Xử lý nghiêm tình trạng câu mực tự phát, không bảo đảm an toàn

.

Nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của du khách, thời gian qua, dịch vụ câu mực đêm tự phát nở rộ, công khai “ồ ạt” trên mạng xã hội. Theo đó, lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm bảo đảm an toàn cho người dân, du khách.

Hành khách tham gia dịch vụ câu mực đêm trên thuyền. Ảnh: ĐVCC
Hành khách tham gia dịch vụ câu mực đêm trên thuyền. Ảnh: ĐVCC

Hoạt động bất chấp rủi ro

Hình thức trải nghiệm câu mực đêm tại khu vực bán đảo Sơn Trà (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) gần đây được nhiều người dân, du khách hưởng ứng, thích thú. Tuy nhiên, đây là hoạt động tự phát, các phương tiện ngang nhiên hoạt động mặc dù không đủ điều kiện an toàn, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự trên biển và an toàn của người dân, du khách.

Dù là hoạt động trái phép, thế nhưng dịch vụ câu mực đêm được quảng cáo tràn lan, rầm rộ bằng nhiều bài viết, hình ảnh, video trải nghiệm thực tế trên các trang mạng xã hội facebook như: “Câu mực đêm - Đà Nẵng - Minh Hậu”, “Câu mực đêm - Đà Nẵng - Khuê Nguyễn”... với đầy đủ thông tin về thời gian, giá cả, số điện thoại. Bên cạnh đó, nhiều video trải nghiệm thực tế của các cá nhân có tài khoản tiktok sở hữu lượt theo dõi cao cũng vô tình trở thành đầu mối để người dân, du khách tìm hiểu và sử dụng dịch vụ câu mực đêm.

Theo ghi nhận, bắt đầu từ 18 giờ hằng ngày, tại bán đảo Sơn Trà, khu vực bãi đá gần Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực 2, nhiều tàu câu mực đã chờ sẵn để đón khách đi câu mực. Trong lúc chờ đến giờ khởi hành, một du khách đến từ Hải Phòng cho biết: “Tôi biết hoạt động này qua các video trên tiktok và thấy nhiều người bình luận hưởng ứng nên cũng muốn trải nghiệm thử cho biết”.

Qua tìm hiểu, mỗi đêm, một tàu câu mực phục vụ 2 đến 3 chuyến, bắt đầu từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau, mỗi chuyến kéo dài 5 giờ đồng hồ. Liên hệ với anh Đ.M.H., chủ của một tàu câu mực, chúng tôi được mời chào dịch vụ với giá dao động 250.000 đồng/người đến hơn 2.000.000 đồng/nhóm. Theo chủ tàu, khi tham gia dịch vụ này, hành khách được trang bị sẵn các dụng cụ (cần câu, áo phao), được hướng dẫn cách câu mực và chế biến, thưởng thức thành phẩm ngay trên tàu. Sau khi chuyển tiền để đặt chỗ, khoảng 18 giờ ngày 11-7, chúng tôi và một số hành khách khác được chủ tàu hướng dẫn đến bãi giữ xe chờ câu. Đây cũng là bãi giữ xe hoạt động tự phát với mức giá 10.000 đồng/xe. Sau đó, tất cả hành khách lên một chiếc thúng nhỏ để di chuyển ra vị trí tàu câu đang đậu cách đó khoảng 100m. Tàu chở chúng tôi khá cũ kỹ, không có số hiệu và các thiết bị phòng cháy, chữa cháy theo quy định; tuy có áo phao cứu hộ trên tàu nhưng khi hành khách chủ động xin để mặc thì chủ tàu không cung cấp với lý do áo phao bẩn.

Do các phương tiện này chưa đăng ký, đăng kiểm nên chủ yếu hoạt động ở các bến tự phát. Để tránh bị kiểm tra và xử lý, chủ các tàu câu mực thường thay đổi vị trí đón trả khách.  Một số đối tượng còn bố trí người theo dõi, khi phát hiện lực lượng tuần tra sẽ nhanh chóng báo cho nhau để tạm dừng hoạt động.

Quyết liệt vào cuộc

Theo Phó Chủ tịch UBND phường Thọ Quang Trương Thị Hương Thu, hoạt động câu mực đêm trên địa bàn phường chưa được cấp phép. Thời gian qua, phường thường xuyên vận động người dân chấp hành nghiêm việc kinh doanh theo đúng quy định. Bên cạnh tuyên truyền, nhắc nhở, phổ biến các văn bản pháp luật, phường phối hợp cùng các đơn vị liên quan ra quân xử lý quyết liệt tình trạng kinh doanh tự phát, trái phép tại bãi biển trên địa bàn phường.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, đơn vị chỉ quản lý những hoạt động do đơn vị tổ chức; các dịch vụ trong phạm vi khu vực được giao và đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với những dịch vụ du lịch tự phát, ngư dân tự mở tour trải nghiệm trái phép, đơn vị không quản lý những trường hợp này.

Theo Đồn biên phòng Sơn Trà, từ đầu năm đến nay, đơn vị lập biên bản, xử phạt 8 trường hợp chở người sai quy định đi lặn biển ngắm san hô, câu mực, không mang áo phao với số tiền 72 triệu đồng. Riêng trong ngày 11-7, Đồn biên phòng Sơn Trà phát hiện, xử lý 2 trường hợp có hành vi chở người sai quy định khi hoạt động trên biển, không mang áo phao. Cụ thể, vào lúc 18 giờ 45, trong quá trình tuần tra, Đồn Biên phòng Sơn Trà phát hiện phương tiện không có biển hiệu do ông Đ.M.H (trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) là chủ, kiêm thuyền trưởng, điều khiển phương tiện, trên tàu chở 5 người không trang bị áo phao.

Lực lượng chức năng đã yêu cầu  phương tiện dừng hoạt động, mời về đơn vị để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật. Cũng trong thời điểm trên, Đồn Biên phòng Sơn Trà phát hiện phương tiện ĐNa-02970TS chở khách du lịch không bảo đảm an toàn. Ngay lập tức, chủ phương tiện là ông N.T.A (trú phường Mân Thái, quận Sơn Trà) di chuyển tàu vào bờ, bỏ trốn, không chấp hành. Hiện lực lượng chức năng đang triệu tập ông N.T.A về đơn vị, tiếp tục làm việc.

Trung tá Đặng Văn Đạo, Đồn trưởng Đồn biên phòng Sơn Trà cho biết, các phương tiện thường tắt đèn khi di chuyển, địa bàn hoạt động trải dài dọc tuyến biển với hình thức ngày càng tinh vi. Đặc biệt, một số trường hợp không chấp hành, khi phát hiện lực lượng chức năng thì bỏ chạy, gây nguy hiểm cho hành khách và khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý. “Hoạt động trải nghiệm câu mực đêm chưa có cơ quan, đơn vị nào cấp phép hoạt động, du khách thường không mặc áo phao. Các phương tiện đều được hoán cải từ tàu cá cũ, không trang bị thiết bị phòng cháy, chữa cháy, không bảo đảm các điều kiện an toàn, y tế, cứu hộ cứu nạn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý các phương tiện vi phạm. Cùng với đó, người dân, du khách cần chủ động tìm hiểu trước khi tham gia các hình thức trải nghiệm để bảo đảm an toàn cho bản thân”, Trung tá Đặng Văn Đạo nói.

TRIỀU SAN - BẢO NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.