Để sản xuất bánh mì sạch hơn

.

Tại Đà Nẵng, hiện còn rất nhiều cơ sở sản xuất bánh mì quy mô hộ gia đình đang hoạt động nhưng chưa chú ý đến việc xử lý các chất thải phát sinh, gây ô nhiễm môi trường và nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Trước thực trạng đó, việc áp dụng mô hình sản xuất sạch hơn (SXSH) là cần thiết để giúp các cơ sở vừa tiết kiệm một phần chi phí sản xuất, lại vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn lao động.

Cơ sở sản xuất bánh mì của ông Phạm Văn Vinh, tổ 26, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu áp dụng “sản xuất sạch hơn”.
Cơ sở sản xuất bánh mì của ông Phạm Văn Vinh, tổ 26, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu áp dụng “sản xuất sạch hơn”.

Theo đó,Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tiến hành hỗ trợ 3 cơ sở sản xuất bánh mì tại quận Liên Chiểu áp dụng mô hình SXSH.

Theo khảo sát, mỗi ngày cơ sở sản xuất ra khoảng từ 500-2.000 sản phẩm bánh mì. Quy trình sản xuất cũ của các cơ sở từ khâu trộn, đánh bột đều thực hiện thủ công, dụng cụ sản xuất thô sơ nên bột làm bánh thường bị rơi vãi, thất thoát khoảng 1-2kg/ngày. Qua phân tích nước rửa máy trộn bột tại các cơ sở sản xuất cho thấy, một số chất ô nhiễm vượt giới hạn cho phép theo quy chuẩn của môi trường (QCVN 40:2011/BTNMT - Cột B). Lượng nước thải này không qua xử lý mà đổ thẳng ra cống thoát nước. Đó là chưa kể các chất thải rắn sản xuất phát sinh như bao đựng bột, bao đựng phụ gia,… đều là những nhân tố gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sống xung quanh, chưa đảm bảo an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, các hộ sản xuất đều sử dụng khay đựng bột bằng gỗ, bột dính vào khay lâu ngày lên mốc, bám vào bánh mì tươi gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Hệ thống điện của hộ sản xuất chưa đảm bảo an toàn. Khu vực sản xuất nhỏ lại chung với khu vực sinh hoạt của gia đình nên không đủ chỗ sắp xếp nguyên vật liệu.

Từ hiện trạng đó, giải pháp SXSH đã được Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ triển khai. Các nội dung chuyển giao có lắp đặt ống khói cao hơn để phân tán nhiệt; thay khay đựng bột bằng khay inox (khung gỗ, lót đáy inox SUS 304); quy trình sản xuất được hướng dẫn thao tác khi đổ bột, vét bột, lấy nước, thu gom bột rơi vãi và bột dính thành máy chế biến để phục vụ chăn nuôi. Hoạt động thu gom, xử lý nước rửa máy đánh bột chuyển sang tái sử dụng làm nước để tưới cây…; hướng dẫn cải tạo, bố trí hệ thống điện sản xuất an toàn.

Các cơ sở được hỗ trợ giải pháp SXSH còn được giới thiệu cách áp dụng kỹ thuật bảo quản nguyên liệu và năng lượng, loại trừ các nguyên liệu độc hại, giảm lượng và tính độc hại của các chất thải ngay tại nguồn thải. Đối với sản phẩm, SXSH bao gồm việc giảm các ảnh hưởng tiêu cực trong suốt vòng đời sản phẩm, từ khâu thiết kế đến thải bỏ.

Tuy chất lượng môi trường không khí và vi khí hậu tại các khu vực sản xuất bánh mì còn nằm trong giới hạn cho phép của tiêu chuẩn vệ sinh lao động, nhưng việc áp dụng SXSH đã giúp các hộ gia đình vừa cải thiện điều kiện sản xuất vừa đảm bảo an toàn lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm; đồng thời tiết kiệm nguồn nguyên liệu, giảm thiểu phát sinh chất thải, bảo vệ môi trường qua đó góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung (vợ ông Phạm Văn Vinh - chủ cơ sở sản xuất bánh mì tại tổ 26, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) phấn khởi cho biết: “Mỗi ngày tại cơ sở làm ra khoảng 1.300 sản phẩm bánh mì. Nhưng từ khi được Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ hỗ trợ dàn két inox, làm đường dẫn ống khói cao hơn và hướng dẫn cách làm, thì sản phẩm bánh mì ra lò rất thẩm mỹ, khâu vệ sinh bảo đảm an toàn và nhân công làm việc khỏe hơn hẳn. Sống với nghề lâu năm, nay được nguồn đầu tư từ Nhà nước hỗ trợ nên cơ sở an tâm phát triển sản xuất”.

Với công nghệ, quy trình SXSH đối với sản phẩm bánh mì tiếp cận đến tất cả các cơ sở sản xuất thì nguồn thực phẩm hằng ngày cung cấp cho thị trường bảo đảm được an toàn; hoạt động sản xuất mỗi ngày thêm phát triển.

Bài và ảnh: TRẦN NHIÊN

;
;
.
.
.
.
.