"Tái sinh" người bệnh thận

.

Bệnh viện Đà Nẵng đã làm chủ được kỹ thuật ghép thận khi thực hiện thành công 21 ca trong vài năm trở lại đây. Đặc biệt, đằng sau kỹ thuật y khoa phức tạp này còn là câu chuyện đầy nhân văn khi người bệnh được bệnh viện hỗ trợ hoàn toàn chi phí phẫu thuật, cấy ghép thận.

Sau một tuần được “tái sinh” bằng quả thận của mẹ, sức khỏe Phùng Thị Thu H. đã có dấu hiệu hồi phục.
Sau một tuần được “tái sinh” bằng quả thận của mẹ, sức khỏe Phùng Thị Thu H. đã có dấu hiệu hồi phục.

“Sống lại” nhờ ghép thận

Sau một tuần được ghép thận, sức khỏe của Phùng Thị Thu H. (SN 1994, trú phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) đã có dấu hiệu hồi phục và có thể xuất việc trong tuần tới. Theo các bác sĩ, bệnh nhân đã hết khó thở, đi tiểu bình thường, ăn uống được.

Mới 24 tuổi nhưng H. bị suy thận mạn sau 3 năm điều trị viêm cầu thận mạn. 4 tháng nay, H. phải chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần. Trước tình hình sức khỏe của con, bà Nguyễn Thị B. (sinh 1974), mẹ H. đã đồng ý cắt một quả thận để ghép cho con.

Gia đình bà B. thuộc diện khó khăn, bản thân bà không có công việc, chồng làm công nhân nên cuộc sống chỉ đủ ăn qua ngày. Ê- kíp gần 30 người của Bệnh viện Đà Nẵng được huy động tham gia ca phẫu thuật ghép thận cho H. trong vòng 6 giờ đồng hồ.

Nằm chung phòng với H. là bệnh nhân cùng tuổi Nguyễn Văn C. (trú quận Sơn Trà). C. bị suy thận mạn giai đoạn cuối, gia đình thuộc diện khó khăn, bố làm bảo vệ, mẹ bán bánh mì và C. cũng được “tái sinh” bằng quả thận của bố…

Từ năm 2015, chương trình ghép thận được tái khởi động tại Bệnh viện Đà Nẵng với sự hỗ trợ kỹ thuật của Bệnh viện Chợ Rẫy, cùng các chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này. Bác sĩ Đặng Anh Đào, Trưởng khoa Nội thận-Nội tiết cho biết, ghép thận được xem là phương pháp điều trị thay thế thận có hiệu quả cao hơn so với thận nhân tạo, nhưng đây là kỹ thuật khó, phức tạp và có sự phối hợp của nhiều chuyên khoa cùng lúc. Mỗi ca ghép thận phải thực hiện hơn 100 xét nghiệm các loại.

Bên cạnh đó, việc tìm kiếm nguồn tạng thay thế không phải là điều dễ dàng; đặc biệt, lĩnh vực này đang có nhiều rào cản về mặt tâm lý, văn hóa lẫn chính sách của ngành y tế. Đề án ghép thận lần đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Đà Nẵng từ năm 2006, nhưng vì nhiều lý do nên gián đoạn đến năm 2015 mới bắt đầu trở lại.

Bệnh viện lo tiền chạy chữa cho bệnh nhân

So với các cơ sở y tế trong cả nước, chi phí ghép thận một ca tại Bệnh viện Đà Nẵng thấp hơn rất nhiều, khoảng 150-200 triệu đồng/ca ghép (so với 400-500 triệu/ca tại các cơ sở khác) nhưng vẫn bảo đảm các các chỉ số hồi phục.

Đặc biệt hơn cả là toàn bộ chi phí phẫu thuật, cấy ghép thận của bệnh nhân đều do Bệnh viện Đà Nẵng vận động, kêu gọi hỗ trợ. Chia sẻ về điều này, bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết:

“Bệnh nhân bị suy thận mạn không chỉ đối mặt với vấn đề trầm cảm và nguy cơ tử vong rất cao, mà còn chật vật trong cuộc sống. Phải điều trị thời gian dài khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh túng thiếu, vay mượn khắp nơi.

Đó là lý do Bệnh viện Đà Nẵng nghĩ đến việc kêu gọi, kết nối các mạnh thường quân để chia sẻ khó khăn này với bệnh nhân”.

Ngoài ra, một thực tế hiện nay khiến việc hiến tạng gặp nhiều khó khăn, đó là bảo hiểm y tế không chi trả chi phí phẫu thuật cho người hiến thận (khoảng 20 triệu đồng/ca). Theo Bệnh viện Đà Nẵng, đơn vị này đã trích ngân sách từ quỹ ghép thận để hỗ trợ, chi trả cho người hiến thận, nhằm hỗ trợ tối đa cho việc “tái sinh” người mang bệnh thận.

Đầu năm 2018, UBND thành phố đã thông qua đề án thành lập Trung tâm Ghép tạng tế bào gốc với kinh phí hơn 700 tỷ đồng. Đây là tiền đề cho sự phát triển ngành ghép thận, tế bào gốc trong tương lai gần, và xa hơn nữa là ghép gan, tim, giác mạc... cho người dân Đà Nẵng và các tỉnh trong khu vực.

“Bệnh viện đang chuẩn bị nhân lực, thiết bị kỹ thuật, đặc biệt là hợp tác, lĩnh hội các kỹ thuật y khoa tiên tiến của thế giới đối với lĩnh vực ghép tạng, nhằm tạo tiền đề hình thành trung tâm ghép tạng”, bác sĩ Nhân cho biết.

Hội đồng y đức thẩm tra hồ sơ ghép thận

Trước tình trạng mua bán thận xảy ra ở một số cơ sở y tế trên cả nước, Bệnh viện Đà Nẵng đã thành lập Hội đồng y đức nhằm kiểm tra, thẩm định quá trình ghép thận bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Theo đó, những hồ sơ đăng ký hiến thận phải được xác minh kỹ lưỡng về tính pháp lý, tìm hiểu các mối quan hệ giữa người hiến và người được ghép.

Hội đồng y đức là tổ chức độc lập, trực tiếp phản biện với Hội đồng ghép tạng (do Giám đốc Bệnh viện làm Chủ tịch) về tính khả thi của từng hồ sơ. Mỗi trường hợp được ghép thận sẽ được lập hồ sơ gửi về Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia để báo cáo.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

;
.
.
.
.
.
.