Tìm lại mùa hè cho con trẻ

Bài 2: Hoạt động hè hấp dẫn học sinh?

.

Việc tổ chức hoạt động, vui chơi, giải trí dịp hè cho học sinh luôn được các ngành chức năng, hội đoàn thể ngày càng quan tâm  góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác nâng cao kỹ năng giáo dục, quản lý học sinh, tạo sân chơi trong dịp hè. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều học sinh không hứng thú, mặn mà, thậm chí, nhiều phụ huynh còn cấm các em tham gia sinh hoạt hè để tập trung cho việc học.

Lớp dạy bơi do Đoàn trường Đại học Thể dục - Thể thao Đà Nẵng dạy miễn phí trong hè. Ảnh: NGỌC QUỐC
Lớp dạy bơi do Đoàn trường Đại học Thể dục - Thể thao Đà Nẵng dạy miễn phí trong hè. Ảnh: NGỌC QUỐC

Đa dạng hoạt động hè

Sau khi học sinh được bàn giao về địa phương sinh hoạt hè, Thành đoàn chỉ đạo các cơ sở Đoàn tăng cường tuyên truyền giáo dục kỹ năng sống, phòng chống xâm hại, bạo lực và phòng ngừa thanh, thiếu nhi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, các đơn vị như Đoàn trường Đại học Thể dục - Thể thao Đà Nẵng, Cung Thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh, thiếu nhi thành phố mở các lớp dạy bơi miễn phí, kỹ năng sơ cấp cứu cho học sinh để phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước.

Đơn cử, lớp học bơi miễn phí tổ chức tại Trường Đại học Thể dục - Thể thao Đà Nẵng diễn ra từ 7 giờ 30 đến 9 giờ các ngày thứ Hai, Tư, Sáu hằng tuần, thu hút khoảng 30 học sinh tham gia. Hỗ trợ dạy bơi cho các em là các thầy cô, sinh viên của nhà trường. Trong quá trình học, các em được trang bị kiến thức, kỹ năng  bơi lội như cách thở dưới nước, tập nổi, cứu người đuối nước, sơ cấp cứu khi xảy ra đuối nước...

Trần Ngọc Liên Hoa (SN 2013, quận Thanh Khê) chia sẻ: “Trước đây, gia đình khó khăn nên chưa có điều kiện để học bơi. Vì vậy, em rất vui khi được tham gia lớp học bơi miễn phí, giúp nắm được kỹ năng bảo vệ bản thân và rèn luyện sức khỏe tốt hơn. Em sẽ cố gắng luyện tập, sớm biết bơi, lặn để đảm bảo an toàn cho bản thân trong môi trường dưới nước”.

Cuối tháng 6, phóng viên Báo Đà Nẵng tham dự lớp sinh hoạt hè do các chi đoàn cụm số 2 (gồm ba chi đoàn 3, 4, 5) tổ chức vào tối chủ nhật hằng tuần tại Trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ). Buổi sinh hoạt có khoảng 160 học sinh, sinh viên. Các em được cán bộ đoàn hướng dẫn về kỹ năng Đoàn - Hội và các hoạt động múa hát, dân vũ, trò chơi nhỏ...tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho thanh, thiếu niên. Khoảng 21 giờ, sau khi hoạt động sinh hoạt kết thúc, các em ngồi tụ lại thành một nhóm để dùng những món ăn nhẹ như trái cây, nước ngọt, bánh kẹo, từ đó, góp phần đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên.

Thực hiện chủ trương mở cửa trường học, các trường trên toàn thành phố tổ chức dạy học bơi và một số lớp năng khiếu về thể dục thể thao như: cầu lông, bóng rổ, hoạt động của các câu lạc bộ mỹ thuật… “Nhà trường thành lập ban tổ chức dạy học bơi an toàn năm 2024 gồm 12 thành viên, trong đó giáo viên dạy bơi là thầy cô thuộc tổ giáo dục thể chất và nghệ thuật đảm nhận. Lịch bơi từ thứ 2 đến thứ 7 hằng tuần (bắt đầu từ 6 giờ đến 9 giờ mỗi ngày, chia làm 4 suất). Học sinh đăng ký rất đông và đây được xem là hoạt động sôi nổi nhất của nhà trường”, thầy Phạm Thanh Bửu, hiệu trưởng Trường THCS Ngô Thì Nhậm (quận Liên Chiểu), cho hay.

Tại huyện Hòa Vang, hè này, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tổ chức lớp “Đưa dân ca vào trường học năm 2024” tại Trường Tiểu học Hòa Châu, Trường Tiểu học An Phước (xã Hòa Phong) và Trường THCS Nguyễn Tri Phương (xã Hòa Bắc). Học sinh được các hội viên Hội nghệ sĩ sân khấu thành phố hướng dẫn kỹ năng hát thành thạo các làn điệu dân ca bài chòi; phân tích nhân vật, thể hiện nhân vật và nghệ thuật biểu diễn sân khấu bài chòi…

Nhiều hoạt động văn hóa, giải trí khác được tổ chức đồng loạt tại các thiết chế văn hóa lớn trên địa bàn thành phố, trong đó có Thư viện Khoa học tổng hợp, các bảo tàng… Tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tổ chức triển lãm tranh thiếu nhi “Sắc hè Đà Nẵng” giới thiệu 59 bức tranh của các em thiếu nhi đến từ 7 quận, huyện; chương trình giáo dục mỹ thuật “Sắc hè sáng tạo” gồm các hoạt động như: trải nghiệm trang trí túi vải, tìm hiểu về kỹ thuật vẽ màu nước, trải nghiệm tạo hình động vật từ hoa, lá cây, tìm hiểu về kỹ thuật in đồ họa hoa lá, rau củ, kỹ thuật in khắc cao su... Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức khóa học “Thuyết minh viên nhí”, giúp các em rèn luyện sự tự tin khi nói trước đám đông, kỹ năng thuyết minh, kỹ năng hướng dẫn khách tham quan thông qua những câu chuyện văn hóa, lịch sử của thành phố…

Chưa đủ sức hấp dẫn?

