Cụ thể hóa Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, Hội Nông dân phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) hướng mạnh về cơ sở, hỗ trợ kịp thời, tạo niềm tin, điểm tựa vững chắc cho hội viên.
Đại diện Hội Nông dân phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) và Đồn Biên phòng Phú Lộc thăm hỏi, trao hỗ trợ cho ngư dân gặp khó khăn. Ảnh: LAM PHƯƠNG |
Trong lúc ra khơi, thúng máy của anh Trần Văn Đức (tổ 31, phường Thanh Khê Tây) không may gặp gió lớn nên lật úp. Hậu quả khiến bộ máy, bộ đề, bình sạc tích điện và 10 tấm lưới hư hỏng, thiệt hại gần 10 triệu đồng. Sau khi nắm thông tin, Hội Nông dân phường Thanh Khê Tây huy động sự hỗ trợ của cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Phú Lộc, hội viên nông dân, ngư dân hợp sức kéo phương tiện lên bờ. Trước những thiệt hại của ngư dân, Phường hội tham mưu UBND phường Thanh Khê Tây hỗ trợ 3 triệu đồng để sửa chữa phương tiện, giúp ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển.
Anh Đức xúc động: “Gần 10 ngày qua phương tiện hư hỏng nằm bờ, gia đình tôi rất khó khăn. Số tiền hỗ trợ này rất ý nghĩa, không chỉ giúp tôi trang trải chi phí sửa chữa mà còn tiếp thêm động lực, niềm tin để tôi tiếp tục vươn khơi, bám biển”.
Chủ tịch Hội Nông dân phường Lê Thị Mỹ Hạnh cho biết, Thanh Khê Tây hiện có 772 hội viên hoạt động đa ngành nghề: nông nghiệp, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh nhỏ lẻ. Đời sống hội viên hầu hết khó khăn. Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, Phường hội luôn bám sát cơ sở, nắm bắt thông tin, kịp thời hỗ trợ hội viên có hoàn cảnh khó khăn; khuyến khích nông dân vượt khó, phấn đấu lao động sản xuất, phát triển kinh tế.
Song song đó, Hội Nông dân phường chú trọng công tác đoàn kết giúp nông dân phát triển kinh tế. Cuối tháng 3-2024, Phường hội thành lập Tổ hội nông dân nghề điện dân dụng tại Chi hội nông dân 4A gồm 5 người, làm trong lĩnh vực điện dân dụng, điện xây dựng, điện lạnh. Hằng ngày, ông Dương Văn Thanh, tổ trưởng tổ hội túc trực tại địa điểm hoạt động, tiếp nhận sửa chữa các vật dụng điện hư hỏng do người dân mang đến. Với những hộ nghèo, hộ khó khăn, người khuyết tật, tổ hội sửa chữa miễn phí.
Bên cạnh đó, tổ hội nhận thi công các công trình điện xây dựng, điện dân dụng và phân chia cho các thành viên cùng thực hiện. Thực hiện 3 đề án đột phá do Hội Nông dân thành phố phát động, Hội Nông dân phường tập trung tìm kiếm, tập hợp các hội viên có cùng ngành nghề, lĩnh vực hoạt động để thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp giúp hội viên cùng làm ăn, phát triển kinh tế. Kết quả, năm 2024, thành lập mới 3 tổ chức hội, gồm: Chi hội nông dân nghề sinh vật cảnh; Tổ hội nông dân nghề điện dân dụng, Tổ hợp tác gia công chế biến hải sản, nâng tổng số tổ chức hội toàn phường lên 6 chi hội nghề, 3 tổ hội nghề và 4 tổ hợp tác.
Để tạo điều kiện cho hội viên phát triển kinh tế, Hội Nông dân phường tăng cường bám sát cơ sở, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hội viên để kịp thời hỗ trợ. Bà Nguyễn Thị Thu Vân bán quán cơm, chồng làm nghề xây dựng nhưng vì sức khỏe yếu nên nghỉ việc. Năm 2013, Hội Nông dân phường có chủ trương tạo điều kiện để người dân khai khẩn, trồng trọt tại các lô đất trống, bà Vân đăng ký tham gia. Sau khi nhận đất, gia đình bà Vân đầu tư kinh phí, công sức dọn vệ sinh, phát quang bụi rậm, san phẳng để trồng hoa, rau màu, phát triển kinh tế.
Để có vốn chuẩn bị sản xuất vụ hoa Tết Ất Tỵ 2025, bà Vân được Hội Nông dân phường hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố. Sau khi được giải ngân 30 triệu đồng, bà đầu tư cải tạo lại vườn, mua vật tư, chậu, hạt giống trồng khoảng 1.200 chậu hoa Tết các loại. “Hội Nông dân phường rất quan tâm, giúp đỡ hội viên. Không chỉ tạo điều kiện để gia đình tôi mượn đất sản xuất còn giúp mượn vốn làm ăn. Nhờ đó có tiền nuôi các con ăn học, phát triển kinh tế gia đình”, bà Vân tâm sự.
Tương tự, chị Lê Thị Gái (tổ 25, phường Thanh Khê Tây) cũng được Hội Nông dân phường tạo điều kiện mượn đất sản xuất, trồng cây. Vừa qua, chị được Phường hội hỗ trợ làm hồ sơ vay vốn 50 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố để mở rộng vụ hoa Tết. Từ nguồn vốn này, chị Gái đầu tư trồng 600 chậu cúc, 500 chậu vạn thọ, 150 chậu hoa ly, 400 chậu cúc lá nhám, 300 chậu cúc mặt trời, 600 chậu cẩm nhung, 500 chậu dạ yến thảo treo… để phục vụ thị trường.
Theo bà Lê Thị Mỹ Hạnh, từ đầu năm đến nay, hội hỗ trợ, hướng dẫn 13 hội viên vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố tổng số tiền 410 triệu đồng để phát triển các dự án kinh doanh hoa cây cảnh, kinh doanh hộ gia đình. Tổng dư nợ hiện tại hơn 843 triệu đồng. Bên cạnh đó, Hội Nông dân phường còn nhận ủy thác của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố quản lý 8 tổ vay vốn với 348 hộ vay, tổng dư nợ hơn 17 tỷ đồng, giúp giải quyết nhu cầu vốn sản xuất cho hội viên, góp phần phát triển kinh tế địa phương, bảo đảm an sinh xã hội.
LAM PHƯƠNG