Cảnh giác thủ đoạn giả danh shipper lừa chuyển khoản

.

Mặc dù cơ quan chức năng đã cảnh báo về các hình thức lừa đảo trên không gian mạng, tuy nhiên, nhiều nạn nhân vẫn chủ quan, “nhẹ dạ cả tin”. Trong đó, sập bẫy các đối tượng giả danh nhân viên giao hàng, mất đi số tiền lớn mà không hề hay biết.

Thời gian gần đây, liên tục xuất hiện các đối tượng lừa đảo, tiếp cận nạn nhân thông qua những nền tảng giao hàng phổ biến, gây hoang mang cho người dân. Nắm bắt tâm lý người mua hàng, các đối tượng giả danh shipper và liên hệ với nạn nhân qua điện thoại hoặc tin nhắn, thông báo có kiện hàng đang trên đường giao.

Sau đó, chúng yêu cầu nạn nhân thanh toán một khoản tiền thông qua hình thức chuyển khoản để nhận hàng. Ngoài ra, một số đối tượng còn giả vờ gặp sự cố khi giao hàng và yêu cầu ứng trước chi phí. Sau khi chuyển khoản, nhiều nạn nhân không nhận được hàng. Khi liên hệ với shipper giả mạo, họ phát hiện thông tin liên lạc đã bị chặn hoặc không còn khả dụng. Số tiền bị chiếm đoạt dao động từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng.

Chị Đ.T.L.C (quận Sơn Trà) có thói quen mua sắm online. Lúc rảnh rỗi, chị thường vào xem các phiên livestream bán hàng và mua sắm đồ dùng trên mạng xã hội tiktok, facebook, shopee. Một lần, khi đang làm việc tại công ty, chị nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là shipper giao hàng, yêu cầu chị thanh toán món đồ đã được giao ở cổng nhà. Vì bận công việc và đã đặt khá nhiều đơn hàng trước đó, chị C. không kiểm tra kỹ thông tin đơn hàng mà chuyển khoản ngay cho người này hơn 300.000 đồng. Đến khi về nhà kiểm tra lại, chị mới phát hiện mình bị lừa. “Tôi cài đặt địa chỉ giao hàng tại nhà riêng. Do không có mặt ở nhà, shipper thường để hàng ở cổng và gửi số tài khoản để tôi thanh toán. Vì chủ quan, tôi đã bị lừa mà không hề hay biết”, chị C. kể.

Trong khi đó, chị H.T.H (quận Thanh Khê) nhận được cuộc gọi từ shipper, thông báo có đơn hàng cần giao. Như mọi khi, chị kiểm tra lại các đơn hàng mình đã đặt. Nhận thấy không có đơn hàng nào dự kiến giao hôm nay, chị lập tức cúp máy vì biết đây là cuộc gọi lừa đảo.

Theo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao (Công an thành phố), thời gian gần đây, đơn vị tiếp nhận nhiều trường hợp phản ánh về việc bị lừa đảo thông qua hình thức giả mạo nhân viên giao hàng tiết kiệm. Điển hình, vào tháng 11-2024, ông B.T. trình báo vừa nhận cuộc gọi từ số điện thoại, tự xưng là nhân viên giao hàng tiết kiệm. Lấy lý do đưa nhầm số tài khoản ngân hàng đăng ký thành viên shipper, đối tượng hướng dẫn ông T. thủ tục tự hủy tư cách hội viên. Tiếp đó, đưa ra các yêu cầu để ông T. thực hiện thao tác chuyển tiền, xác thực, rồi chiếm đoạt hơn 150 triệu đồng.

Thượng tá Lê Cao Tâm, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao cho biết, các đối tượng thu thập thông tin nạn nhân qua các phiên livestream trên mạng xã hội; mua dữ liệu người dùng từ nhóm kín, diễn đàn hacker... Trước đây, các đối tượng chỉ lợi dụng những khách hàng mua sắm nhiều, dễ quên đơn hàng để gọi điện yêu cầu chuyển khoản thanh toán, nhưng gần đây, đối tượng lừa đảo áp dụng phương thức tinh vi hơn, thông qua việc hướng dẫn người dân hoàn tiền thanh toán đơn hàng nhằm chiếm đoạt hết số tiền hiện có.

“Người dân cần cẩn trọng trước những thông tin không rõ nguồn gốc hoặc các cuộc gọi, tin nhắn bất thường; nâng cao cảnh giác, không làm theo các hướng dẫn của người lạ qua điện thoại dù họ giới thiệu là ai; không nên truy cập các đường link, tải và cài đặt bất kỳ ứng dụng nào khi chưa rõ nguồn gốc. Đặc biệt, tuyệt đối không tiết lộ thông tin cá nhân, tài khoản, mật khẩu cho bất kỳ ai; không thực hiện giao dịch, chuyển tiền khi nghi ngờ bị lừa đảo và báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ”, Thượng tá Lê Cao Tâm khuyến cáo.

TRIỀU SAN

;
;
.
.
.
.
.