Sinh viên nghiên cứu thiết bị thu gom rác mặt nước

.

ĐNO - Với mong muốn chung tay cùng bảo vệ môi trường nước mặt, sinh viên Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng đã nghiên cứu, sáng chế thành công thiết bị thu gom rác thải ở bãi biển, mặt nước.

Giảng viên, Thạc sĩ Trần Ngọc Sơn (thứ 2 trái sang) cùng nhóm sinh viên đưa thiết bị vận hành tại Cảng cá Thọ Quang.
Giảng viên, Thạc sĩ Trần Ngọc Sơn (thứ 2 trái sang) cùng nhóm sinh viên đưa thiết bị vận hành tại Cảng cá Thọ Quang.

Theo đó, “Thiết bị thu gom rác thải nổi tự động”,  do nhóm 5 sinh viên: Phạm Thị Phương, Đỗ Đăng Hiếu, Trịnh Văn Huy, Nguyễn Hồ Quốc Bảo và Phan Văn Đà thực hiện dưới sự hướng dẫn của giảng viên, Thạc sĩ Trần Ngọc Sơn.

Thạc sĩ Trần Ngọc Sơn cho biết, ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề "nóng" không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Sau mỗi trận mưa hoặc lũ lớn, một lượng lớn rác thải bị nước cuốn đi, đặc biệt là rác thải nhựa.

Nhóm xây dựng đề tài hoàn toàn dựa trên kinh nghiệm thực tế, kiến thức chuyên ngành, không dựa trên bất cứ nghiên cứu hay sản phẩm nào có sẵn trên thị trường.

Để thu gom lượng rác thải này trên khắp các ao, hồ, sông, suối, bờ biển hay các âu thuyền, cảng cá là điều hết sức khó khăn, phần vì có quá nhiều loại rác từ bèo tây, củi, túi nilon, xác động vật…, phần vì nguồn nhân lực hạn chế và trang thiết bị chủ yếu là thủ công. Vì thế, việc sáng chế ra “Thiết bị thu gom rác thải nổi tự động”, có thể giải quyết được vấn đề.

Sinh viên Phạm Thị Phương chia sẻ, qua những chuyến đi thực tế, nhất là sau các trận mưa bão, nhận thấy rác thải trôi nổi trên mặt biển, sông quá nhiều, gây ảnh hưởng nguy hại đến môi trường, ảnh hưởng đến hoạt động du lịch biển… nên nhóm đã tập hợp lại và cùng nhau lên ý tưởng nghiên cứu thiết bị.

“Thiết bị được thiết kế hoàn toàn tự động. Khi đầy rác, thiết bị này sẽ tự động tắt và dừng thu gom. Sức chứa của hố thu gom khoảng 4kg rác cho một lần thu. Tùy vào mức độ rác tại các thủy vực, thiết bị có thể thu được nhiều lần trong một ngày”, Phương cho biết thêm.

Đặc biệt, thiết bị được thiết kế để thu tất cả các loại rác thải trôi nổi, từ nhựa, gỗ đến các loại rác hữu cơ. Thiết bị được thiết kế hoàn toàn khép kín, gồm hố thu, mô tơ đặt bên dưới để tạo lực hút nước vào hố thu kéo theo rác thải vào.

Bên trong thiết bị có một giỏ rác, sau khi hút nước và rác vào, rác sẽ đọng lại ở giỏ và nước sẽ trở lại môi trường. Khi đưa vào thử nghiệm đã cho thấy hiệu quả rất khả quan. Máy có thể đặt ở các điểm như sông, hồ, cảng cá và bãi biển, có công suất 15 mét khối nước/giờ, tính ưu việt cao, sản phẩm này được thiết kế gọn, dễ vận hành, chi phí sản xuất thấp.

Hiện tại, thiết bị được phát triển với nhiều phiên bản khác nhau để phù hợp với đặc tính của các dạng thủy vực: nước ngọt, nước lợ hay vùng biển.

Không dừng ở đó, cùng với sự hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật của giảng viên, nhóm tiếp tục nghiên cứu nâng cấp lên phiên bản cao hơn. Hướng nghiên cứu tiếp theo của nhóm là sản phẩm sẽ được bổ sung chức năng lọc và làm sạch nước mặt tại các khu vực thu gom. Với công suất thiết kế của bơm chìm là 15.000 lít nước trong 1 giờ.

“Với khối lượng nước được bơm là rất lớn trong thời gian thu gom rác trôi nổi, vì vậy, nhóm dự định sẽ thiết kế thêm một bể lọc và tách dầu, chất bẩn sau khi nước được bơm qua hố thu rác. Như vậy, thiết bị không chỉ giúp thu gom rác thải mà còn làm sạch các thủy vực”, sinh viên Nguyễn Hồ Quang Bảo cho biết.

Bạn Đỗ Đăng Hiểu chia sẻ: “Cả nhóm đã dành thời gian nghiên cứu, tham khảo rất nhiều ý kiến giảng viên hướng dẫn chuyên môn về kết cấu, thiết bị khác nhau vì là phương tiện thủy nên cần tính toàn rất kĩ các khâu. Nhưng điều quan trọng nhất quyết định sự thành công đó chính là tình yêu thiên nhiên, yêu môi trường biển của mỗi thành viên trong nhóm cùng những kiến thức tích góp được để bắt đầu hình thành ý tưởng và hiện thực hóa”.

Đại diện nhóm nghiên cứu cho rằng, theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có mức độ ô nhiễm rác thải nhựa trên thế giới. Việc thu gom rác thải thủ công hiệu quả chưa cao, tốn nhiều thời gian và nguy hiểm cho người làm việc.

Nhận thấy sự nguy hiểm khi sử dụng nguồn nước có lẫn rác thải sẽ ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt, gây mất cảnh quan thẩm mỹ tại các bờ biển, sông hồ, nguy cơ phát sinh các loại bệnh cho người dân. Vì vậy, việc tạo ra phương tiện thu gom rác thải một cách hiệu quả, có độ an toàn cao và dễ vận hành khi sử dụng, vừa có giá thành hợp lý là điều hết sức cần thiết.

Hiện nay trên thế giới có rất nhiều máy thu gom rác thải có khả năng xử lý tốt thế nhưng giá thành lại rất cao. Đây là sản phẩm mang nhiều ý nghĩa trong thực tiễn. Nếu được đầu tư sản xuất, máy sẽ cải thiện được chất lượng môi trường bờ biển, mặt nước, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt, giải trí của người dân nhất là đối với Đà Nẵng - thành phố du lịch.

MINH TRANG

;
;
.
.
.
.
.
.