Nơi các nghĩa sĩ, anh hùng ở lại cùng đất mẹ

.

Ngoài những nghĩa trủng lớn, quy mô như nghĩa trủng Hòa Vang, nghĩa trủng Phước Ninh, nghĩa trủng Nam Ô, tại thành phố còn hai nghĩa trủng khác ít người biết đến là nghĩa trủng Trung Sơn, nghĩa trủng Gò Đồ. Đây là hai nghĩa trủng mang giá trị lịch sử to lớn, nhưng chưa được xếp hạng di tích; là nơi yên  nghỉ của nhiều nghĩa sĩ, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương, đất nước.

Nghĩa trủng Trung Sơn (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) tọa lạc trên một khu đất rộng nằm ở giữa rừng Trung Sơn với 14 ngôi mộ lớn, chia thành hai dãy, giữa các dãy mộ có các lối đi. Ảnh: X.D
Nghĩa trủng Trung Sơn (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) tọa lạc trên một khu đất rộng nằm ở giữa rừng Trung Sơn với 14 ngôi mộ lớn, chia thành hai dãy, giữa các dãy mộ có các lối đi. Ảnh: X.D

Nghĩa trủng Trung Sơn nằm trong cụm di tích rừng Trung Sơn (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang). Đây là khu mộ của gần 200 nghĩa sĩ và dân sinh hy sinh trong cuộc chiến chống ngoại biên xâm nhập và hải tặc dưới sự chỉ huy của đô đốc Lê Văn Tấn, thời vua Lê Anh Tông (1556-1573). Trước đây, nghĩa trủng này được gọi là khu mả chiến sĩ (người dân hay gọi là bàn chiến sĩ), tọa lạc ở phía đông rừng Trung Sơn. Sau ngày giải phóng, nhân dân thôn Trung Sơn di dời nghĩa trủng về cạnh miếu âm linh của thôn để tiện thờ cúng và hương khói hằng năm. Ông Hà Thúc Vinh, Trưởng thôn Trung Sơn (xã Hòa Liên) cho biết, nghĩa trủng tọa lạc trên một khu đất rộng nằm ở giữa rừng Trung Sơn với 14 ngôi mộ lớn, chia thành hai dãy, giữa các dãy mộ có các lối đi. Hài cốt của gần 200 nghĩa sĩ và dân sinh được quy tập theo từng dãy, dãy bên phải có 6 hàng mộ, dãy bên trái có hàng 8 mộ, giữa các hàng mộ có các lối đi. Góc phía đông của nghĩa trủng có một ban thờ hội đồng lộ thiên, cao 1,92m, rộng 1,67m, mặt bia trên ban thờ được ghi bốn chữ Nghĩa trủng Trung Sơn.

Theo các bậc cao niên trong làng, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, rừng Trung Sơn là vùng đệm cách mạng, nơi chỉ huy các trận đánh. Với lợi thế về địa hình cũng như độ che phủ, rừng Trung Sơn được Huyện ủy Hòa Vang và Ủy ban kháng chiến huyện chọn xây dựng gần 60 căn hầm bí mật, nhằm bảo đảm an toàn cho cán bộ công tác nằm vùng ẩn nấp khi địch càn quét. Đây còn là nơi trú ẩn của bộ đội giải phóng và là địa điểm ém quân, làm bàn đạp đánh xuống Đà Nẵng. Bởi vậy, địch nhiều lần hăm he muốn san lấp khu rừng. Tuy nhiên, người dân Trung Sơn lúc bấy giờ rất kiên cường, nghĩ ra nhiều cách để giữ rừng. Lúc giặc bắt đi chặt cây, họ truyền tai nhau câu nói “còn da thì lông mọc, còn chồi thì cây trổ”, âm thầm bảo vệ những chồi non, nuôi dưỡng rừng đến ngày giải phóng.

“Ngoài nghĩa trủng Trung Sơn, khu rừng còn lưu dấu truyền thống cách mạng của địa phương với bia tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ của làng qua các thời kỳ kháng chiến. Riêng với nghĩa trủng, cứ vào 25 tháng Chạp và ngày 14-4 âm lịch hằng năm, dân làng tụ họp đông đủ để làm lễ tế âm linh, dâng hương tưởng niệm các chiến sĩ vì nước vong thân”, ông Hà Thúc Vinh nói.

Cũng là nghĩa trủng chưa được xếp hạng di tích cấp thành phố, nhưng nghĩa trủng Gò Đồ (phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) lại có giá trị lịch sử rất quan trọng. Đây vốn là nơi an nghỉ của gần 2.000 nghĩa sĩ hy sinh trong trận đầu đánh Pháp (1858-1860), các chiến sĩ thuộc Trung đoàn 96 và dân làng Nghi An trong kháng chiến chống Pháp. Theo ông Nguyễn Tiến Ca, Phó Chủ tịch Hội đồng chư phái tộc làng Nghi An (phường Hòa Phát), nghĩa trủng ban đầu được lập tại Vũng Bò làng Nghi An (nay nằm trong khuôn viên sân bay Đà Nẵng). Năm 1920, khi thực dân Pháp xây dựng sân bay, một phần nghĩa trủng được quy tập về vườn Bá làng Khuê Trung. Năm 1940, do sân bay tiếp tục được mở rộng, phần còn lại của nghĩa trủng Nghi An được chuyển về khu Gò Đồ (phường Hòa Phát). Trước khi Mỹ - ngụy lấy khu vực Gò Đồ làm kho bom, người dân vẫn thường xuyên ra vào nghĩa trủng để chăm nom, tu bổ. Năm 1969, khi kho bom bị nổ, nghĩa trủng bị hư hại và người dân cũng bị hạn chế ra vào. “Bên trong nghĩa trủng có rất nhiều mộ bị vùi lấp. Hằng năm, cứ vào ngày 2-3 âm lịch, Hội đồng chư phái tộc và dân làng Nghi An lại tề tựu về đây làm lễ tế âm linh, thắp hương tưởng nhớ các nghĩa sĩ, chiến sĩ và người dân ngã xuống vì độc lập dân tộc, giữ gìn mảnh đất quê hương”, ông Ca cho biết.

Theo Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (thuộc Bảo tàng Đà Nẵng) Phan Thị Xuân Mai, nghĩa trủng Gò Đồ và nghĩa trủng Trung Sơn có giá trị lịch sử quan trọng, đáp ứng nhiều điều kiện để được công nhận là di tích cấp thành phố. Đây là những địa chỉ đỏ, nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho người dân địa phương, đặc biệt là thế hệ trẻ. Riêng với cụm di tích rừng Trung Sơn, phòng đã hoàn thành hồ sơ lý lịch di tích, thực hiện khảo tả, thống kê hiện vật từ năm 2020. Hiện nay, chỉ còn chờ giải quyết xong vấn đề giải tỏa đền bù là có thể khoanh vùng khu vực bảo vệ, trình cấp trên xếp hạng di tích cấp thành phố. Còn đối với nghĩa trủng Gò Đồ, phòng đã phối hợp địa phương khảo sát, đánh giá ý nghĩa lịch sử, hiện trạng. Hiện nay, phường Hòa Phát và quận Cẩm Lệ đang triển khai bảo vệ, làm sạch môi trường tại nghĩa trủng. Đồng thời, xúc tiến các thủ tục liên quan để được công nhận là di tích cấp thành phố, hướng tới đầu tư tôn tạo, trùng tu các hạng mục xuống cấp, gìn giữ và phát huy giá trị nghĩa trủng Gò Đồ.

K.NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.