Các công trình trường học đang thi công: Bảo đảm an toàn trong quá trình dạy và học

.

Đề án Nâng cấp, sửa chữa trường học trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2025 đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho nhiều trường học. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều công trình khởi công ngay đầu năm học mới, trong khi địa phương không tìm được địa điểm phù hợp cho nhà trường tổ chức dạy học, ảnh hưởng không nhỏ đến phụ huynh, học sinh.

Công trình Trường Tiểu học Hoàng Dư Khương (quận Cẩm Lệ) che chắn với khu vực học của học sinh bằng một hàng rào tôn, khó bảo đảm an toàn cho học sinh.  Ảnh: LÊ PHẠM
Công trình Trường Tiểu học Hoàng Dư Khương (quận Cẩm Lệ) che chắn với khu vực học của học sinh bằng một hàng rào tôn, khó bảo đảm an toàn cho học sinh. Ảnh: LÊ PHẠM

Những ngày qua, khoảng tầm 11 giờ trưa, một số xe dịch vụ 24 chỗ nối đuôi nhau đợi đón học sinh tan học tại Trường Tiểu học Hoàng Dư Khương (quận Cẩm Lệ). Theo quan sát, tài xế là người điểm danh học sinh và đưa lên xe, chở đến một trung tâm cách trường khoảng 2-3km. Các tài xế cho biết, tại trung tâm, học sinh được ăn trưa, ôn bài và chiều phụ huynh đón về. Dịch vụ đưa đón học sinh đến các trung tâm lân cận trường xuất hiện từ đầu năm học khi nhà trường chỉ tổ chức dạy học 1 buổi/ngày.

Phụ huynh em Phan Anh (học lớp 4 Trường Tiểu học Hoàng Dư Khương) cho biết, theo thời khóa biểu, năm nay lớp Phan Anh chỉ học buổi chiều. “Cũng may nhà bà ngoại gần đó nên đưa đón dùm. Nhiều phụ huynh khác phải chia nhau ở nhà trông con, có người phải gửi con cho hàng xóm nếu không sắp xếp được việc. Một số phụ huynh đành phải gửi con tại các trung tâm. Phụ huynh rất tâm tư khi giao con cho dịch vụ đưa đón. Chúng tôi mong trường sớm hoàn thiện để con được học 2 buổi/ngày”, phụ huynh này nói.

Việc không chọn được địa điểm tổ chức dạy học khi thi công công trình trường học không chỉ diễn ra ở Trường Tiểu học Hoàng Dư Khương mà nhiều trường khác trên địa bàn thành phố. Tại quận Thanh Khê, từ ngày 30-9, công trình đầu tư xây dựng khối nhà lớp học 12 phòng học (có khu vực bếp) Trường Tiểu học Bế Văn Đàn được triển khai thực hiện.

Bà Lê Thị Hoàng Chinh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Thanh Khê cho biết: “Lúc đầu, các ngành chức năng chọn địa điểm Trường THCS Lê Thị Hồng Gấm (cũ) sau khi trường dời về địa điểm mới cho học sinh Trường Bế Văn Đàn học tạm. Tuy nhiên, qua khảo sát, công trình này đã xuống cấp, lớp học không đủ sức chứa nên đành cho học sinh học tại chỗ. Điều tôi rất lo là phụ huynh gửi con tại các điểm bên ngoài trường học khó bảo đảm an toàn thực phẩm. Tôi mong phụ huynh đồng hành trong giai đoạn này để chăm sóc, dạy dỗ các con”, bà Chinh nói.

