Điểm tựa cho người nhiễm HIV/AIDS

.

Người nhiễm HIV thường đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống, cả vật chất lẫn tinh thần. Trong hoàn cảnh đặc biệt ấy, các nhân viên y tế, đội ngũ đồng đẳng viên là điểm tựa vững chắc, giúp họ có thêm niềm tin, nghị lực để vượt qua nghịch cảnh.

Công tác phòng chống HIV/AIDS cần sự chung tay của cộng đồng và sự tự giác của người trong cuộc. Trong ảnh: Nhân viên y tế tư vấn việc điều trị cho một bệnh nhân HIV.
Công tác phòng chống HIV/AIDS cần sự chung tay của cộng đồng và sự tự giác của người trong cuộc. Trong ảnh: Nhân viên y tế tư vấn việc điều trị cho một bệnh nhân HIV.

Chị Nguyễn Thị L. (30 tuổi) là nhân viên phục vụ tại quán karaoke trên địa bàn quận Liên Chiểu. Đây là công việc theo chị vốn phải đối diện với nhiều cám dỗ và cả những dị nghị của người quen. Tuy nhiên, ít ai biết, song song với việc kiếm tiền trang trải cuộc sống, chị L. còn là một trong số những đồng đẳng viên tích cực hỗ trợ công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn thành phố.

“Thường xuyên tiếp xúc với những người trong nghề, mình mạnh dạn chia sẻ những nguy cơ lây nhiễm. Mục đích chủ yếu để mọi người biết rõ và làm tốt hơn công tác dự phòng trước khi quá muộn”, chị L. cho biết. Hằng tháng, chị L. cùng các đồng đẳng viên tổ chức gặp mặt trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong công tác phòng, chống HIV/AIDS; đồng thời có những kiến nghị, đề xuất kịp thời trong lĩnh vực này.

Theo Khoa Phòng chống HIV/AIDS và quản lý điều trị nghiện chất (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố), tính đến hết tháng 11-2018, thành phố phát hiện 193 trường hợp dương tính với HIV. So với cùng kỳ năm 2017, số trường hợp phát hiện nhiễm mới năm 2018 tăng 18 người với đường lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn.

Theo đơn vị này, điều đáng báo động nhất hiện nay là tình hình nhiễm mới gia tăng ở nhóm tình dục đồng giới nam với 24 ca trong năm 2018.

Xuất phát từ thực tế trên, một trong những hoạt động Khoa Phòng chống HIV/AIDS và quản lý điều trị nghiện chất triển khai có hiệu quả trong thời gian qua là can thiệp, giảm tác hại và dự phòng cho nhóm nghiện chích ma túy, gái mại dâm và quan hệ tình dục đồng giới.

Các đồng đẳng viên là những nhân viên tiếp cận cộng đồng với nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, sau cai nghiện, mại dâm đường phố và nhóm tiếp viên trong các dịch vụ vui chơi giải trí. Hoạt động của các đồng đẳng viên không chỉ chuyển tải thông tin chuyên môn mà còn chia sẻ những khó khăn, bế tắc trong cuộc sống thường nhật, giúp người nhiễm HIV và nhóm đối tượng có nguy cơ thêm niềm tin, nghị lực vượt qua khó khăn, trở ngại.

Tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS nhiều năm qua, y sĩ Trần Thị Kim Hạnh, Trưởng nhóm Chăm sóc tại nhà, Khoa Phòng chống HIV/AIDS và quản lý điều trị nghiện chất, chia sẻ, một thực tế cần quan tâm hiện nay là phải rút ngắn khoảng cách giữa người nhiễm HIV/AIDS với cộng đồng.

“Có những bệnh nhân chỉ vì chút lơ là, sơ suất nên dẫn đến nhiễm HIV, điều này khiến họ rất khổ sở, khó khăn trong cuộc sống. Điều mình cần làm chính là sống một cuộc sống vì mọi người, xem nỗi đau bệnh nhân như nỗi đau của mình”, chị Hạnh cho biết.

Nhóm Chăm sóc tại nhà hiện có 15 đồng đẳng viên, thực hiện chăm sóc, tư vấn cho 245 người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng. Nhiều bệnh nhân không dám tiếp cận vì sợ lộ danh tính, không chủ động tham gia các chương trình điều trị.

Hoạt động của nhóm Chăm sóc tại nhà là cầu nối cần thiết, giúp cộng đồng có thêm kiến thức về phòng chống HIV/AIDS, giảm bớt sự kỳ thị, đặc biệt giúp những người trong cuộc tự giác hơn đối với việc điều trị căn bệnh này.

Theo bác sĩ Lê Thành Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, số ca phát hiện nhiễm mới HIV tăng xuất phát từ việc vận động các đối tượng có hành vi nguy cơ cao tham gia tư vấn, xét nghiệm HIV, cũng như tăng cường thực hiện tư vấn xét nghiệm tại cộng đồng để thực hiện tốt mục tiêu 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của mình.

“Một trong những mục tiêu hiện nay chúng tôi hướng đến là vận động người nhiễm tuân thủ điều trị. Hiện số lượng người đăng ký điều trị HIV/AIDS ở phòng khám ngoại trú trên địa bàn thành phố là hơn 500 trường hợp. Đây là tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ người nhiễm HIV đã gạt bỏ kỳ thị, chủ động tham gia chương trình điều trị. Việc này sẽ góp phần tích cực giảm lây nhiễm với cộng đồng”, bác sĩ Chung cho biết.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.