Xây dựng làng văn hóa đặc trưng

.

Thôn Phong Nam (xã Hòa Châu) và thôn Bồ Bản (xã Hòa Phong, cùng thuộc huyện Hòa Vang) là hai ngôi làng có bề dày lịch sử với những nét đẹp đặc trưng, truyền thống của làng quê đang được gìn giữ. UBND huyện đang tiến hành nghiên cứu, xây dựng hai nơi này trở thành làng văn hóa đặc trưng xanh, yên bình, có kinh tế, văn hóa - xã hội phát triển đồng bộ và người dân là trung tâm, chủ thể và là đối tượng được hưởng lợi.

Thôn Phong Nam (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) vẫn gìn giữ được cảnh quan làng quê truyền thống. Ảnh: ĐẮC MẠNH
Thôn Phong Nam (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) vẫn gìn giữ được cảnh quan làng quê truyền thống. Ảnh: ĐẮC MẠNH

Thôn Phong Nam nằm ở trung tâm xã Hòa Châu, với 1 tuyến đường chính và 66 tuyến đường nhỏ trong thôn xóm. Các tuyến đường chính và nhiều kiệt, hẻm đều được bê-tông hóa sạch sẽ, ngôi làng cổ này vẫn giữ được cảnh quan làng quê truyền thống với đồng ruộng xanh tươi, cổng làng cổ kính, những lũy tre xanh chạy dọc đường làng, giếng cổ bên nếp nhà xưa. Tỷ lệ cây xanh hai bên đường đạt 85%, một số tuyến vẫn còn hàng rào bằng chè tàu, cau, rau mơ… Nơi này nổi tiếng với ngôi đình làng Phong Lệ cũng là đình thờ Thần Nông - vị thần nông nghiệp - với lễ hội Mục đồng mang tính cố kết cộng đồng rất cao. Ngoài ra, thôn có nhiều nghề truyền thống thủ công như: tráng bánh tráng, mì Quảng, làm bánh ít lá gai, đan lát (tre), các hoạt động sản xuất nông nghiệp (trồng lúa, hoa màu, chăn nuôi...) vẫn còn duy trì với khoảng 400 hộ (sản xuất theo mùa vụ).

“Đặc biệt, thôn có 3 tuyến đường giao thông nội đồng, bao bọc quanh làng tạo thành hình vòng tròn, bao quanh là đồng lúa, tre xanh và các loại cây truyền thống khác. Đây là điểm nổi bật của thôn, thuận lợi trong việc giữ gìn nét đẹp của làng quê và xây dựng mô hình “Làng trong phố, phố trong làng”, ông Lê Đức Hùng, Chủ tịch UBND xã Hòa Châu chia sẻ. Cũng theo ông Hùng, trong đợt họp lấy ý kiến rộng rãi vừa qua, hầu hết người dân Phong Nam đồng tình, ủng hộ chủ trương xây dựng thôn thành “làng văn hóa đặc trưng”. “Việc xây dựng và phát triển thôn Phong Nam thành “làng văn hóa đặc trưng” phù hợp với quy hoạch chung của xã, huyện, trở thành nơi đáng sống, phát triển đồng bộ, bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử văn hóa truyền thống văn hóa tốt đẹp của địa phương”, ông Lê Đức Hùng bày tỏ.

Tương tự, thôn Bồ Bản cũng có truyền thống và bề dày lịch sử, được hình thành do các vị tiền nhân của 4 tộc: Trần, Hồ, Trương, Nguyễn đến khai khẩn đất đai lập nghiệp vào khoảng năm 1476. Đến năm 1740 các tộc họ sau đến khai canh, khai cư, tổng cộng có 23 chư phái tộc, quy mô dân số với 630 hộ, 2.300 nhân khẩu, khoảng 80% người dân làm nghề nông nghiệp. Đình làng Bồ Bản là di sản lịch sử quốc gia và quần thể các công trình văn hóa như: Miếu thần nông, Mộ tiền hiền, Giếng cổ, Bia chiến tích trận đánh Xóm Đình - Bồ Bản và Âm linh tự, có các đền, miếu đặc trưng, nhà cổ từ hơn 100 năm tuổi. Cùng với các di tích lịch sử, nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống còn lưu giữ như: hát hò khoan đối đáp, các trò chơi dân gian…

“Tuy nhiên, quá trình phát triển, nhất là đô thị hóa đã tác động không nhỏ đến việc thay đổi về tập quán, nếp sống của người dân. Các thiết chế văn hóa, công trình lịch sử, nhà cổ có sự thay đổi, xuống cấp theo thời gian, cảnh quan nông thôn dần thay đổi, một số nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một. Vì thế, việc gìn giữ, khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của làng Bồ Bản, xây dựng Bồ Bản trở thành một ngôi làng văn hóa đặc trưng, có kinh tế, văn hóa - xã hội phát triển đồng bộ, bền vững là thực sự cần thiết. Người dân chính là chủ thể và là đối tượng được hưởng lợi trong việc xây dựng làng văn hóa đặc trưng”, ông Nguyễn Thanh Quảng, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phong chia sẻ.

Theo ông Quảng, để sớm hoàn thành cơ sở pháp lý, từng bước hoàn thiện các tiêu chí xây dựng “làng văn hóa đặc trưng” có bản sắc riêng, Đảng ủy xã đã có nghị quyết riêng cho thôn Bồ Bản, đồng thời giao cho UBND xã xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện hiệu quả nghị quyết này. “Trước mắt tập trung tuyên truyền sâu rộng cho cán bộ, đảng viên, nhân dân xã Hòa Phong nói chung và thôn Bồ Bản nói riêng hiểu rõ những lợi ích được thụ hưởng khi xây dựng “làng văn hóa đặc trưng”. Từ đó nâng cao tinh thần, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc tham gia bảo tồn các giá trị truyền thống văn hóa vật thể và phi vật thể, xây dựng cảnh quan, bảo vệ môi trường và các hương ước làng gắn với tính cố kết cộng đồng”, ông Nguyễn Thanh Quảng nhấn mạnh.

Theo UBND huyện Hòa Vang, việc xây dựng “làng văn hóa đặc trưng” tại thôn Phong Nam và thôn Bồ Bản là nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp thần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 07/NQ-TU ngày 7-7-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về xây dựng và phát triển huyện Hòa Vang đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, nhằm xây dựng Hòa Vang có bản sắc riêng, phù hợp quy hoạch chung thành phố; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân huyện đạt ở mức cao, đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển đô thị với việc giữ gìn nông nghiệp, nông thôn truyền thống, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử. Nghị quyết số 09/NQ-HU ngày 25-1-2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về quy hoạch phát triển huyện Hòa Vang trở thành đô thị có bản sắc riêng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hiện nay, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chuyên môn, các xã tập trung xây dựng và hoàn thiện dự thảo đề án xây dựng “làng văn hóa đặc trưng” tại thôn Phong Nam và thôn Bồ Bản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trình HĐND huyện thông qua để triển khai, thực hiện.

ĐẮC MẠNH

;
;
.
.
.
.
.