Ngôi trường đặc biệt

.

ĐNO - Cách trung tâm thành phố khoảng gần 40km về phía Tây Bắc, có một “ngôi trường đặc biệt”, với những người thầy người cô đang âm thầm ngày đêm giáo dục, chữa lành, định hướng tương lai cho những “học viên đặc biệt”, đó là Cơ sở xã hội Bầu Bàng (Cơ sở), Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố.

Lãnh đạo cơ sở xã hội Bầu Bàng trao giải cho các đội dự thi.
Lãnh đạo cơ sở xã hội Bầu Bàng trao giải cho các đội dự thi.

Em P.Tr., 25 tuổi; trú quận Hải Châu, đến từ Ban Quản lý số 1, là nơi giáo dục, cai nghiện cho học viên nữ, chia sẻ, trước đây em đã học đến năm 3, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng, nhưng vì ham chơi, bạn bè rủ rê nên em sa vào ma túy. Em vào cơ sở đã được gần 4 tháng, được các cô tận tình chỉ dạy, hướng dẫn từ việc các chuyên đề về pháp luật, kỹ năng phòng, chống tái nghiện, cách làm người tử tế, lao động trị liệu cho đến học nghề,… Những thầy cô của cơ sở thật sự là người cứu cánh, mở ra hướng đi đúng đắn, giúp vơi bớt chông chênh khi em trở về hòa nhập cộng đồng.

“Những tháng ngày học tập tại đây, thầy cô đã giúp em nhận ra lỗi lầm, giúp em tự nhìn nhận lại mình để được khôn lớn hơn”, em P.Tr cho biết thêm.

Em Ph.Th.T., 21 tuổi; trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà chia sẻ, em đã từng theo học ngành Công nghệ thông tin của Trường Đại học FPT, rồi sử dụng ma túy. Chỉ còn gần 1 tháng nữa là em được trở về với gia đình, tái hòa nhập cộng đồng. Với những gì em đã tự rèn luyện, tự “giác ngộ” và được thầy cô bồi đắp bằng trái tim thương yêu, nâng đỡ bằng tấm lòng rộng mở và cả sự cương nghị để các em tăng thêm niềm tin, vững bước trở về hoàn lương.

Học viên đang học tập tại Cơ sở, có người tuổi mới chỉ 14, có người cũng đã gần 60; có em đã tốt nghiệp đại học, có em đang theo học thạc sĩ nhưng cũng có em chưa một ngày được đến trường đến lớp; có em đã được biết đến và nhiều lần tri ân những “người đưa đò”, nhưng cũng có em thì đây mới chỉ là lần đầu mặc dù em đã gần 30 tuổi.

Hoàn cảnh không may mồ côi cha từ sớm, gia đình đông anh em, mẹ không có việc làm ổn định, sớm ngày bươn chải để kiếm tiền nuôi con nên sự quan tâm, giáo dục các con cũng vì thế mà không trọn vẹn.

Sau khi cắt cơn giải độc xong, tâm lý đã ổn định, D.V.N trú phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu được thầy cô dạy xóa mù chữ. Tham gia học được hơn 1 tháng nay, N., đã tự đánh vần, viết chữ đúng chính tả và làm được các phép tính.

“Em rất vui mừng vì được thầy cô yêu thương, chỉ dạy. Hôm vừa rồi em tự tay viết được vài dòng tin gửi về thăm mẹ. Đây là lần đầu tiên em biết viết thư. Đây cũng là lần đầu tiên trong cuộc đời em biết đến ý nghĩa của ngày Nhà giáo Việt Nam. Em xin cảm ơn các thầy cô rất nhiều”, D.V.N, tâm sự.

Nhìn khuôn mặt trong trẻo, thơ ngây nhưng tràn đầy niềm tin của N., chúng tôi mong em sớm trưởng thành và vượt qua bóng đêm của ma túy.

Được ông Phạm Tấn Dũng, Giám đốc Cơ sở đưa đi tham quan 1 vòng quanh Cơ sở, đâu đâu cũng hiển hiện tình người, tình thầy trò tại môi trường sư phạm đặc biệt này, từ những chậu hoa, hồ cá đến luống rau, luống cà hay lớp học. Tất cả chỉ hướng đến điều thiện lương, tốt đẹp.

Để chỉ dạy, giáo dục các em, mỗi thầy cô của Cơ sở không ngừng trau dồi, học tập, nêu gương, làm mới chính mình. Trong môi trường “nói ít làm nhiều”, “cầm tay chỉ việc”, mỗi thầy cô là 1 tấm gương phấn đấu, nỗ lực, rèn luyện để dìu dắt, mở đường cho các em. Cơ sở đã xây dựng môi trường học tập, rèn luyện “mở”, “mềm”, “tự giác”, “kỹ cương” để thay cho công cụ hỗ trợ.

Trong số cán bộ đang làm việc ở Cơ sở, có cô mới thì 2 năm công tác như cô Thanh Trúc, nhưng cũng có thầy tóc đã bạc màu, đã dành hơn nửa đời người cho sự nghiệp trồng người nơi đây như thầy Phạm Ngọc. Cứ thế, các thầy cô nối tiếp nhau để giúp những con người một thời lầm lỡ sớm trở thành người có ích cho gia đình, xã hội; để góp phần giảm thiểu tệ nạn xã hội, xây dựng thành phố an bình.

Với mỗi thầy cô đang công tác nơi đây, niềm vui lớn lao nhất, món quà ý nghĩa và thiết thực nhất chính là khi học trò của mình nhận ra được lỗi lầm, sai trái, tích cực học tập, chấp hành tốt nội quy, rèn luyện để tránh xa, từ bỏ được ma túy.

“Dẫu biết rằng công tác cai nghiện ma túy còn rất nhiều chông gai nhưng tôi tin tưởng rằng, với sự nhiệt huyết, yêu người, yêu nghề của các thầy cô; sự quan tâm của lãnh đạo các cấp; cộng đồng trách nhiệm của gia đình, xã hội, nhất định chúng ta sẽ gặt hái được thành quả tốt đẹp”, ông Phạm Tấn Dũng cho biết thêm.

Có lẽ, với sự dạy dỗ, tổ chức cai nghiện bằng cả trách nhiệm lớn lao và tình thương yêu của những thầy cô tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng, đường về nẻo thiện của các học viên sẽ gần hơn.    

MAI LINH

;
;
.
.
.
.
.