Chính sự quan tâm, giúp đỡ, đồng hành của chính quyền, ngành giáo dục và các tổ chức mà nhiều trẻ em khuyết tật được đến trường học tập, giáo dục kỹ năng sống, tự tin hòa nhập cộng đồng.
Học sinh Trường Chuyên biệt Tương Lai vừa học văn hóa kết hợp học kỹ năng sống và các hoạt động hướng nghiệp. Ảnh: T.P |
Nhiều năm qua, Trường Chuyên biệt Tương Lai trở thành mái ấm tình thương của hàng trăm trẻ em khuyết tật, và từ đây có nhiều em phấn đấu vươn lên, đạt nhiều thành công trong cuộc sống. Phó hiệu trưởng trường Trương Thị Ngọc Hà cho biết, năm học 2024-2025, nhà trường có 274 học sinh, đa phần các em khuyết tật trí tuệ và thính giác. Vào đầu mỗi năm học, trước khi tiếp nhận, nhà trường tổ chức đánh giá khảo sát học sinh mới. Đồng thời, tư vấn cho phụ huynh đưa các em đến các ngôi trường phù hợp, với những trường hợp khuyết tật nhẹ sẽ tư vấn về các trường hòa nhập tại cộng đồng. Năm học này, trường tư vấn 5 trường hợp đưa trẻ về theo học tại các trường bên ngoài.
Theo cô Trương Thị Ngọc Hà, các em đều được học chương trình giáo dục phổ thông 2018 có giảm tải để phù hợp năng lực của học sinh. Đồng thời, các em được học chương trình giáo dục đặc thù, chú trọng 3 kỹ năng: giao tiếp, xã hội và tự phục vụ. Với những kỹ năng này giúp trẻ khiếm khuyết có thể gắn kết, hòa đồng hơn, là cơ hội để trẻ thể hiện mình, hòa nhập với xã hội. Không những vậy, học sinh còn được các thầy, cô hướng dẫn các công việc lao động giản đơn như kết cườm, cắm hoa, gội đầu, rửa xe máy… “Nhìn các em làm thành thạo những công việc bình thường này, bản thân người làm thầy, cô nhưng chúng tôi vui mừng khôn xiết. Nhiều em sau khi ra trường đã có thể đi làm kiếm sống với những công việc như vậy”, cô Hà chia sẻ.
Từ năm học 2023, nhà trường được dự án Tăng cường quyền tiếp cận giáo dục cho học sinh khuyết tật dựa vào cộng đồng tại miền Trung Việt Nam giai đoạn 2023-2025 do tổ chức Medipeace (Hàn Quốc) tài trợ nhiều trang thiết bị để phục vụ công tác dạy học như tivi, máy tính, đồ dùng dạy học… Nhà trường mong muốn nhận được nhiều sự quan tâm, đầu tư của thành phố về trang thiết bị dạy học, sân chơi, phòng hướng nghiệp để mang đến môi trường giáo dục tốt nhất cho học sinh.
Tại quận Cẩm Lệ, hiện có 100 trẻ khuyết tật được chăm sóc toàn diện từ giáo dục, y tế, dinh dưỡng đến vui chơi, giải trí thông qua dự án Chăm sóc hy vọng cho trẻ khuyết tật do Tổ chức Trẻ em Việt Nam (COV) tài trợ.
Bà Nguyễn Thị Lý, Phó trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận cho biết, dự án được triển khai từ tháng 7-2023 và dự kiến tài trợ đến năm 2026 với tổng kinh phí 2,9 tỷ đồng. Tổ chức COV phân loại các dạng tật chính để định hướng can thiệp ngay từ ban đầu cho trẻ. Chẳng hạn các can thiệp về giáo dục chuyên biệt cho nhóm trẻ tự kỷ; can thiệp về tiết học cá nhân trị liệu ngôn ngữ cho nhóm trẻ khiếm thính và các can thiệp về phục hồi chức năng.
Hầu hết các em đều tham gia học tập tại các trường công lập, tư thục và chuyên biệt. Một số em do hoàn cảnh gia đình nên không có nhiều điều kiện đi học, Tổ chức COV cùng cán bộ dự án tích cực vận động các em đi học lại. Kết quả, có 88/100 em đi học, tăng hơn 20% so với ban đầu. Vào các dịp Tết, Trung thu hay ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6), Tổ chức COV tặng 100 suất quà cho trẻ và tổ chức vui chơi.
Nhờ sự hỗ trợ y tế của dự án, Nguyễn Phạm Hạo Nhiên (phường Khuê Trung) đã có thể ngồi, đứng và đi lại. Hay Phan Thị Mỹ Hoa (phường Hòa An) sống trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhờ có sự giúp đỡ của dự án, em được tập vật lý trị liệu, đến nay phục hồi cơ bản đi, đứng được và đi học.
Từ khi triển khai dự án đến nay, dự án tổ chức 6 lớp tập huấn nhằm bồi dưỡng những kỹ năng chăm sóc và các kiến thức về tâm sinh lý tuổi dậy thì ở trẻ khuyết tật dành cho người chăm sóc trẻ. “Trẻ em được hưởng lợi từ dự án có nhiều tiến bộ, thay đổi rõ nét, gia đình giảm gánh nặng lo âu, có động lực để cho trẻ tiếp tục đến trường và khám, chữa bệnh cho trẻ. Bên cạnh đó người nuôi dạy trẻ cũng nhận được sự quan tâm về tinh thần, sức khỏe. Đây là sự động viên tinh thần hết sức to lớn cho gia đình”, bà Lý bày tỏ.
Trong năm học 2024-2025, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố ban hành văn bản hướng dẫn công tác giáo dục học sinh khuyết tật và tổ chức tập huấn phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ em khuyết tật; tập huấn giáo dục hòa nhập khuyết tật trong các trường tiểu học cho cán bộ quản lý, chuyên viên phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện, giáo viên tiểu học và mầm non. Qua đó khẳng định trẻ khuyết tật được chăm sóc, nuôi dưỡng, tôn trọng và được học tập, hưởng đầy đủ mọi quyền của trẻ em.
THANH PHƯƠNG