Xã hội
Từ sạch bếp đến xanh vườn
“Sạch bếp đến xanh vườn” là một trong những mô hình bảo vệ môi trường hiệu quả trên địa bàn phường Hòa Thuận Tây (quận Hải Châu). Thông qua việc tận dụng nguồn rác thải thực phẩm trong căn bếp gia đình để ủ phân vi sinh, ý thức, thói quen về phân loại, xử lý rác thải của người dân được nâng cao, góp phần cùng địa phương thực hiện hiệu quả các đề án bảo vệ môi trường.
UBND phường Hòa Thuận Tây phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam phường và Hội Liên hiệp Phụ nữ phường trao giải Cuộc thi ảnh đẹp “Sạch bếp đến xanh vườn” nhằm lan tỏa thông điệp và tuyên truyền mô hình rộng rãi đến các hộ dân. Ảnh: VIỆT ÂN |
Theo UBND phường Hòa Thuận Tây, hiện nay, nhiều hộ gia đình tận dụng các không gian trống như: sân thượng, hành lang, lô đất trống… để trồng rau sạch. Trong quá trình trồng, đa phần các hộ dân sử dụng phân bón mua sẵn hoặc tự ủ phân bón hữu cơ nhưng chưa đúng kỹ thuật nên không bảo đảm chất lượng, phát sinh mùi hôi và tốn kém.
Xuất phát từ thực tế trên, cuối tháng 4-2024, UBND phường tổ chức ra mắt mô hình “Sạch bếp đến xanh vườn” nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, vận động người dân tham gia phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo chủ trương của UBND thành phố, tận dụng rác tài nguyên trong sinh hoạt để tái chế, tái sử dụng. Qua đó, hướng tới thực hiện phân loại chất thải thực phẩm theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và góp phần thực hiện đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030.
Mô hình hướng đến việc tận dụng rác thải thực phẩm, phế phẩm dễ phân hủy được thải ra sau quá trình làm bếp như: vỏ rau củ quả, lá cây… để ủ phân hữu cơ bón rau, cây cảnh nhằm giảm áp lực xử lý chôn lấp rác và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. UBND phường đã phối hợp Trung tâm nghiên cứu xây dựng năng lực thích ứng (CAB Vietnam) để tư vấn về quy trình, kỹ thuật thực hiện ủ phân vi sinh từ rác bếp, thực hiện các nội dung của mô hình. Địa phương còn đẩy mạnh việc tuyên truyền bằng nhiều hình thức linh hoạt, đa dạng...
Là một trong những hộ dân đầu tiên tham gia mô hình, bà Triệu Xuân Hoa (khu dân cư số 6, phường Hòa Thuận Tây) cho biết gia đình đang trồng rau trên mảnh vườn nhỏ tại địa phương từ năm 2015. Từ khi được địa phương hướng dẫn kỹ càng quy trình ủ phân vi sinh từ nguồn rác thải thực phẩm, bà tiết kiệm được khoản chi phí phân bón hằng ngày. Rau xanh trong vườn phát triển nhanh, tươi tốt, hạn chế sâu bệnh hại và năng suất cao hơn so với trước đây.
Bà Trần Thị Hằng (tổ 38) cũng cho hay, trước đây, các loại rác thải thực phẩm hằng ngày được bà gom chung với các loại rác khác khiến lượng rác thải ra mỗi ngày tăng. Từ khi tham gia mô hình, lượng rác của gia đình rất hạn chế, mang đến nhiều hiệu quả thiết thực về bảo vệ môi trường sống. Bà Mai Thị Xuân, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ tổ 6 đánh giá đây là mô hình dễ làm, dễ thực hiện, mang lại hiệu quả cao trong đời sống. Nhiều hội viên phụ nữ đã tự tổ chức sản xuất men vi sinh để ủ phân từ rác bếp qua sự hướng dẫn của địa phương và Trung tâm CAB Vietnam nhằm cung cấp cho hoạt động của mô hình tại khu dân cư. Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, tận dụng rác bếp và giảm lượng rác thải ra môi trường nên việc tham gia của các hội viên phụ nữ trong chi hội rất tích cực, nhiệt tình và hăng hái.
Theo UBND phường Hòa Thuận Tây, qua 6 tháng triển khai thí điểm (từ ngày 10-4 đến 10-10), ước tính khối lượng rác thực phẩm được phân loại và sử dụng ủ phân trên địa bàn phường là 6.120kg/10.351kg lượng rác thải phát sinh; 100% hộ dân thực hiện thí điểm cam kết tham gia mô hình, duy trì và bảo đảm quy trình, yêu cầu kỹ thuật thực hiện; 100% tổ dân phố được thông tin, tuyên truyền, vận động các hộ dân tham gia mô hình; việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ở địa phương có hiệu quả, từng bước nâng cao ý thức của người dân.
Ông Phan Trọng Tín, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Thuận Tây cho hay, UBND phường sẽ tiếp tục hoàn thiện quy trình, cách thức phân loại, xử lý rác thải thực phẩm và phương án tuyên truyền phù hợp để vận động để tăng tỷ lệ đạt các chỉ tiêu thực hiện, tăng số lượng các hộ gia đình tham gia mô hình. Từ đó, mở rộng ra các cơ sở nhóm trẻ, trường mầm non, tiểu học trên địa bàn tham gia, đẩy mạnh công tác truyền thông bảo vệ môi trường, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại các cơ sở giáo dục. Địa phương sẽ thành lập tổ nòng cốt hỗ trợ vận hành, theo dõi, giám sát tình hình thực hiện mô hình trên địa bàn; xây dựng sản phẩm khởi nghiệp về men vi sinh ủ phân hữu cơ hỗ trợ đối tượng đoàn viên, phụ nữ khó khăn, yếu thế trên địa bàn phường.
VIỆT ÂN