, phân công các thành viên trong nhóm tái chế thực hiện sản phẩm, kiểm tra chất lượng sản phẩm, đóng gói, gửi hàng cho khách, ghi chép sổ sách, tính toán thu chi…

Thời gian gần đây, chị Trinh phụ trách thêm việc hướng dẫn các em học sinh, sinh viên, du khách quốc tế đến trung tâm học hỏi, tham quan, trải nghiệm hoạt động tái chế rác thải vải. “Trước khi tham gia công việc tái chế, tôi không nghĩ người khuyết tật có thể tham gia bảo vệ môi trường cùng cộng đồng. Bản thân tôi sức khỏe hạn chế, thiếu tự tin, thiếu kỹ năng làm việc, nhất là những công việc làm theo nhóm, quản lý sổ sách vì không có năng lực, kiến thức. Từ khi tham gia công việc tái chế, cuộc đời tôi hoàn toàn thay đổi, sống tích cực và có ích hơn”, chị Trinh chia sẻ.

Đại diện Trung tâm Cormis cho biết, hiện nay chương trình tái chế rác thải vải xây dựng được 4 nhóm tái chế tại 4 tỉnh, thành phố gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Thừa Thiên Huế với hàng chục thành viên nòng cốt. Để chương trình hoạt động hiệu quả, việc xây dựng năng lực cho các thành viên được chú trọng. Các thành viên được học tập, trau dồi kỹ năng về: thiết kế, tái chế, bán hàng, làm việc nhóm, quản lý tài chính, điều phối các buổi hướng dẫn trải nghiệm cho các nhóm khách hàng, du khách… Qua đó giúp người khuyết tật tăng sự tự tin, mức độ hòa nhập xã hội, truyền cảm hứng về lối sống xanh và nghị lực vượt khó. Đồng thời thay đổi cách nhìn của cộng đồng về vai trò và khả năng của người khuyết tật trong cộng đồng.

LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.