Tân sinh viên chật vật tìm phòng trọ

.

Ngay sau khi các trường đại học công bố kết quả xét tuyển sớm, nhiều tân sinh viên hối hả tìm chỗ ở để chuẩn bị cho năm học mới. Tuy nhiên, tìm được một phòng trọ gần chỗ học, tiện nghi, với giá cả phù hợp là điều không dễ dàng.

Giá phòng tăng cao

Nhận thông báo trúng tuyển theo phương thức xét học bạ vào Trường Đại  học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) từ đầu tháng 8, Nguyễn Thị Thanh Thủy (tỉnh Hà Tĩnh) cùng mẹ đến Đà Nẵng tìm phòng trọ. Dù đã tới nhiều nơi để xem, nhưng Thủy vẫn chưa tìm được nơi nào ưng ý. Từ quận Cẩm Lệ đến Hải Châu, giá thuê tối thiểu cho một phòng từ 2 triệu đồng trở lên. “Em chọn phòng thoáng mát, có điều hòa, tủ lạnh, ở nơi cao ráo, tuy nhiên tìm mấy hôm nay vẫn chưa có phòng. Với mức giá từ 2 triệu đồng trở lên, em phải ở ghép cho đỡ chi phí”, Thủy cho hay.

Chung cảnh gian nan tìm trọ, Trần Thảo Vi (tỉnh Quảng Nam) chưa kịp tận hưởng niềm vui trở thành tân sinh viên của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) thì phải lo lắng khi nghĩ đến việc tìm phòng trọ và chi phí sinh hoạt hằng tháng. Vi cho biết, trước khi đến Đà Nẵng tìm phòng trọ, em tham khảo nhiều nơi cho thuê trên mạng xã hội. Sau vài ngày đắn đo và tham khảo thêm một số phòng trọ khác, Vi quyết định thuê một phòng trọ tại phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) với giá 1,5 triệu đồng/tháng. Cộng thêm các chi phí sinh hoạt như: tiền điện, nước, internet, vệ sinh… tổng chi phí khoảng 2 triệu đồng/tháng.

Chỉ cần nhập từ khóa “tìm phòng trọ” trên các trang mạng xã hội, trong vài giây đã cho ra hàng trăm kết quả tìm kiếm. Những lời chào mời thuê phòng có đầy đủ thông tin mà người thuê cần như: giá phòng, dịch vụ kèm theo, diện tích phòng, địa điểm và số điện thoại liên hệ người cho thuê... Chị Hoàng Thị Phương Loan (quận Thanh Khê) có 5 phòng trọ, hơn một tuần nay nhiều khách đến hỏi thuê. Giá phòng dao động 2-3 triệu đồng, chưa tính tiền dịch vụ và điện nước.

“Những người hỏi thông tin phần lớn là tân sinh viên hoặc phụ huynh. Năm nay, khách đến xem phòng nhiều, họ đặt cọc ngay vì sợ hết phòng”.  Anh Thanh Duy (quận Liên Chiểu) vừa cải tạo, sửa chữa 3 phòng trọ, từ cuối tháng 7, các phòng đều đã có người đặt cọc. “Nhà trọ có vị trí gần các trường đại học lớn, nội thất cơ bản, rộng rãi. Vì vậy, trong 2 ngày sau khi đăng bài trên các group phòng trọ Đà Nẵng, không cần qua môi giới, tôi đã cho thuê kín các phòng. Giá phòng dao động 2,2-3 triệu đồng/tháng, những phòng có điều hòa giá sẽ cao hơn”.

Tập trung hỗ trợ sinh viên

Ông Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho biết, vừa qua, Đại học Đà Nẵng triển khai xét tuyển sớm và công bố kết quả trúng tuyển có điều kiện cho các thí sinh. Năm nay, nhà trường tuyển gần 2.600 chỉ tiêu với 33 ngành đào tạo. Số lượng thí sinh đăng ký vào trường năm 2024 tăng mạnh so với năm 2023, hơn 20.000 thí sinh đăng ký với 34.343 lượt nguyện vọng. Đa số sinh viên (khoảng 80%) đến từ các tỉnh, thành như: Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Gia Lai…

“Thời gian qua, Đoàn trường phối hợp Quận đoàn Liên Chiểu xây dựng kênh nhà ở cho tân sinh viên. Theo đó, Đoàn thanh niên và công an các phường trên địa bàn đến từng khu trọ để tìm hiểu tình hình nhà trọ, giá cả và chụp hình ảnh giúp tân sinh viên lựa chọn hoặc liên hệ trước khi nhập học. Bên cạnh đó, ký túc xá nhà trường dành khoảng 500 chỗ ở cho tân sinh viên với nhiều phòng tiêu chuẩn có điều hòa, máy nước nóng lạnh… Ngoài ra, trường còn phối hợp với ký túc xá sinh viên phía tây (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) cung cấp chỗ ở cho sinh viên có nhu cầu”, ông San nói.

Qua tìm hiểu, ký túc xá sinh viên phía tây  hiện có 6 tòa nhà 5 tầng với 728 phòng ở. Đến nay, 2.000 sinh viên đang lưu trú 528 phòng, còn trống 200 phòng. Tương tự, ký túc xá sinh viên phía đông (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) có 1 tòa nhà 9 tầng và 2 tòa nhà 5 tầng với 418 phòng ở. Tính đến thời điểm hiện tại, 1.500 sinh viên đang lưu trú 404 phòng, còn trống 14 phòng.

Lãnh đạo Trung tâm Quản lý và khai thác nhà Đà Nẵng cho hay, thời gian qua, đơn vị thường sử dụng các trang mạng xã hội quảng bá hình ảnh ký túc xá; phối hợp các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn thành phố lan tỏa và thu hút sinh viên; đồng thời, tăng cường công tác an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, môi trường sống… giúp sinh viên yên tâm học tập, phát triển. Thời gian tới, trung tâm tiếp tục quảng bá hình ảnh ký túc xá để nhiều sinh viên biết đến; xây dựng môi trường sống sạch sẽ, tiện nghi; từng bước tạo lập không gian chuẩn mực, văn minh và hiện đại.

KHÁNH NGÂN

;
;
.
.
.
.
.