Những chính sách hỗ trợ thiết thực cùng những mô hình giáo dục, cảm hóa nhân văn, nhân đạo được các cấp chính quyền, Mặt trận, hội đoàn thể thực hiện chính là động lực, điểm tựa giúp những người từng nghiện ma túy, vi phạm pháp luật quay về nẻo thiện, làm lại cuộc đời.
Đoàn Thanh niên phường Bình Hiên (quận Hải Châu) gặp mặt động viên, trao hỗ trợ cho thanh niên từng vi phạm pháp luật. Ảnh: L.P |
Điểm tựa vững chắc
Đầu tháng 9-2024, UBND quận Hải Châu ra mắt CLB “Hải Châu ngày mới” và nhanh chóng trở thành địa chỉ tin cậy của thanh thiếu niên chậm tiến, những người sau cai trên địa bàn. Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hải Châu, Chủ nhiệm CLB “Hải Châu ngày mới” Trương Thanh Dũng cho biết, CLB hiện có 110 em là thanh, thiếu niên từng vi phạm pháp luật và người sau cai tại cộng đồng. Định kỳ hằng tháng, CLB tổ chức sinh hoạt, gặp mặt các thành viên để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giáo dục, cảm hóa giúp các em nâng cao nhận thức, phấn đấu vươn lên làm lại cuộc đời.
Để giúp các em hòa nhập cộng đồng, xóa bỏ mặc cảm, CLB hướng tới tổ chức các hoạt động tập thể như: giao lưu bóng đá; thăm quan các di tích lịch sử, văn hóa; ra quân xóa xé quảng cáo rao vặt, dọn vệ sinh các khu vực công cộng nhằm tạo sân chơi, cơ hội để thanh thiếu niên giao lưu, thể hiện khả năng bản thân, đóng góp cho cộng đồng. “Việc giáo dục, rèn luyện, tạo môi trường thuận lợi để thanh, thiếu niên phát triển; đồng thời cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ những người lầm lỡ chính là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Sự ra đời của CLB “Hải Châu ngày mới” thêm lần nữa khẳng định sự đồng hành của chính quyền và cộng đồng với những người từng lầm lỡ”, ông Dũng nhấn mạnh.
Trong khi đó, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố xây dựng và duy trì mô hình “Chúng tôi và gia đình luôn bên bạn” từ năm 2015 đến nay, nhằm đồng hành, giúp đỡ thanh thiếu niên chậm tiến. Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Nguyễn Thị Huyền cho biết, để thực hiện hiệu quả mô hình, các cấp hội chú trọng khảo sát, nắm hoàn cảnh, nguyên nhân, từng bước tiếp cận gia đình và thanh, thiếu niên để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, đề ra giải pháp phù hợp nhằm cảm hóa, giúp đỡ.
Bên cạnh đó, các cấp hội phối hợp các ban ngành, đoàn thể, tổ dân phố triển khai theo dõi, hỗ trợ; vận động gia đình nâng cao trách nhiệm, hợp tác cùng quản lý, nhắc nhở, động viên con em. Song song đó, định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ sinh kế, kết nối giới thiệu việc làm giúp các em có công ăn việc làm ổn định, tránh xa các tác nhân xấu. Bằng tình thương, trách nhiệm cùng sự kiên trì, bao dung, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã giáo dục, cảm hóa hơn 640 thanh, thiếu niên chậm tiến, vi phạm pháp luật, giúp các em làm lại cuộc đời.
Theo thống kê của Công an thành phố, toàn thành phố đang duy trì 69 mô hình phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy trong tổng số 153 mô hình bảo đảm an ninh, trật tự do các cơ quan, đơn vị, trường học, Mặt trận và các đoàn thể chính trị, xã hội xây dựng. Không chỉ làm tốt vai trò tập hợp, quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên và các đối tượng sau cai nghiện, các mô hình còn là điểm tựa giúp những người lầm lỡ có thêm động lực, niềm tin để làm lại cuộc đời.
Hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm
Xác định có việc làm, có thu nhập ổn định chính là giải pháp hiệu quả giúp người sau cai nghiện làm lại cuộc đời, các cấp chính quyền tập trung rà soát, lập hồ sơ quản lý và hỗ trợ sinh kế, kinh phí học nghề cho các đối tượng.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2010-2023, các địa phương hỗ trợ sinh kế, tự học nghề cho 268 trường hợp; hỗ trợ tạo việc làm cho 205 trường hợp; hỗ trợ kinh phí tìm việc làm cho 229 trường hợp; hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm cho 143 trường hợp với số tiền 2,5 tỷ đồng. Trước đây, vì không có việc làm ổn định, anh Trần Văn C. (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) chơi bời và rơi vào con đường nghiện ma túy. Sau khi cai nghiện thành công, anh C. được chính quyền, hội đoàn thể địa phương kèm cặp, cảm hóa và hỗ trợ kinh phí mua xe máy để làm nghề thợ xây.
Tương tự, sau cai nghiện, anh Đặng Văn S. (xã Hòa Liên) được địa phương quan tâm, hỗ trợ vốn để buôn bán áo quần cùng vợ, nâng cao thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình. Trong khi đó, anh Nguyễn T. (xã Hòa Liên) được hỗ trợ mua xe máy và kết nối, giới thiệu đi làm tại một công ty ở Khu công nghiệp Hòa Khánh, thu nhập ổn định. Theo lãnh đạo xã Hòa Liên, bên cạnh hỗ trợ sinh kế, giới thiệu việc làm cho các đối tượng, chính quyền địa phương, các hội đoàn thể thường xuyên quan tâm, theo dõi. Định kỳ, công an xã điểm danh, test nhanh để kịp thời phát hiện, xử lý nếu đối tượng tái nghiện.
Tại 13 phường trên địa bàn quận Hải Châu, chính quyền địa phương thường xuyên gặp mặt thanh, thiếu niên có nguy cơ vi phạm pháp luật và người sau cai để tư vấn, giới thiệu đến đăng ký tìm việc làm tại Trung tâm dịch vụ việc làm Đà Nẵng; được thông tin các chương trình hỗ trợ học nghề miễn phí, chính sách vay vốn tạo việc làm. Đồng thời kết nối các doanh nghiệp đóng trên địa bàn để giới thiệu việc làm cho thanh, thiếu niên và đối tượng sau cai hoàn thành tích cực các chương trình quản lý tại cộng đồng.
Nhằm tiếp tục giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội sau cai nghiện, ngày 14-12-2023, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 103/2023/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ học nghề đối với lao động thuộc diện chính sách, xã hội trên địa bàn thành phố. Trong đó, hỗ trợ chi phí đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, học sinh bỏ học, người hoạt động mại dâm hoàn lương mức 2 triệu đồng/người/khóa học.
HĐND thành phố cũng ban hành Nghị quyết số 104/2023/NQ-HĐND quy định nội dung, mức chi và chế độ hỗ trợ công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố. Trong đó, quy định chính sách giúp đỡ, hỗ trợ sinh kế, tự học nghề mức tối đa không quá 10 triệu đồng/người với các trường hợp: người sử dụng trái phép chất ma túy hết thời hạn quản lý mà không tái sử dụng; người cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng đã hoàn thành ít nhất 3 giai đoạn theo quy định; người đang chấp hành quyết định quản lý sau cai tại nơi cư trú...
HUY HOÀNG