Phòng ngừa và phát hiện sớm bệnh ung thư phổi

.

Ung thư phổi là loại ung thư nguy hiểm hàng đầu, có tỷ lệ tử vong cao nhưng khó phát hiện ở giai đoạn sớm.

Nguyên nhân

Nguyên nhân hàng đầu là do hút thuốc lá nhiều, không những người hút mà người hít phải khói thuốc lá thường xuyên cũng có nguy cơ bị ung thư phổi.

Trong khói thuốc, có rất nhiều chất gây ra ung thư, không những gây ra ung thư phổi mà còn gây nhiều loại ung thư khác như: ung thư hốc miệng, họng, thanh quản, thực quản, dạ dày, bọng đái, cổ tử cung... và nhiều bệnh lý không phải ung thư.

Các nguyên nhân ung thư phổi khác ít gặp hơn:

- Hít phải một số chất nơi làm việc như bụi abestos - sử dụng trong xây dựng để chống nhiệt chống cháy; một số chất khác như chromium, beryllium, nickel, bồ hóng (nhọ nồi), nhựa đường.

- Bệnh sử gia đình có người ung thư phổi, tiếp xúc bức xạ, sống nơi ô nhiễm không khí.

- Sử dụng thực phẩm bổ sung Beta carotene - một dạng vitamin A cho người hút thuốc lá nhiều cũng làm tăng nguy cơ ung thư phổi.

- Lớn tuổi cũng là một nguy cơ.

- Có thể có nhiều yếu tố kết hợp gây ra ung thư phổi.

- Ngoài ra, sức đề kháng suy yếu do làm việc quá sức, không rèn luyện thể chất, dinh dưỡng không đạt yêu cầu về chất và năng lượng cũng là yếu tố góp phần gây nên ung thư nói chung.

Phòng ngừa

Cách phòng ngừa tốt nhất là tránh các yếu tố nguy cơ thay đổi được nêu trên, ngoại trừ tuổi tác, đồng thời tăng cường sức đề kháng. Cụ thể, không hút thuốc lá, tránh tiếp xúc với khói thuốc lá, tránh xa không khí ô nhiễm, ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn.

Làm sao phát hiện bệnh sớm?

Những dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của ung thư phổi là khó chịu hoặc đau ở ngực, ho không giảm hoặc nặng dần theo thời gian, khó thở, thở khò khè, có máu trong đờm, khàn tiếng, khó nuốt, ăn không ngon, sụt cân không có lý do, cảm thấy rất mệt mỏi, viêm hoặc tắc nghẽn trong phổi, hạch sưng hoặc phì đại ở trong ngực hoặc vùng giữa 2 phổi.

Tuy nhiên, cần lưu ý, bạn không nên đợi có những dấu hiệu và triệu chứng này thì mới đi khám. Trong giai đoạn đầu, ung thư phổi thường không gây ra những triệu chứng rõ ràng. Khi có các triệu chứng nói trên, bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Cách tốt nhất để phát hiện sớm ung thư phổi là tầm soát ung thư định kỳ mỗi năm cho đối tượng nguy cơ cao. Phương tiện tầm soát có khả năng phát hiện bệnh cao là CT xoắn ốc liều thấp, loại này ít nhiễm bức xạ, tránh ảnh hưởng lâu dài có thể gây ung thư bởi liều xạ cao khi chụp CT thông thường qua nhiều năm.

Nếu không có CT xoắn ốc thì chụp X quang ngực mỗi năm một lần, nhưng khả năng phát hiện tổn thương nhỏ không bằng CT nói trên.

Một sai lầm hiện nay là đa số tầm soát bằng xét nghiệm máu như CEA, NSE, Cyfra-21... khả năng phát hiện bệnh rất thấp vì bướu nhỏ không sản xuất ra đủ lượng các dấu ấn bướu trên để tăng trong máu, đó đó bỏ sót bệnh rất nhiều.

Ngoài ra, giữa 2 lần tầm soát hay những người không thuộc nhóm nguy cơ cao mà không tầm soát thì hãy cảnh giác những dấu hiệu sớm ung thư phổi như mệt mỏi, ho, đau ngực âm ỉ..., cần đi khám ngay, không nên để kéo dài quá hoặc điều trị kéo dài. Khi đi khám, quan trọng đầu tiên nhất là phải chụp X quang ngực.

Một tình huống thường gặp là điều trị nơi này không khỏi rồi đi nơi khác tiếp tục điều trị, kéo dài nhiều tháng mà không chụp X quang ngực dù chỉ một lần, dẫn đến phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn.

Bác sĩ CKII NGUYỄN HỮU HÒA
(Phòng khám đa khoa Pasteur Đà Nẵng)

;
.
.
.
.
.
.