Hoàn tất kiểm tra an toàn thực phẩm trước giờ khai mạc DIFF 2018

.

ĐNO - Đến ngày 29-4, công tác tuyên truyền, tập huấn và kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trên địa bàn 2 quận Hải Châu và Sơn Trà phục vụ dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 và khai mạc Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) 2018 đã hoàn tất.

Các đoàn kiếm tra liên ngành đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử phạt các hành vi vi phạm về an tòn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Các đoàn kiếm tra liên ngành kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử phạt các hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Nhà hàng, quán ăn tuân thủ nghiêm ngặt

Địa bàn phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà) có khoảng 200 nhà hàng, cơ sở lưu trú, chưa kể rất nhiều quán ăn đường phố tại các tuyến đường có nhiều cơ sở dịch vụ lưu trú. Đại diện một số quán ăn đường phố, nhà hàng phục vụ khách du lịch ở đường Võ Nguyên Giáp, Hà Chương, Hà Bổng… cho biết, các cơ sở kinh doanh ăn uống này tuân thủ nghiêm các quy định của Nhà nước, có đầy đủ giấy tờ chứng nhận do cơ quan có thẩm quyền cấp. Đồng thời, khâu chế biến và chọn mua hải sản, thực phẩm… đều được thực hiện chu đáo, bảo đảm ATVSTP.

“Chúng tôi luôn tuân thủ các quy định của Nhà nước, đồng thời phải thực hiện nghiêm ngặt trong chế biến, lựa chọn và bảo quản thực phẩm để bảo đảm ATVSTP cho du khách”, anh Nguyễn Hoài Nam, chủ một quán ăn ở đường Hà Chương cho biết.

Trong khi đó, chủ một nhà hàng hải sản lớn ở đường Võ Nguyên Giáp (phường Phước Mỹ) chia sẻ, dưới áp lực cạnh tranh và phục vụ khách chu đáo, các nhà hàng đều cố gắng để không xảy ra vi phạm trong lĩnh vực ATTP. Các nhà hàng không chỉ tìm đến chợ đầu mối thủy sản mà phải liên kết chặt chẽ với các tàu cá đánh bắt xa bờ đã được chứng nhận về bảo đảm ATVSTP để được cung cấp hải sản sạch, an toàn.

Cạnh đó, phải trang bị hệ thống bảo quản, nuôi sống hiện đại để bảo đảm chất lượng hải sản. Ngoài ra, khâu lựa chọn thực phẩm khác và chế biến thực phẩm cũng phải được kiểm soát và thực hiện kỹ càng, vì chỉ cần đơn vị cung cấp để lẫn vào một chai dầu ăn hoặc gói hạt nêm không ghi rõ ngày sản xuất, ngày hết hạn là nhà hàng gặp “vấn đề lớn” với đoàn kiểm tra liên ngành.

Bà Thái Thị Kim Thanh, chủ một quán ăn ở đường Trần Hưng Đạo (quận Sơn Trà) cho hay: “Nếu có một khách nhập viện vì bị ngộ độc thực phẩm thì cơ quan chức năng sẽ nhanh chóng truy ra là khách đã ăn ở quán nào. Vì thế, trước hết, chúng tôi phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định và thực hành chế biến ATVSTP”.

Kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm

Các cơ quan chức năng cũng đã tiến hành thử test nhanh nhiều mẫu thực phẩm.
Các cơ quan chức năng tiến hành thử test nhanh nhiều mẫu thực phẩm.

Nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về ATVSTP và giảm thiểu nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm trong thời gian diễn ra DIFF 2018, từ giữa tháng 3-2018, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATVSTP quận Sơn Trà đã triển khai kế hoạch kiểm tra ATVSTP tại tất cả cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn quận theo phân cấp quản lý.

Phòng Y tế quận Sơn Trà cho hay, kết thúc đợt kiểm tra thứ nhất phục vụ dịp lễ 30-4, 1-5 và khai mạc DIFF 2018 (từ ngày 26-3 đến 29-4), đoàn liên ngành của quận đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm về ATVSTP tại 11 cơ sở kinh doanh ăn uống và đã xử phạt tổng cộng 15 triệu đồng.

Cùng với đó, Đội Quản lý thị trường số 4 cũng đã tiến hành kiểm tra về niêm yết giá cả, nhãn mác hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ… tại 47 cơ sở kinh doanh về ăn uống nhưng không phát hiện vi phạm.

Theo ông Huỳnh Văn Hùng, Chánh Văn phòng HĐND và UBND quận Sơn Trà, sau khi kiểm tra, rà soát công tác bảo đảm ATVSTP trên địa bàn quận trước ngày khai mạc DIFF 2018, Chủ tịch UBND quận đã yêu cầu Phòng Y tế tiếp tục công tác kiểm tra ATVSTP tại 100% các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn theo phân cấp quản lý, nhất là các cơ sở kinh doanh trên các tuyến đường trọng điểm.

“Quận Sơn Trà đã và đang tăng cường xử phạt các cơ sở vi phạm với mức phạt đúng theo quy định, không giảm nhẹ. Trường hợp vi phạm về giá cả từ phản ánh qua các đường dây nóng thì áp dụng các tình tiết tăng nặng (nếu có). Ngoài ra, Trung tâm Y tế quận Sơn Trà cũng đã chủ động phương án sơ cấp cứu, phân công ca trực cấp cứu, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc trong trường hợp khẩn cấp…”, ông Huỳnh Văn Hùng cho biết.

Còn theo lãnh đạo Phòng Y tế quận Hải Châu, tính đến ngày 29-4, đã tổ chức 54 lớp tập huấn và tuyên truyền phổ biến pháp luật về ATVSTP cho hơn 1.900 người và 89 buổi nói chuyện về vấn đề này thu hút hơn 2.600 người nghe.

Các đoàn kiểm tra liên ngành của quận và các phường đã kiểm tra VSATTP hơn 1.100 lượt ở các cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn quận và đã xử phạt 25 cơ sở vi phạm với tổng số tiền 55,5 triệu đồng. Ngoài ra, đã tiến hành thử test nhanh 208 mẫu thực phẩm nhưng đều cho kết quả âm tính.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.
.