Yếu tố quan trọng cải thiện chất lượng dân số

.

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam (26-12) và hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số với chủ đề “Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên vì tương lai giống nòi”, phóng viên Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với BSCK2 HUỲNH BÁ TÂN (ảnh), Chi cục phó phụ trách Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố. BS Huỳnh Bá Tân cho biết, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên là yếu tố quan trọng nhằm cải thiện chất lượng dân số.

* Thách thức Việt Nam đang phải đối mặt là vấn đề nạo phá thai ở tuổi vị thành niên. Vậy ở Đà Nẵng, tình hình này như thế nào, thưa ông?

- Hiện nay, việc nạo phá thai ở tuổi vị thành niên rất đáng báo động. Việt Nam là nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 5 trên thế giới với gần 2,7% vị thành niên 15-19 tuổi nạo phá thai khi chưa kết hôn. Điều đáng quan tâm là phần lớn các em đều chưa được tiếp cận đầy đủ hoặc chưa được giáo dục về giới tính nên vốn kiến thức để tự chăm sóc, bảo vệ bản thân rất hạn chế. Nguyên nhân của tình trạng này được xác định là do tình dục ở giới trẻ cởi mở hơn, quan niệm tình dục trước hôn nhân thay đổi.

Tại Đà Nẵng, mặc dù chưa có thống kê đầy đủ nhưng các trường hợp nạo phá thai ngoài ý muốn ở tuổi vị thành niên là không ít. Các em gái khi mang thai do xấu hổ nên giấu không cho gia đình và mọi người biết, thường tìm đến các cơ sở y tế kém chất lượng để xử lý, dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng có thể gây vô sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tâm lý của các em về sau.

Đẩy mạnh tuyên truyền công tác dân số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố.
Đẩy mạnh tuyên truyền công tác dân số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố.

* Xin ông cho biết, việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên được Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình thực hiện thế nào?

- Mục tiêu Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đề ra đến 2030 giảm 2/3 số vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn. Vì vậy, chúng ta cần hình thành kiến thức và kỹ năng về chăm sóc sức khỏe sinh sản đúng đắn cho các em. Chúng tôi cũng đã tham mưu Sở Y tế ban hành Kế hoạch số 2597/KH-SYT ngày 27-9-2017 về thực hiện “Đề án tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cho vị thành niên/thanh niên giai đoạn 2016-2020”. Bên cạnh đẩy mạnh những dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, chúng tôi còn có góc tư vấn thân thiện cho vị thành niên ở các cơ sở y tế. Hằng năm, chúng tôi cũng phối hợp với các trường THCS, THPT, cao đẳng, đại học tổ chức nói chuyện chuyên đề về chăm sóc sinh sản, đặc biệt là hậu quả có thai ngoài ý muốn và cách phòng tránh, cả các buổi nói chuyện cho hàng ngàn vị thành niên, thanh niên nghỉ học, chưa có việc làm hoặc có việc làm không ổn định tại 18 phường ven biển; đồng thời tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề “Trách nhiệm ông bà, cha mẹ trong việc giáo dục trẻ vị thành niên” tại 56 phường, xã. Hàng loạt các buổi tập huấn, hội thảo nâng cao kỹ năng truyền thông về sức khỏe sinh sản cũng đã được Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tổ chức cho cán bộ Đoàn, ban chủ nhiệm các CLB “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân” ở 7 quận, huyện, thu hút hàng trăm người tham gia.

* Chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011- 2020 đề ra mục tiêu tổng quát nhằm nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, duy trì mức sinh thấp hợp lý. Với Đà Nẵng, quá trình thực hiện mục tiêu chung này hiện còn gặp những khó khăn gì, thưa ông?

- UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 2194/QĐ-UB ngày 11-11-2016 về việc ban hành “Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016-2020” với các chỉ tiêu quan trọng đến năm 2020 như: tổng tỷ suất sinh <2,1, quy mô dân số ≤1,4 triệu người, tỷ lệ phụ nữ mang thai được tầm soát trước sinh trên 40%, tỷ lệ sơ sinh được tầm soát trên 50%, tỷ số giới tính khi sinh đến năm 2020 không quá 112 trẻ sơ sinh nam/100 trẻ sơ sinh gái.

Từ đó đến nay, Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả như: mức sinh thay thế từ 2005 và duy trì tổng tỷ suất sinh bình quân 2,15 đến nay. Quy mô dân số trong nhiều năm qua ở mức ≤1,4 triệu người (2016: hơn 1,04 triệu người, 2017: hơn 1,06 triệu người, 2018 dự kiến hơn 1,08 triệu người). Tỷ lệ tầm soát trước sinh và sơ sinh ở thành phố luôn đạt mức trên 50% và đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức dưới 109 trẻ sơ sinh nam/100 trẻ sơ sinh gái.

Hiện nay, Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ngày 25-10-2017 đề ra những nhiệm vụ về công tác dân số trong tình hình mới. Theo đó, tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh bảo đảm phát triển nhanh và bền vững. Bởi vậy, cần có sự chỉ đạo và quan tâm hơn nữa của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp liên ngành, sự nỗ lực của cả mạng lưới dân số-y tế để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ về công tác dân số. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng duy trì và triển khai các dịch vụ dân số sức khỏe sinh sản hợp lý để đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ về đích sớm với các chỉ tiêu đã đề ra.

* Xin cảm ơn ông.

PHƯƠNG MINH thực hiện

;
;
.
.
.
.
.