Xã hội
Hướng tới giảm rác thải nhựa trong trường học
Dự án “Xây dựng và thực hiện lộ trình giảm sử dụng nhựa một lần trong trường học” được triển khai hướng tới việc nâng cao năng lực giảng dạy, thực hành giảm sử dụng nhựa một lần của học sinh và giáo viên tại quận Sơn Trà.
Học sinh Trường THPT Sơn Trà tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường tại bán đảo Sơn Trà. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Dự án do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng, Trung tâm Nghiên cứu xây dựng và năng lực thích ứng phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Sơn Trà triển khai. Theo đó, dự án được thực hiện tại 4 trường học: Trường THPT Sơn Trà, Trường THCS Nguyễn Chí Thanh, Trường Tiểu học Quang Trung, Trường Mầm non Vành Khuyên do Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương (Pacific Environment) tài trợ với tổng kinh phí gần 570 triệu đồng, được thực hiện từ tháng 5-2024 đến hết tháng 3-2025.
Mục tiêu của dự án hướng đến nâng cao năng lực giảng dạy và thực hành giảm sử dụng nhựa một lần của học sinh và giáo viên tại 4 trường thông qua so sánh lượng rác thải, kiến thức, thái độ, thực hành giảm sử dụng một lần, tình hình quản lý rác nhựa... vào cuối thời gian thực hiện dự án so với thời điểm khảo sát. Trong đó, tập trung cung cấp các kiến thức về đồ nhựa dùng một lần đến toàn thể giáo viên, nhân viên và học sinh; tập huấn giáo viên cách truyền thông phù hợp để lồng ghép các nội dung về giảm rác nhựa trong các tiết học chính khóa; hướng dẫn truyền thông qua nhiều kênh đến với học sinh, phụ huynh để phối hợp giảm rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa.
Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu xây dựng và năng lực thích ứng cho biết, tháng 9-2024, trung tâm đã phối hợp với các trường tiến hành đánh giá đầu vào hiện trạng quản lý tại mỗi trường. Trung tâm đã phối hợp với các trường xây dựng kế hoạch hành động riêng biệt, phù hợp với từng trường học trong tháng 10-2024; phối hợp với ban quản lý dự án tổ chức hội thảo khởi động dự án nhằm chia sẻ, tạo sự cam kết phối hợp giữa các trường thực hiện và các bên liên quan trong giảm sử dụng nhựa một lần và giảm rác trong trường học; đồng thời, trao đổi kinh nghiệm về các giải pháp khả thi và bền vững trong giảm sử dụng đồ nhựa một lần.
Những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) quận luôn quan tâm đến việc giáo dục môi trường đối với học sinh qua nhiều hoạt động cụ thể. Ngành đã và đang phối hợp với các phòng, ban, đơn vị tập trung công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn về bảo vệ môi trường, phân loại rác, chống rác thải nhựa; triển khai các mô hình bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học trong tiết học, hoạt động ngoại khóa như: tổ chức ngày hội môi trường; hoạt động truyền thông và đổi rác thải lấy đồ dùng dạy học; hỗ trợ phương tiện thu gom, vận chuyển rác thải…
Qua phát động phong trào phân loại rác tái chế tại các trường học, toàn quận thu được hàng tấn giấy, rác thải nhựa và rác thải kim loại; tổ chức thi thiết kế, trưng bày thiết bị, đồ dùng dạy học và sản phẩm STEM (giáo dục khoa học gắn với ứng dụng thực tiễn) kết hợp từ dụng cụ tái chế tại các trường học; phát động trong giáo viên viết sáng kiến kinh nghiệm về vấn đề môi trường tại các trường học…
Ông Trần Văn Tiến, Phó phòng GD&ĐT quận Sơn Trà cho hay, thời gian đến, ngành sẽ phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu xây dựng và năng lực thích ứng cùng các cơ quan liên quan để hỗ trợ các trường thực hiện dự án đạt mục tiêu đề ra. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các cơ sở trường học thực hiện mô hình trường học xanh; triển khai đến các đơn vị trường học hướng dẫn học sinh thực hiện phân loại rác tại lớp học, trường học.
Để dự án đạt mục tiêu đề ra, ngành GD&ĐT cũng mong muốn ban quản lý dự án hỗ trợ nhân lực, vật lực cho các trường thực hiện hiệu quả mô hình trường học xanh; hướng dẫn các giải pháp trong việc xử lý, tái chế rác thải nhựa để sử dụng hữu ích trong nhà trường và hiệu quả trong cuộc sống; hướng dẫn thực hiện phân loại, giám sát, đánh giá kết quả tại các trường học; mời chuyên gia hướng dẫn, tập huấn cho các trường trong việc tái sử dụng đồ nhựa thành các sản phẩm phù hợp để sử dụng trong trường học...
Theo Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng Nguyễn Đình Phúc, dự án không chỉ nâng cao kỹ năng, năng lực của giáo viên, ý thức bảo vệ môi trường của học sinh mà còn góp phần quan trọng trong việc giảm rác thải nhựa trong trường học. Do đó, các đơn vị, địa phương cần quan tâm, huy động các nguồn lực nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường, giảm rác thải nhựa rộng rãi đến các trường học khác trên địa bàn quận Sơn Trà nói riêng và thành phố Đà Nẵng nói chung, từ đó, góp phần làm giảm tình trạng “ô nhiễm trắng”.
VĂN HOÀNG