ĐNO - Sáng 27-10, tại Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum về công tác ứng phó với bão số 6 (bão TRAMI). Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng và Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà họp trực tuyến với các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum về công tác ứng phó với bão số 6 (bão TRAMI). Ảnh: VGP |
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao công tác chuẩn bị ứng phó bão số 6 tại các tỉnh miền Trung với tinh thần chủ động, bài bản, ở mức cao nhất.
Với diễn biến phức tạp của bão số 6 sau khi đổ bộ vào đất liền sẽ quay ra biển và có khả năng hình thành áp thấp hoặc cơn bão mới, Phó Thủ tướng đề nghị hệ thống khí tượng thủy văn phải dự báo chính xác thời điểm bão đổ bộ, tuyến đê biển xung yếu để tập trung lực lượng, phương tiện để xử lý kịp thời khi có sự cố.
Bên cạnh đó, với lượng mưa lớn, kéo dài, các đài khí tượng thủy văn tiếp tục cập nhật lượng mưa, đưa ra cảnh báo cụ thể hơn cho người dân về khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở.
Bộ Quốc phòng phối hợp, hỗ trợ các địa phương khẩn trương triển khai phương án dùng flycam bay kiểm tra, rà soát, phát hiện các vết nứt lớn, kéo dài tại những vùng có nguy cơ sạt lở do mưa lớn, kéo dài.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải nắm chắc thông tin lưu lượng nước tại các hồ, bổ sung dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia, các đài khí tượng thuỷ văn địa phương để điều tiết kịp thời, “không được để xảy ra tình trạng tất cả các hồ đều phải xả nước để bảo đảm an toàn”.
Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp điện lực, viễn thông phối hợp chặt chẽ với địa phương để duy trì giao thông liên lạc, kết nối thông tin, chỉ đạo điều hành thông suốt.
Phó Thủ tướng lưu ý cơ quan khí tượng thủy văn dự báo sát sao thời điểm bão số 6 đi vào đất liền. Các cơ quan truyền thông kịp thời thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về tính chất phức tạp của bão số 6. Lãnh đạo các địa phương tiếp tục quan tâm sâu sát đến công tác quản lý tàu thuyền trên biển.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (bên phải) và Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: TRẦN TRÚC |
Theo báo cáo cập nhật mới nhất của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, sáng 27-10, bão số 6 đang ở trên vùng biển Nam Quảng Trị - Đà Nẵng. Vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi (bao gồm đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn, Cù lao Chàm) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12. Sóng biển cao 2-4m, vùng gần tâm bão cao 4-6 m. Biển động rất mạnh. Khu vực biển ven bờ Quảng Bình - Quảng Trị và Quảng Ngãi - Bình Định có sóng cao 2-4m; khu vực Huế-Quảng Nam cao 3-5 m.
Dự báo trưa ngày 27-10, bão số 6 sẽ đi vào đất liền khu vực Nam Quảng Trị-Đà Nẵng, vùng gần tâm bão có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Ven biển Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-11; sâu hơn trong đất liền có thể có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Thời gian nguy hiểm nhất của gió mạnh là từ sáng 27-10 đến chiều 27-10.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Đông dịch chuyển ngược trở lại biển, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau là vùng áp thấp và tan dần.
Dự báo, từ sáng 27-10 đến hết ngày 29-10, khu vực Quảng Bình - Quảng Ngãi tiếp tục mưa to 200-400 mm, có nơi trên 600 mm. Khu vực Nam Nghệ An, Hà Tĩnh,; khu vực Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa từ 150-250mm, có nơi trên 400mm. Khu vực Bắc Nghệ An, Gia Lai có mưa từ 50-100 mm, có nơi trên 150mmm. Khả năng xuất hiện lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi ở mức BĐ2-BĐ3, các sông ở Quảng Bình BĐ2, các sông ở Hà Tĩnh, Bình Định, Kon Tum BĐ1.
Từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có trên 30 huyện và khu đô thị với 365 xã có nguy cơ ngập lụt. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở mức cao đến rất cao ở các sườn đồi dốc, taluy tại khu vực từ Nam Nghệ An đến Bình Định, Kon Tum và Gia Lai, đặc biệt là từ Quảng Bình đến Quảng Nam.
Đến nay, các lực lượng chức năng đã kiểm đếm, hướng dẫn 67.212 phương tiện/307.822 người biết diễn biến, hướng đi của bão; hiện không có phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm.
Quang cảnh điểm cầu tại Đà Nẵng. Ảnh: TRẦN TRÚC |
* Sáng 27-10, phát biểu kết luận tại cuộc họp trực tuyến ứng phó với bão số 6 (TRAMI), Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh đề nghị thủ trưởng các đơn vị lực lượng vũ trang, sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan tuyệt đối không được chủ quan; tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lớn…
Đồng thời, thực hiện nghiêm túc Công văn số 5297-CV/TU ngày 24-10-2024 của Thành ủy Đà Nẵng; Công điện số 04/CĐ-UBND ngày 25-10-2024 và Công điện số 05/CĐ-UBND ngày 26-10-2024 của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng về ứng phó với Bão số 6 (Bão TRAMI).
Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm túc công tác ứng trực thường xuyên tại các địa phương, đơn vị,… chốt chặn tại các khu vực nguy hiểm, ngập lũ, hạn chế tối đa thiệt hại về người, tài sản cho nhân dân.
Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố chủ trì phối hợp với Công an thành phố và các đơn vị, địa phương liên quan tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn, phòng cháy chữa cháy cho các phương tiện đang neo đậu, trú tránh bão, đặc biệt chú ý các phương tiện neo đậu tại các điểm như trên bãi biển Nguyễn Tất Thành, vịnh Mân Quang, Sông Hàn…
Ngoài ra, thực hiện nghiêm lệnh cấm ra biển, không cho các phương tiện xuất bến cho đến khi có thông báo mới.
Các địa phương, đặc biệt là Sơn Trà, Liên Chiểu, Hòa Vang chú ý các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, đá,… để tổ chức sơ tán, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân theo phương án đã được phê duyệt.
Sở Xây dựng chủ trì, chỉ đạo Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng, Công ty Công viên - Cây xanh và phối hợp với UBND các quận huyện, các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện dọn dẹp rác, khơi thông các miệng hố thu nước để bảo đảm thoát nước, phòng, chống ngập lụt; kịp thời tổ chức dọn dẹp, xử lý cây xanh bị ngã đổ để bảo đảm an toàn.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, chỉ đạo các đơn vị, địa phương phối hợp Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng và các đơn vị liên quan tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường, xử lý rác thải sau bão, lũ theo phương án, kế hoạch đã được duyệt.
Sở Thông tin và Truyền thông, các phương tiện thông tin đại chúng, UBND các quận, huyện, phường xã,… liên tục cập nhật thông tin về thiên tai; diễn biến bão, thông báo hạn chế không để người dân ra đường khi có gió bão, mưa lớn; tuyên truyền cho nhân dân không được chủ quan, không được đi lại đánh bắt cá,… tại các khu vực sông hồ, khe suối, các khu vực nguy cơ ngập sâu, sạt lở,… nhất là ngay sau bão, mưa lũ.
TRẦN TRÚC