Cần thiết sửa đổi Luật Công đoàn

.

Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Đà Nẵng vừa tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sắp tới.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng Lê Văn Đại chủ trì hội thảo. Ảnh: SONG PHƯƠNG
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng Lê Văn Đại chủ trì hội thảo. Ảnh: SONG PHƯƠNG

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Lê Văn Đại cho biết, việc sửa đổi Luật Công đoàn nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn sau hơn 10 năm thi hành Luật Công đoàn; tiếp cận và xử lý kịp thời các vấn đề mới phát sinh mà luật chưa điều chỉnh; thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 và các chủ trương, nghị quyết của Đảng về tổ chức công đoàn và giai cấp công nhân, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới và nâng cao vị thế, khẳng định vai trò, hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn trong tình hình mới.

Đồng thời, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý chung về tổ chức và hoạt động công đoàn trước đòi hỏi của hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong bối cảnh mới; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Góp ý tại hội thảo, Trưởng ban Pháp chế, HĐND thành phố Lương Công Tuấn cho rằng, Hiến pháp quy định công đoàn là tổ chức đại diện cho đoàn viên, người lao động (NLĐ)... Tuy nhiên, hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt là Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự không quy định về đại diện đương nhiên mà chỉ quy định đại diện theo ủy quyền. Vì vậy, các tranh chấp lao động cá nhân cũng phải thông qua ủy quyền. Chẳng hạn doanh nghiệp có cả trăm công nhân khởi kiện thì từng người phải làm hồ sơ ủy quyền cho công đoàn. Điều đó gây rất nhiều khó khăn trong khâu hoàn chỉnh hồ sơ khởi kiện.

Cho nên, Luật Công đoàn sửa đổi cần quy định rõ công đoàn là đại diện đương nhiên cho NLĐ mà không cần ủy quyền của từng người. Bởi trên thực tế, khi NLĐ tham gia vào tổ chức công đoàn thì lúc đó, toàn bộ quyền và nghĩa vụ của họ đã được công đoàn đảm bảo. Chính vì vậy, luật cần phải điều chỉnh để làm sao quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ được bảo vệ kịp thời.

Đồng tình với đề xuất của ông Lương Công Tuấn, ông Lê Văn Đại cho rằng, đối với những doanh nghiệp có ít lao động thì có thể ủy quyền từng vụ việc được, nhưng đối với những doanh nghiệp có đông lao động thì nếu mỗi NLĐ có 1 giấy ủy quyền để công đoàn khởi kiện thì mất rất nhiều thời gian và công sức để có thể xử lý xong vụ việc ở một đơn vị. Luật lần này cần quy định cho phép tổ chức công đoàn qua giám sát có thể thực hiện quyền của mình là khởi kiện trực tiếp chủ doanh nghiệp ra tòa.

Người lao động là người trực tiếp tham gia làm ra của cải vật chất cho đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, quyền và lợi ích của họ vẫn còn bị xâm phạm, nhất là việc doanh nghiệp, người sử dụng lao động nợ bảo hiểm xã hội. Do vậy, dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) cần có chế tài mạnh mẽ để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, ngoại trừ trường hợp đặc biệt thiên tai, dịch bệnh.

Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động LĐLĐ thành phố, nguyên Phó Chủ tịch Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng Lê Thị Ngọc Oanh nêu một số diễn biến và tình huống pháp lý liên quan đến đến vụ tranh chấp lao động, đòi nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội xảy ra tại Công ty TNHH Một thành viên TBO VINA (Công ty TBO) cách đây hơn 5 năm.

Trong quá trình xét xử vụ án nói trên, đại diện bị đơn là Công ty TBO vắng mặt. Căn cứ hồ sơ cung cấp của nguyên đơn, xét thấy các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn phù hợp với quy định pháp luật, Tòa án nhân dân quận Liên Chiểu đã tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc công ty này phải trả tiền lương cộng với các khoản phụ cấp còn nợ cho người lao động nếu họ làm đủ ngày công theo thực tế; đồng thời, yêu cầu phải chuyển trả tiền nợ bảo hiểm xã hội  của người lao động vào quỹ bảo hiểm xã hội, để người lao động có thể cập nhật quá trình tham gia bảo hiểm xã hội trong thời gian làm việc tại công ty. Tất cả 196 hồ sơ của người lao động ủy quyền cho cán bộ công đoàn khởi kiện đã thắng kiện doanh nghiệp với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng.

“Nếu để NLĐ tự đi kiện cũng được, nhưng thường sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc bổ sung các tài liệu, chứng cứ chứng minh, các nội dung giải trình, trình bày, hòa giải với tòa án. Thời gian giải quyết vụ án có thể kéo dài từ 2 đến 3 tháng, việc đi lại để thực hiện vụ kiện gặp nhiều gian nan”, bà  Oanh chia sẻ.

Do vậy, Luật Công đoàn (sửa đổi) cần luật hóa, khẳng định công đoàn là tổ chức đại diện đương nhiên cho người lao động nên họ được quyền trực tiếp đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng này, đại diện Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho rằng, nên quy định đơn vị, doanh nghiệp có hơn  1.000 đoàn viên phải bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách.

Góp ý về tổ chức, bộ máy, cán bộ và điều kiện hoạt động công đoàn, đại diện LĐLĐ quận Hải Châu cho rằng, Luật Công đoàn (sửa đổi) cần quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp của cán bộ công đoàn. Đồng hành vấn đề này là các chế độ, chính sách, trợ cấp, xác định vị trí việc làm cho cán bộ công đoàn.

SONG PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.