Trước loạt đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm giao thông của Bộ Công an, theo các chuyên gia cần cân đối mức phạt phù hợp, tránh hệ lụy tiêu cực.
Bộ Công an tiếp tục đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm giao thông. Ảnh: Thế Kỷ |
Đề xuất lần này nằm trong dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm giao thông do Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an xây dựng. Dự thảo này bao gồm nhiều thay đổi quan trọng, tập trung vào các nhóm hành vi liên quan đến vi phạm quy tắc giao thông trên đường (gồm cả cao tốc) và một số nhóm hành vi vi phạm gây tai nạn giao thông.
Một số mức phạt được đề xuất tăng từ 7-25 lần so với quy định hiện hành. Điển hình như, hành vi rải đinh, vật sắc nhọn trên đường: Mức phạt tăng từ 4-6 triệu đồng lên 48-52 triệu đồng (tăng khoảng 12 lần). Với xe ô tô, hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện: Mức phạt tăng từ 4-6 triệu đồng lên 28-30 triệu đồng đối với tổ chức; từ 600-800 nghìn đồng lên 8-10 triệu đồng đối với cá nhân.
Hành vi lùi xe trên đường một chiều, đường có biển cấm đi ngược chiều: Mức phạt tăng từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng lên từ 9-11 triệu đồng (tăng khoảng 10 lần). Hành vi đi vào khu vực cấm, đường cấm: Mức phạt tăng từ 2-3 triệu đồng lên từ 4-6 triệu đồng.
Hành vi vận chuyển hàng trên xe, không chằng buộc chắc chắn gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông: Mức phạt tăng từ 600-800 nghìn đồng lên từ 18-22 triệu đồng (tăng khoảng 25 lần).
Với xe máy, hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện: Mức phạt tăng từ 600-800 nghìn đồng lên 8-10 triệu đồng (tăng khoảng 12 lần). Đặc biệt, với hành vi lạng lách, đánh võng bị tái phạm sẽ tịch thu phương tiện người vi phạm.
Trước đề xuất này, ông Nguyễn Công Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, mặc dù hiện nay tai nạn giao thông đã giảm bớt, tuy nhiên ý thức chấp hành của một bộ phận người tham gia giao thông vẫn còn thấp. Vì vậy, việc tăng mức xử phạt các hành vi vi phạm giao thông là cần thiết. Đây không chỉ là biện pháp răn đe mà còn góp phần xây dựng văn hóa giao thông văn minh.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng kiến nghị: "Các biện pháp xử phạt nên tập trung vào đối tượng sử dụng là người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, thay vì áp dụng với phương tiện. Vì vậy, việc tịch thu xe với một số lỗi vi phạm nên cân nhắc thay thế bằng cách tăng tiền phạt. Bởi phương tiện không có lỗi, lỗi do người sử dụng".
Trao đổi với Lao Động, GS TS Từ Sỹ Sùa - Giảng viên Cao cấp trường Đại học Giao thông vận tải cũng nhận định, việc tăng mức xử phạt có thể sẽ góp phần làm giảm thiểu vi phạm giao thông nếu được áp dụng đồng bộ và có điều chỉnh phù hợp.
"Việc tăng mức xử phạt sẽ tác động trực tiếp đến túi tiền của người dân, từ đó nêu cao ý thức của mỗi người tham gia giao thông. Tuy nhiên, để đề xuất đi vào thực tiễn và có hiệu quả cần cân đối mức phạt phù hợp, bởi nếu tăng quá cao sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực.
Với những người lao động nghèo - đối tượng thường xuyên sử dụng những chiếc xe cũ, khi áp dụng mức phạt quá cao, có thể họ sẽ bỏ phương tiện thay vì nộp phạt. Việc này, có thể ảnh hưởng trực tiếp tới công tác quản lý cũng như tạo thêm gánh nặng cho các bãi thu giữ xe vi phạm" - Giảng viên Cao cấp trường Đại học Giao thông vận tải chia sẻ.
Theo laodong.vn