Cùng em viết tiếp ước mơ đến trường

.

Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của các cơ quan, đơn vị, nhiều học sinh, sinh viên vượt qua khó khăn trong cuộc sống, tiếp tục đến trường, viết tiếp ước mơ.

Cán bộ Đồn Biên phòng Non Nước (Bộ đội Biên phòng thành phố) thăm hỏi, tặng quà cho em Huỳnh Lê Hoàng Bảo Như.
Cán bộ Đồn Biên phòng Non Nước (Bộ đội Biên phòng thành phố) thăm hỏi, tặng quà cho em Huỳnh Lê Hoàng Bảo Như.

Cầm trên tay bộ áo dài vừa được cán bộ Đồn Biên phòng Non nước trao tặng, Huỳnh Lê Hoàng Bảo Như (SN 2008, tổ 56, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn), học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, không giấu được niềm vui. Cách đây 2 năm, nếu không nhận sự giúp đỡ kịp thời của BĐBP, có lẽ em không còn được cắp sách đến trường để theo đuổi ước mơ vì gia đình em nghèo, không đủ sức lo cho em đi học. Thiếu tá Nguyễn Đình Cường, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Non Nước cho biết: “Khi nhận được thông tin, ban chỉ huy đơn vị nhận cháu làm “con nuôi biên phòng”. Theo đó, không chỉ hỗ trợ mỗi năm 6 triệu đồng, đồ dùng học tập mà còn thường xuyên cử cán bộ quân y đến nhà thăm khám sức khỏe, nắm bắt tư tưởng, tâm lý, tình cảm để kịp thời động viên, khích lệ, giúp cho Bảo Như an tâm học tập, theo đuổi ước mơ em ấp ủ bấy lâu nay”.

Vừa bước vào nhà sau khi hoàn thành chuyến biển, ông Huỳnh Thanh Sen, ba của Bảo Như tâm sự, công việc làm thuê ở xưởng đá mỹ nghệ của ông bữa được bữa mất, thu nhập không đủ để trang trải cuộc sống gia đình. Thương con chịu khó học tập nên ông cố gắng làm đủ mọi việc nhưng vẫn thiếu trước hụt sau. Chính lúc bế tắc ấy, những người lính quân hàm xanh có mặt kịp thời và trở thành điểm tựa tin cậy của gia đình. “Nhờ sự giúp đỡ chí tình mà suốt gần 3 năm qua con tôi yên tâm hơn trong học tập. Ân tình của tập thể cán bộ Đồn Biên phòng Non Nước gia đình tôi luôn ghi nhớ”, ông Sen cho biết thêm. Từ sự hỗ trợ đó mà Bảo Như ngày càng đạt kết quả cao trong học tập, liên tục là học sinh giỏi, đoạt giải khuyến khích môn địa lý cấp trường năm học 2022-2023.

Hoàn cảnh của Phan Thị Hoài Nhi (SN 2005, sinh viên năm 2, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng) còn vất vả hơn. Ba em không may mất sớm, để lại cho mẹ 4 người con. Năm 2020, Hoài Nhi được cán bộ Phòng Trinh sát (BĐBP thành phố) nhận đỡ đầu. Hoài Nhi cho biết: “Là chị trong gia đình, sau khi ba mất, nỗi lo cơm áo gạo tiền nuôi con đè lên đôi vai của mẹ. Nhiều lúc em định nghỉ học để xin việc làm, kiếm tiền phụ mẹ nuôi em. Chính nhờ các chú BĐBP em được tiếp tục an tâm học tập ngày hôm nay”. Trong căn nhà nhỏ tại kiệt 746/11 đường Lê Văn Hiến (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn), chị Lê Thị Ngọc Hồng, mẹ Hoài Nhi bày tỏ: “Sau khi được nhận đỡ đầu con tôi được quan tâm hỗ trợ kinh phí để trang trải việc học. Sự quan tâm, giúp đỡ của các chú bộ đội là nguồn động viên tinh thần lớn lao, giúp cháu vượt qua mọi tự ti trong cuộc sống, nỗ lực học tập tốt và trở thành người có ích”.

Đại tá Đỗ Văn Đông, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP thành phố nhấn mạnh: “Chương trình Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng là chủ trương đúng đắn, thể hiện tính nhân văn sâu sắc, là tình cảm, việc làm có ý nghĩa thiết thực của cán bộ, chiến sĩ BĐBP hướng về nhân dân khu vực biên giới biển thành phố. Đồng thời, góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết, gắn bó máu thịt giữa BĐBP với nhân dân. Thời gian tới, các đơn vị sẽ tiếp tục đồng hành, chung tay cùng cấp ủy, chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm để hỗ trợ học sinh, sinh viên vượt lên khó khăn trong cuộc sống”.

Trên hành trình đến trường thực hiện giấc mơ vươn đến tầm cao trí tuệ, Bảo Như và Hoài Nhi là hai trong số rất nhiều học sinh, sinh viên được cán bộ, chiến sĩ BĐBP thành phố nhận làm con nuôi, thực hiện đỡ đầu, trợ giúp. Sự trợ giúp kịp thời, thắm đậm tình quân dân của những người chiến sĩ quân hàm xanh đã giúp các em tự tin hướng đến tương lai.

KIM NGÂN

;
;
.
.
.
.
.