Đồng hành cùng các nữ tiểu thương trong việc chuyển đổi số

.

ĐNO - Nhờ sự linh hoạt trong chỉ đạo của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp và sự nhạy bén, chủ động của mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ, các hoạt động của Hội đang từng bước được đổi mới về nội dung và phương thức truyền tải để phù hợp thời đại công nghệ số, phát huy sự chủ động, sáng tạo trong hoạt động Hội cũng như trong sản xuất, kinh doanh.

Quang cảnh Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ tiểu thương Chuyển đổi số” tại chợ An Hải Bắc, quận Sơn Trà do  Hội LHPN thành phố phối hợp với Hội LHPN quận Sơn Trà và Ban Quản lý Chợ quận Sơn Trà tổ chức ngày 26/9 vừa qua
Quang cảnh Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ tiểu thương Chuyển đổi số” tại chợ An Hải Bắc, quận Sơn Trà do Hội LHPN thành phố phối hợp với Hội LHPN quận Sơn Trà và Ban Quản lý Chợ quận Sơn Trà tổ chức vừa qua.

Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Nguyễn Thị Huyền,Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã linh hoạt tổ chức nhiều hoạt động sáng tạo, thiết thực, giúp chị em phụ nữ tiểu thương chủ động ứng dụng nền tảng công nghệ số giúp quảng bá, hỗ trợ kết nối tiêu thụ để tăng hiệu quả kinh doanh, buôn bán. Qua đó nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, đáp ứng  yêu cầu hội nhập, góp phần trong thực hiện chiến lược chuyển đối số quốc gia, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong giai đoạn hiện nay.  

Tổ chức các hoạt động hỗ trợ nữ tiểu thương chuyển đổi số, kết nối xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn tại các chợ Tuý Loan (Hòa Vang) và chợ An Hải Bắc (Sơn Trà), thu hút gần 300 chị là nữ tiểu thương, hội viên phụ nữ làm kinh tế tham gia với các nội dung thiết thực và phù hợp với tình hình hiện nay như: Chia sẻ giới thiệu lợi ích của thương mại điện tử trên ZaloOA, Livestream bán hàng.

Song song đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố còn tổ chức các hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ Hội phụ trách các đề án và hội viên làm kinh tế, nữ tiểu thương trên địa bàn huyện Hòa Vang và Sơn Trà; tư vấn, kết nối, trưng bày, giới thiệu, quảng bá và bán các sản phẩm liên quan đến kinh tế xanh và du lịch cộng đồng của các xã trên địa bàn huyện Hòa Vang và thiết lập điểm hướng dẫn chuyển đổi số và livestream bán hàng tại chợ Túy Loan.

Chị Kim Thu, tiểu thương kinh doanh ngành hàng kẹp cài, mỹ phẩm tại chợ An Hải Bắc chia sẻ, cùng với sự phát triển của công nghệ số, nhất là từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra đã làm thay đổi thói quen mua hàng của người dân.

“Việc lựa chọn mua hàng từ các trang mạng xã hội, các kênh bán hàng online được người dân lựa chọn nhiều hơn. Vì vậy, bán hàng tại các chợ truyền thống gặp nhiều khó khăn hơn. Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ tiểu thương chuyển đổi số” có ý nghĩa trong việc hỗ trợ các hội viên, phụ nữ làm kinh tế, nữ tiểu thương ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng các giải pháp thương mại điện tử, đặc biệt là livestream bán hàng để tăng sức mua tại chợ truyền thống trong bối cảnh các kênh mua sắm online và kênh mua sắm hiện đại đang phát triển là rất thiết thực”, chị Thu cho biết thêm.

Theo chị Trần Thị Kim Hoàn, tiểu thương kinh doanh mặt hàng vải, mỹ phẩm tại chợ Túy Loan, thương mại điện tử có xu hướng ngày càng phát triển, là xu thế tất yếu, nhất là với giới trẻ. Cùng với việc kinh doanh truyền thống, việc được hướng dẫn sử dụng thiết bị công nghệ, cách livestream bán hàng cũng như được xem các Tiktoker quảng bá giúp chị có thêm sự tự tin cũng như kinh nghiệm để bán hàng thông qua nền tảng số.

Cũng theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, Hội thường xuyên phối hợp với các báo cáo viên, diễn giả là những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong chuyển đổi số và kinh tế xanh để hỗ trợ nâng cao nhận thức cho nữ tiểu thương về kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ sản xuất, kinh doanh và cách thức tiếp cận các hình thức kinh doanh thương mại điện tử, các kiến thức về kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn.

Từ đó, tận dụng lợi thế nguồn nguyên liệu địa phương để khai thác, ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn và bền vững. Đồng thời tạo thêm điều kiện cho phụ nữ làm kinh tế được giao lưu, chia sẻ, kết nối, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh; thu hút chị em phụ nữ tham gia vào tổ chức Hội, nâng cao quyền năng kinh tế và vị thế của phụ nữ.

Từ chuỗi các hoạt động, các Ban Điều hành mạng lưới kết nối nữ doanh nhân, nữ tiểu thương và phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn quận Hải Châu, huyện Hòa Vang và nhóm sản phẩm khởi nghiệp phụ nữ Sơn Trà được thành lập nhằm tập hợp mạng lưới các chị em phụ nữ làm kinh tế giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đến với người tiêu dùng, cùng nhau hỗ trợ phát triển, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.

MINH PHƯƠNG - BẢO LÂM

;
;
.
.
.
.
.