Sáu năm qua, UBND xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) thành lập “Tổ hợp tác kiệu hương Hòa Nhơn” tại thôn Thạch Nham Tây, giúp 54 hộ dân phát triển kinh tế gia đình và đưa cây kiệu hương trở thành sản phẩm đặc trưng của xã.
Dựa trên ý tưởng phát triển các sản phẩm từ cây kiệu hương của chị Nguyễn Thị Bông (38 tuổi, thôn Thạch Nham Tây), năm 2018, UBND xã Hòa Nhơn tìm hiểu nhu cầu các hộ dân và thành lập “Tổ hợp tác kiệu hương Hòa Nhơn” (gọi tắt tổ hợp tác - PV). Tổ hợp tác có 54 hộ tham gia, theo hình thức tổ kinh tế độc lập, tự chủ với mục đích đầu tư, sản xuất, mua bán kiệu hương tươi và tạo ra sản phẩm từ kiệu hương như: kiệu dầm mắm chua ngọt, kiệu dầm chay, kiệu sấy khô thành phẩm… Các hộ dân tham gia tổ hợp tác tự quyết định, tự chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất, kinh doanh dịch vụ.
Là tổ trưởng tổ hợp tác, chị Bông bày tỏ, nhắc đến vùng đất Thạch Nham Tây, ai cũng biết đến cây kiệu hương. Sở dĩ kiệu hương trở thành sản phẩm đặc trưng của thôn nói riêng và toàn xã nói chung bởi được gieo trồng trên những gò đồi với độ dốc cao nằm sâu trong rừng và được ươm mầm, nuôi dưỡng chủ yếu nhờ các mạch nước ngầm. Vì lẽ đó, cây có thân nở, eo thắt, khi ăn vẫn giữ độ giòn nguyên bản kèm vị cay, nồng, thơm rất riêng biệt so với nhiều loại kiệu hương trên thị trường. Nhờ ưu điểm này, chị Bông nảy sinh ý tưởng làm các sản phẩm từ củ kiệu nhằm giải quyết sản phẩm đầu ra cho người dân. Đồng thời, phát triển các sản phẩm từ kiệu hương tươi, giúp ổn định giá và nâng cao giá trị nông sản.
“Để nắm bắt thị trường, ban đầu tôi cung cấp sản phẩm kiệu hương dầm và may mắn được mọi người ủng hộ. Đặc biệt, khi trình bày ý tưởng, tổ hợp tác nhận sự hỗ trợ rất lớn từ UBND xã, như tổ chức tập huấn, hướng dẫn sơ chế, chế biến sản phẩm từ kiệu đúng quy trình, kỹ thuật đến công đoạn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, tổ hợp tác được Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đầu tư trang thiết bị hiện đại như máy sấy khô, máy khò, màn co, máy sục ozone, máy làm mát nhằm tăng chất lượng bảo quản và chế biến sản phẩm nhanh, hiệu quả”, chị Bông nói.
Là thành viên tổ hợp tác, bà Nguyễn Thị Trữ (70 tuổi) cho biết, gia đình có ba đời trồng kiệu hương. Trước đây, bà cũng như nhiều hộ dân trong vùng trồng theo cách truyền thống và bán tại các chợ nên đầu ra không ổn định, đôi khi bị ép giá, nhất là dịp cận Tết. Không ít hộ dân dần bỏ nghề bởi bỏ nhiều công sức nhưng lời lãi không đáng là bao. Từ khi tổ hợp tác thành lập đã giúp bà và các hộ dân có đầu ra sản phẩm ổn định, không chỉ dịp Tết mà cả bốn mùa trong năm.
Theo bà Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã, đến nay, sản phẩm kiệu hương của tổ hợp tác hoàn thành đăng ký QR Code truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đạt chứng nhận VietGAP và tiêu chuẩn HACCP. Năm 2021, sản phẩm kiệu hương Hòa Nhơn đạt OCOP 4 sao. Việc liên kết tiêu thụ kiệu hương không chỉ tại các chợ mà còn ở một số cửa hàng, siêu thị trên địa bàn. Ước tính, tổ hợp tác cho thu nhập mỗi hộ dân 15-20 triệu đồng/sào/vụ/năm và giải quyết việc làm cho 3 lao động chính, 5 lao động thời vụ tại cơ sở chế biến kiệu hương của chị Bông với mức thu nhập 3-5 triệu đồng/người/tháng.
Tổ hợp tác nhận bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố vì có thành tích suất sắc trong phong trào thi đua “Thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2023”. “Tuy lợi nhuận của tổ hợp tác chưa cao nhưng góp phần tạo điều kiện cho các hộ gia đình có thêm việc làm, thêm thu nhập, nhất là nhóm phụ nữ ở độ tuổi 40 trở lên và những người không đủ điều kiện làm việc tại các khu công nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Quan trọng hơn, cây kiệu hương tạo ra nguồn sản phẩm chất lượng, giúp người nông dân tiếp cận, áp dụng công nghệ tiên tiến để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững”, bà Bình nhận định.
HUỲNH VŨ