Hoang mang trong... bị động

.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố vừa tiếp tục đăng thông báo: vắc-xin dịch vụ “6 trong 1” hiện đã hết nguồn cung ứng, dự kiến đến tháng 5-2019 mới có lại. Bảng thông báo ngắn gọn đã chấm dứt tình trạng phụ huynh chen lấn, xếp hàng suốt đêm để được đăng ký một mũi tiêm vắc-xin dịch vụ “6 trong 1” cho trẻ. Nhưng thực tế này không giải quyết được mối lo lắng, thấp thỏm bấy lâu nay trong lòng phụ huynh Đà Nẵng và các địa phương lân cận.

Tình trạng “cháy” hàng vắc-xin dịch vụ “6 trong 1” xảy ra đúng vào lúc vắc-xin “5 trong 1” ComBe Five (do Ấn Độ sản xuất) được Bộ Y tế nhập về thay cho vắc-xin Quinvaxem (Hàn Quốc) được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia. Sự mất cân đối giữa cung và cầu khiến vắc-xin dịch vụ “cháy” hàng, hoàn toàn không đáp ứng đủ, nhưng sâu xa trong đó là câu chuyện niềm tin của người dân đối với vắc-xin trong chương trình TCMR quốc gia.

Một cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố chia sẻ rằng, tỷ lệ người dân tại các địa phương cho trẻ đăng ký tiêm vắc-xin “5 trong 1” tại các trạm y tế phường, xã hiện tại quá thấp, chỉ đạt 20-30% (so với vắc-xin Quinvaxem trước đó đạt 80-90%).

Thực trạng này lại giống với thời điểm cuối năm 2015, đầu năm 2016, khi phong trào bài trừ, tẩy chay vắc-xin Quinvaxem lên đến đỉnh điểm. Và cả 2 lần đều giống nhau ở chỗ: người dân hoang mang cực độ khi đứng giữa 2 thái cực - lo lắng cho hệ miễn dịch của trẻ nếu không được chích ngừa kịp thời và hoài nghi về chất lượng vắc-xin.

Niềm tin của người dân ngày một giảm sút, mối hoài nghi tăng lên khi những trường hợp biến chứng sau tiêm vắc-xin “5 trong 1” vẫn cứ tiếp tục diễn ra. Dưới góc độ khoa học thực nghiệm, vắc-xin “5 trong 1” trước khi được Bộ Y tế nhập về cung ứng trong chương trình TCMR quốc gia đã được Tổ chức Y tế thế giới WHO kiểm định chất lượng và thông qua. Nhưng người dân sẵn sàng quay lưng với vắc-xin “5 trong 1” ComBe Five khi vẫn còn những trẻ tử vong sau khi tiêm vắc-xin này.

Nhiều gia đình chấp nhận bỏ tiền triệu để đưa con đi tiêm vắc-xin dịch vụ chỉ vì phản ứng sau tiêm nhẹ. Nhiều người chấp nhận ngủ ngay tại cơ sở tiêm phòng để sáng ra đăng ký được 1 phiếu tiêm vắc-xin chỉ vì không muốn trẻ có mệnh hệ gì không kịp cứu vãn.

Vắc-xin là một tiến bộ y học và tiêm chủng là một hoạt động tạo miễn dịch cộng đồng. Khi trẻ được chích ngừa đầy đủ, kịp thời, cơ thể sẽ tạo được hệ miễn dịch đẩy lùi các loại bệnh trước khi nó bùng phát hoặc đang tiềm ẩn xuất hiện.

Tại Đà Nẵng, bằng chứng rõ ràng nhất về hiệu quả của hoạt động tiêm phòng, đó là đang khống chế được dịch sởi đến thời điểm này, trong khi 56/63 địa phương cả nước đã ghi nhận dịch sởi bùng phát. Chỉ là một con số ngắn gọn nhưng đó là kết quả âm thầm trong 5 năm liền, khi Đà Nẵng luôn là địa phương có tỷ lệ tiêm vắc-xin sởi rất cao, đạt trên 95%. Điều đó cho thấy, hoạt động tiêm phòng cho trẻ luôn cần thiết và phải được triển khai kịp thời, không gián đoạn.

Y học có một thuật ngữ gọi là sai lầm trong nhận thức hay còn gọi là định kiến nhận thức (cognitive bias). Đó là tự ý hành động theo cảm tính chủ quan mà không tin vào khoa học thực nghiệm, hoài nghi về các con số, xác suất thống kê.

Nhiều phụ huynh dường như vẫn đang đánh đồng khái niệm “tỷ lệ tai biến cho phép” trong vắc-xin với “chất lượng vắc-xin có vấn đề” khi quay lưng hoàn toàn với các chương trình tiêm chủng dành cho con em mình.

Liệu các phong trào như “nuôi con thuận tự nhiên”, “anti vắc-xin” có chống các loại dịch bệnh mới, phức tạp, nguy hiểm có tốc độ lây lan chóng mặt và không biên giới hiện nay? Liệu tương lai những đứa trẻ không được tiêm đầy đủ vắc-xin sẽ như thế nào, là nạn nhân của vắc-xin kém chất lượng (!?) hay là nạn nhân của sự hoài nghi trong chính người lớn chúng ta?

Tất nhiên, cũng đến lúc Bộ Y tế và đơn vị y tế tham gia công tác dự phòng cần làm tốt hơn nữa nhiệm vụ tiêm chủng. Việc khám sàng lọc, theo dõi trước, trong và sau khi tiêm cần được chuẩn bị, thực hành kỹ lưỡng. Phương án sơ, cấp cứu trong trường hợp xảy ra phản ứng cần kịp thời.

Đặc biệt, rất cần những kết luận mang tính độc lập, kịp thời đối với những trường hợp tử vong sau khi tiêm vắc-xin “5 trong 1” ComBe Five. Sự im lặng, mập mờ, thiếu thuyết phục trong thông tin chỉ làm tăng thêm mối hoài nghi về chất lượng vắc-xin, tính nhân văn của hoạt động y tế mang tầm quốc gia xuyên suốt nhiều thập niên. Và nạn nhân không ai khác, chính là những đứa trẻ sơ sinh - chủ nhân tương lai của đất nước.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.