Mặc dù các hoạt động được tổ chức sôi nổi, vui tươi nhưng thực tế cho thấy, số lượng thanh, thiếu nhi tham gia sinh hoạt tại các chi đoàn cụm số 2 chưa đông so với tổng số lượng học sinh trên địa bàn. Theo Bí thư Chi đoàn số 3 (phường Hòa Thọ Tây) Trần Thị Trà Giang, trong mỗi buổi sinh hoạt chỉ có hơn một nửa thanh, thiếu nhi trên địa bàn tham gia. Trong đó, nhiều em do bận đi học thêm hoặc không hứng thú nên không tham gia sinh hoạt. Trường hợp em Nguyễn Quang V. (SN 2010, trú phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) là một ví dụ. Do gia đình khó khăn nên dịp hè, em thường ở nhà phụ giúp ba mẹ công việc để kiếm thêm thu nhập, hơn nữa hoàn cảnh gia đình khiến em ngại đến đám đông. Nhằm động viên V., anh Nguyễn Văn Khánh, Bí thư Chi đoàn số 5 (phường Hòa An) cùng với Bí thư chi bộ khu dân cư, tổ trưởng tổ dân phố thường xuyên quan tâm hỗ trợ gia đình em V.; đồng thời, vận động gia đình cho phép em V. tham gia hoạt động đoàn - hội tại địa phương để tự tin và có thêm nhiều bạn bè.

Tại các trường học, dù thư viện mở cửa, có thủ thư nhưng chưa thu hút nhiều học sinh. Tại Trường THCS Nguyễn Văn Cừ (quận Sơn Trà), thư viện mở cửa từ thứ 2 đến thứ 6, song theo thầy Lê Anh Đồng, Hiệu trưởng nhà trường, chỉ vài em đến mượn sách tham khảo về đọc, không ngồi lại thư viện nhà trường. Lý giải điều này, thầy Đồng cho rằng xu hướng đọc của học sinh bây giờ đã thay đổi, các em đọc trên không gian mạng là chủ yếu. Muốn thu hút học sinh đến thư viện nhà trường thì phải đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, máy tính bản, số hóa tài liệu, không gian đọc mát mẻ...

Theo Bảo tàng Đà Nẵng, mùa hè năm ngoái tổng số lượt học sinh đến bảo tàng là 297 học sinh, năm này là 377 học sinh (tăng 21%). Đây là dấu hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, con số này khá ít nếu so với tổng số học sinh toàn thành phố. Về điều này, bà Ngô Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho hay, trọng tâm trong hoạt động giáo dục của Bảo tàng Đà Nẵng là chương trình giáo dục ngoại khóa theo năm học, từ tháng 9 năm trước đến tháng 5 năm sau, cho đến nay Bảo tàng Đà Nẵng vẫn là đơn vị dẫn đầu về giáo dục ngoại khóa tại thành phố. Bên cạnh đó, bảo tàng tổ chức thêm các hoạt động trải nghiệm nhân dịp Tết Nguyên đán, Trung thu, hè...

“Dịp hè có rất nhiều hoạt động hấp dẫn, đa dạng do nhiều đơn vị tổ chức nên học sinh có nhiều sự lựa chọn. Hơn nữa, phần lớn cha mẹ và học sinh thiên về các hoạt động thể thao, nghệ thuật, dã ngoại, du lịch. Một lý do nữa có thể các em đã đến bảo tàng trong năm học rồi nên hè chọn điểm đến khác, nhận thức của phụ huynh, học sinh đối với điểm đến bảo tàng chưa cao…”, bà Vân lý giải.

Lãnh đạo Thành đoàn cũng thừa nhận, bên cạnh những chuyển biến tích cực, công tác tổ chức sinh hoạt hè còn hạn chế, chưa thu hút đông đảo thanh, thiếu nhi tham gia. Trong đó, việc tổ chức sinh hoạt hè ở một số nơi còn đơn điệu dẫn đến nhiều thanh, thiếu nhi tham gia theo kiểu đối phó, “bữa được, bữa nghỉ”. Bên cạnh đó, nhiều buổi sinh hoạt diễn ra buổi tối nên nhiều gia đình không cho con tham gia; cơ sở vật vật, địa điểm sinh hoạt tại nhiều nơi còn thiếu. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ phụ trách hè trên địa bàn dân cư một số nơi còn thiếu và yếu về kỹ năng, nghiệp vụ nên chưa chủ động, sáng tạo trong tổ chức hoạt động hè. Đặc biệt, nội dung sinh hoạt hè ở nhiều nơi chưa thiết thực và hấp dẫn, khiến thanh, thiếu nhi không mặn mà tham gia.

LÊ PHẠM - NGỌC QUỐC

;
;
.
.
.
.
.