Dấu ấn an sinh xã hội

.

Tiếp nối thành công của những chương trình đột phá thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an”, giai đoạn 2021-2025, chính quyền thành phố tiếp tục ban hành nhiều chính sách an sinh xã hội nổi bật, không ngừng nâng cao nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, bảo đảm công bằng, bình đẳng trong xã hội.

Người dân phấn khởi khi thành phố nâng mức hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo cao hơn quy định của Trung ương. TRONG ẢNH: Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) bàn giao nhà mới cho hộ nghèo. Ảnh: L.P
Người dân phấn khởi khi thành phố nâng mức hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo cao hơn quy định của Trung ương. TRONG ẢNH: Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) bàn giao nhà mới cho hộ nghèo. Ảnh: L.P

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, bên cạnh chính sách của Trung ương, thành phố có cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy việc giảm nghèo nhanh, bền vững. Cụ thể, ngày 17-12-2021, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 76/2021/NQ-HĐND về quy định chuẩn nghèo đa chiều trên địa  bàn thành phố giai đoạn 2022-2025. Theo đó, chuẩn nghèo thành phố nâng tiêu chí thu nhập bình quân đầu người cao hơn chuẩn nghèo Trung ương 500.000 đồng/người/tháng. Nhờ đó, có thêm hàng trăm hộ nghèo, hộ cận nghèo được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ, tạo động lực phấn đấu vươn lên.

Nhằm giúp hộ nghèo cải thiện nhà ở, ngày 14-12-2023, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 105/2023/NQ-HĐND sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 75/2021/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo. Theo đó, từ ngày 1-7-2024, nâng mức hỗ trợ xây mới nhà ở cho hộ nghèo lên 80 triệu đồng/nhà (trước đây là 50 triệu đồng/nhà); sửa chữa tối đa 30 triệu đồng/nhà (trước đây là 20 triệu đồng/nhà), cao hơn mức hỗ trợ do Trung ương quy định (40 triệu đồng/nhà xây mới, 20 triệu đồng/nhà sửa chữa).

Những ngày cuối năm 2024, gia đình ông Trương Trọng (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) phấn khởi dọn vào nhà mới. Ông Trọng là hộ nghèo, bản thân lớn tuổi, hay đau ốm, vợ không có việc làm ổn định. Suốt nhiều năm nay, cả gia đình chen chúc trong căn nhà cấp 4 xập xệ vì không có kinh phí sửa sang. Được Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố hỗ trợ 80 triệu đồng, cùng sự giúp đỡ của địa phương, sau hơn 2 tháng thi công, căn nhà hoàn thiện trong niềm vui mừng của cả gia đình, hàng xóm.

Không chỉ giúp đỡ hộ nghèo, thành phố còn có chính sách đặc thù hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội. Trên cơ sở Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 34/2021/NQ-HĐND về nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội của thành phố từ 360.000 đồng lên 400.000 đồng.

Tiếp đó ban hành Nghị quyết số 101/2023/NQ-HĐND về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 34/2021/NQ-HĐND nhằm mở rộng đối tượng hưởng, mức hưởng so với quy định của Trung ương. Nhờ đó, những người từ 75 tuổi đến 80 tuổi, người mắc bệnh ung thư, suy thận mãn, chạy thận nhân tạo không có lương hưu, không có trợ cấp bảo hiểm xã hội; người khuyết tật nhẹ là thế hệ thứ ba của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng trợ cấp hằng tháng từ 1-1,5 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội, được cấp thẻ bảo hiểm y tế và hỗ trợ chi phí mai táng bằng 20 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội.

Tính đến nay, có gần 43.000 đối tượng bảo trợ xã hội nhận trợ cấp hằng tháng với tổng kinh phí hơn 270 tỷ đồng. “Những chính sách an sinh xã hội nổi trội của thành phố chính là chỗ dựa vững chắc cho người dân; khẳng định tinh thần nhân văn của chính quyền thành phố trong chăm lo nhân dân”, bà Lê Thị Châu (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) chia sẻ.

Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu xây dựng Đà Nẵng là thành phố an bình, văn minh, đáng sống. Cụ thể hóa mục tiêu ấy, chính quyền và nhân dân thành phố nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu về an sinh xã hội, an ninh trật tự, đô thị, môi trường…

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Đăng Hoàng cho biết, tổng nguồn lực huy động giúp đỡ hộ nghèo năm 2024 ước đạt gần 250 tỷ đồng, trong đó Quỹ “Vì người nghèo” toàn thành phố vận động hơn 100 tỷ đồng. Ngân sách thành phố cấp thẻ bảo hiểm y tế cho gần 37.000 hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo; miễn giảm học phí gần 4.000 trẻ mẫu giáo và học sinh; hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà gần 270 nhà hộ nghèo; tổ chức dạy nghề cho gần 464 người lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo,… Kết quả, có 2.298 hộ thoát nghèo, trong đó 505 hộ nghèo theo chuẩn Trung ương, 112 hộ nghèo là người có công cách mạng, hoàn thành chỉ tiêu giao.

LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.