Tại quận Sơn Trà, từ tháng 8-2024, Trường THCS Nguyễn Văn Cừ tiến hành nâng cấp, cải tạo. Ban đầu, các ngành chức năng quận Sơn Trà đã đề xuất chọn Trung tâm giáo dục thường xuyên số 1 (cơ sở 2) làm nơi học tạm cho học sinh, nhưng cơ sở vật chất không bảo đảm nên quyết định chuyển địa điểm tổ chức dạy học đến Trường Tiểu học Hai Bà Trưng cũ (cách Trường THCS Nguyễn Văn Cừ khoảng 4km). Nơi đây cơ sở vật chất vẫn còn nhiều thiếu thốn, phụ huynh đưa đón, đi lại khó khăn vì xa nhà…

Công tác bảo đảm an toàn cho học sinh và giáo viên trong điều kiện dạy học bên cạnh các công trình xây dựng đã được các trường học đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, thi công trong thời gian học ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động dạy học do bụi bẩn, tiếng ồn và thu hẹp không gian sinh hoạt của học sinh. Từ khi chuyển sang học 1 buổi/ngày, giờ ra chơi của học sinh Trường Tiểu học Hoàng Dư Khương chỉ còn 10 phút thay vì 25 phút như trước đây; chủ yếu giáo viên cho các em chơi trong phòng học. Học sinh di chuyển để học ở nhiều phòng học nên nhà trường quán triệt giáo viên phải quản lý chặt chẽ các em.

Trao đổi với phóng viên, cô Đặng Thị Thùy Liên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Dư Khương cho biết, năm học 2024-2025, trường được đầu tư xây mới dãy 12 phòng học và khu hiệu bộ; sửa chữa nâng cấp dãy phòng học cũ với kinh phí đầu tư 44 tỷ đồng. Công trình được khởi công vào ngày 9-7-2024 và dự kiến tháng 2-2025 hoàn thành.

Trong thời gian công trình thi công, nhà trường tổ chức dạy 1 buổi/ngày cho tất cả khối lớp. Nhà trường ưu tiên học sinh khối 1-2 học buổi sáng. Riêng khối lớp 4 phải chia ra, có 3 lớp buổi sáng, số lớp còn lại học buổi chiều. Từ lớp 3 trở lên phải học thêm 1 buổi học trái buổi, học sinh chỉ học 5 tiết. Những môn học âm nhạc, thể dục… nhà trường xếp lịch trái buổi. Phòng Tin học và hội trường được sử dụng làm phòng học cho các môn học trái buổi. Với môn thể dục, học sinh được bố trí tại nhà đa năng.

“Nếu học hai buổi/ngày học sinh được học tăng cường, tức là học sinh được ôn tập, bổ sung kiến thức của buổi sáng. Còn hiện nay học 1 buổi/ngày thì chịu, học sinh phải về nhà tự học. Hiện chúng tôi nỗ lực bảo đảm chương trình dạy học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo”, cô Liên nói.

Theo cô Đào Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bế Văn Đàn, các khối lớp đều học 1 buổi/ngày. Nhà trường điều chỉnh lịch vào học buổi sáng từ 7 giờ 15 để học sinh tan học không quá muộn. Trong sắp xếp thời khóa biểu, ban giám hiệu phải tính toán đan xen các tiết học Âm nhạc, Thể dục, Mỹ thuật… giữa những tiết học nặng về kiến thức để học sinh tiếp thu hiệu quả. Thầy cô giáo cũng tổ chức cho học sinh vận động tại chỗ giữa các tiết để các em không quá mệt. Đối với học sinh khó khăn trong học tập và học sinh khuyết tật, tổ chuyên môn, giáo viên sẽ phối hợp với cha mẹ học sinh để hỗ trợ các em (ôn luyện trái buổi).

Theo đề án Nâng cấp, sửa chữa trường học trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2025, đến nay có 35 công trình đang triển khai xây dựng, tổng mức đầu tư 804,7 tỷ đồng; 60 công trình đã được duyệt chủ trương đầu tư, tổng mức đầu tư 1.824,7 tỷ đồng; 47 công trình đang triển khai hồ sơ chuẩn bị đầu tư, tổng mức đầu tư 1.939,4 tỷ đồng. Với hàng loạt công trình đang và chuẩn bị đầu tư, nhà trường và phụ huynh mong muốn các ngành chức năng tính toán sắp xếp, bố trí địa điểm dạy học phù hợp để bảo đảm an toàn cho học sinh, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác dạy học của nhà trường.

LÊ PHẠM

;
;
.
.
.
.
.