Với ứng dụng tổ, thôn điện tử trên nền tảng Data-Centric, người dân tiếp nhận thông tin chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước và của thành phố, quận, huyện, phường, xã và tổ, thôn. Chiều ngược lại, ứng dụng ghi nhận kiến nghị, phản ánh của nhân dân chuyển đến các cấp có thẩm quyền.
Đại diện Sở Nội vụ (áo trắng) hướng dẫn người dân thôn Trà Kiểm đăng nhập tài khoản, sử dụng phần mềm. Ảnh: TRỌNG HUY |
Tăng hiệu quả hoạt động của tổ dân phố, thôn
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Trung Sơn cho biết, UBND thành phố vừa triển khai thí điểm sử dụng ứng dụng tổ, thôn điện tử tại 2 thôn và 2 tổ dân phố, gồm: tổ dân phố 17 phường Hải Châu 1 (quận Hải Châu); tổ dân phố 51 phường Thạc Gián (quận Thanh Khê); thôn Trà Kiểm, xã Hòa Phước và thôn Lộc Mỹ, xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang).
Có 3 tính năng mới cơ bản của ứng dụng lần đầu được triển khai, bao gồm chuẩn hóa cơ sở dữ liệu dân cư (smart-data). Ứng dụng tập trung vào việc chuẩn hóa thông tin người dân, lấy thông tin cá nhân làm trung tâm, hỗ trợ việc quản lý các thông tin quan trọng một cách rõ ràng và chính xác. Việc cập nhật thường xuyên và liên tục giúp tối ưu hóa quản lý và khai thác thông tin một cách toàn diện. Ví dụ, khi muốn tra cứu thông tin của một hộ gia đình, ứng dụng sẽ hiển thị tên chủ hộ, số lượng thành viên và thông tin từng thành viên trong gia đình đó.
Thứ hai, ứng dụng là công cụ thực hiện dân chủ cơ sở ở khu dân cư, phường, xã thông qua tạo lập công cụ trực tuyến 24/7 để cung cấp công khai và thông tin liên lạc đa chiều không khoảng cách thời gian, không gian (smart-communication). Ứng dụng tạo ra kênh liên lạc nhanh chóng và tiện lợi, kết nối thông suốt giữa các cấp lãnh đạo phường, xã với người dân; giữa cán bộ tổ dân phố, thôn, công an khu vực và người dân, cũng như giữa các hộ gia đình trong tổ dân phố, thôn với nhau.
Thứ ba, ứng dụng có tính năng quản lý các loại quỹ, khoản thu chi theo quy định pháp luật, các khoản đóng góp của nhân dân (smart-accountability). Việc triển khai ứng dụng giúp theo dõi, quản lý các khoản thu chi, hoạt động chính quyền của trong tổ dân phố một cách minh bạch và hiệu quả. Ứng dụng có thể giúp xem danh sách quỹ cần nộp trong tổ, người nộp và thông tin nộp quỹ chi tiết của hộ gia đình khi chúng ta tra cứu trên ứng dụng.
Bà Nguyễn Thị Bê, tổ trưởng tổ dân phố 17 (phường Hải Châu 1), cho biết ứng dụng rất hữu ích, thể hiện tính công khai, minh bạch, đồng thời dễ sử dụng. Tuy nhiên, do mới triển khai, nên nhiều người còn bỡ ngỡ, nhất là một số tính năng trong công tác quản lý tổ dân phố đến nay chưa tạo được sự thống nhất trong điều hành thông qua phần mềm ứng dụng. Đơn cử, với một số phản ánh, kiến nghị từ người dân đăng lên ứng dụng, nếu trong thẩm quyền xử lý, giải quyết của tổ thực hiện dứt điểm thì không nhất thiết phải “chuyển tiếp” lên cấp trên. Hoặc tình trạng “nhân khẩu ảo”, tức là có hộ khẩu mà không có người ở thực, thì cách cập nhật dữ liệu như thế nào cho bảo đảm “ đúng, đủ, sạch, sống”.
Theo ông Nguyễn Đăng Học, công chức văn phòng - thống kê UBND xã Hòa Bắc, phần mềm rất hữu ích. Tuy nhiên, quá trình thí điểm, hoàn thiện phần mềm, cần cập nhật, bổ sung các tính năng làm sao để tăng tính tương tác giữa người dân với chính quyền các cấp, đồng thời bổ sung các tính năng theo lĩnh vực đặc thù vùng nông thôn ở Hòa Vang để phù hợp vùng miền, tạo sự gần gũi với người dùng. Ông Trần Lân, người dân thôn Trà Kiểm cho rằng, ngoài tính minh bạch, công khai của ứng dụng thì cần quản lý và bảo đảm các thông tin cá nhân của người dân không bị kẻ xấu lợi dụng. Do đó, cần xây dựng chế tài, quy định quản lý chặt chẽ và gắn trách nhiệm cụ thể cho từng cấp được phân quyền quản lý.
Tiếp cận chuyển đổi số từ cộng đồng
Ứng dụng tổ, thôn điện tử là mô hình tiên phong, hữu ích và rõ nét để tổ công nghệ số cộng đồng phát huy hiệu quả mô hình chuyển đổi số gắn với đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06). Đây là công cụ mới để chính quyền địa phương ở đô thị điều hành, quản lý địa bàn tốt, minh bạch hơn, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở phường, xã, khu dân cư.
“Đây là giải pháp thực hiện chủ trương theo tinh thần Chỉ thị số 40-CT/TU của Thành ủy về tiếp tục lãnh đạo nâng cao chất lượng hoạt động của tổ dân phố, thôn, đó là: “Nắm chắc tình hình, quản lý tốt địa bàn, tiếp nhận thông tin nhanh, xử lý tình huống phát sinh kịp thời trên cơ sở áp dụng chuyển đổi số từ cơ sở nhằm hướng đến mục tiêu tiếp cận chuyển đổi số từ cộng đồng và phục vụ cộng đồng tốt hơn, tạo công cụ tương tác chính quyền số - công dân số - xã hội số”, ông Trần Trung Sơn nói.
Theo ông Sơn, với các tính năng của ứng dụng tổ, thôn điện tử là cầu nối, giúp rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền và nhân dân, thu hút nhân dân tham gia các hoạt động cùng chính quyền và giúp chính quyền kịp thời nắm bắt, giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách của nhân dân. Với các thông tin được chia sẻ trên ứng dụng cũng giúp tăng cường các hoạt động giám sát của nhân dân, vận động nhân dân chung tay cùng chính quyền thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ được cấp trên giao.
“Sau khi triển khai thí điểm, dự kiến đến cuối tháng 12-2024, sẽ xem xét, đánh giá kết quả thực hiện bước đầu, qua đó hoàn thiện, khắc phục các hạn chế, bất cập (nếu có), bổ sung các tính năng mới cần thiết, đáp ứng nhu cầu của người dân cũng như chính quyền các cấp trong quá trình sử dụng, ứng dụng sẽ được triển khai rộng khắp toàn thành phố”, ông Sơn cho hay.
TRỌNG HUY