Vững tâm vươn khơi bám biển

.

Hội Nông dân phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển. Sự động viên, hỗ trợ kịp thời không chỉ khích lệ tinh thần lao động, sản xuất của các hội viên, mà còn giúp ngư dân thực hiện nhiệm vụ “kép” trên biển - vừa đánh bắt hải sản hiệu quả vừa trở thành những “cột mốc” khẳng định chủ quyền biển, đảo.

Hội Nông dân phường Thọ Quang hỗ trợ xây mới nhà cho một ngư dân khó khăn về nhà ở.  Ảnh: PHAN CHUNG
Hội Nông dân phường Thọ Quang hỗ trợ xây mới nhà cho một ngư dân khó khăn về nhà ở. Ảnh: PHAN CHUNG

Hơn 30 năm hành nghề đánh bắt hải sản, đến nay ngư dân Nguyễn Phương Bình (phường Thọ Quang) có 3 chiếc tàu lớn đánh bắt xa bờ, tạo việc làm cho hàng chục lao động trong và ngoài địa phương. Nhiều lúc gặp khó khăn nơi đầu sóng ngọn gió, nhưng vẫn không làm ông Bình nản chí, vì đây là nghề truyền thống, tạo nguồn thu nhập cho các thuyền viên. Một trong những nguồn động viên giúp ông yên tâm bám biển chính là sự hỗ trợ kịp thời của Hội Nông dân phường, giúp ông giải quyết những khó khăn, vướng mắc.

“Với sự giúp đỡ của Hội Nông dân các cấp, đặc biệt là phường, tôi được vay vốn để sản xuất, kinh doanh. Những đồng vốn đó giúp tôi mua sắm ngư lưới cụ, mua nhiên liệu, nhu yếu phẩm phục vụ đi biển. Có thể nói, những chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước tạo điều kiện giúp ngư dân vượt khó, là nguồn động viên hết sức thiết thực, ý nghĩa”, ông Bình cho biết.

Được biết, ông Bình là một trong số nhiều ngư dân trên địa bàn phường Thọ Quang nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước trong hoạt động đánh bắt hải sản. Hằng năm, Hội Nông dân phường căn cứ nhu cầu của hội viên để lập đề án, xây dựng kế hoạch, đề xuất hỗ trợ vay vốn với số tiền 300-500 triệu đồng. Nguồn vốn này giúp ngư dân mua sắm ngư lưới cụ đánh bắt hải sản.

Theo ông Phạm Phương Nam, Chủ tịch Hội Nông dân phường, các hoạt động hỗ trợ ngư dân trên địa bàn phường bám sát nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, cải thiện rõ rệt hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Trong những năm qua, hoạt động vươn khơi bám biển của ngư dân gặp nhiều khó khăn do giá nhiên liệu tăng, nguồn lợi hải sản bị giảm, chi phí đi biển tăng cao và nguồn lao động khan hiếm. Nhiều chủ tàu cá khó khăn trong việc duy trì hoạt động đánh bắt hải sản.

“Thông qua nguồn vốn từ Trung ương, địa phương và sự kêu gọi kết hợp của các ban, ngành đoàn thể, chúng tôi tổ chức các hoạt động hỗ trợ hằng năm. Ngoài mua sắm ngư lưới cụ, chuyển đổi tàu cá, nhiên liệu, từ nguồn vốn này cũng giúp nhiều gia đình ngư dân xây mới, sửa chữa nhà khang trang, kiên cố hơn. Sự ổn định của hậu phương cũng là một trong những điều kiện giúp ngư dân yên tâm bám biển”, ông Nam cho biết.

Để ngư dân mạnh dạn vươn khơi bám biển, đồng thời thực hiện đúng các quy định pháp luật trên biển, Hội Nông dân phường phối hợp Hội Nông dân các cấp, lực lượng bộ đội biên phòng, hải quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến hoạt động đánh bắt hải sản.

Ngoài tuyên truyền những kiến thức cơ bản của pháp luật quốc tế và Việt Nam về biển, đảo, như Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; Luật Biển Việt Nam, Luật Thủy sản; Luật Phòng, chống ma túy, hội cùng các ban, ngành đẩy mạnh tuyên truyền theo chuyên đề về chống đánh bắt hải sản trái phép trên vùng biển nước ngoài, chống khai thác hải sản bất hợp pháp; các chính sách của Đảng và Nhà nước trong khuyến khích, động viên ngư dân tích cực bám ngư trường...

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.