Từ 0 giờ ngày 10-3, mở cổng nhắn tin ủng hộ người bệnh chiến thắng bệnh lao

.

Nhằm vận động người dân cả nước ủng hộ, giúp đỡ người bị bệnh lao vượt qua những ảnh hưởng, mặc cảm của bệnh tật để chữa khỏi bệnh lao và hòa nhập cộng đồng, Bệnh viện Phổi Trung ương - Chương trình Chống lao quốc gia - Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB ) phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo quốc gia 1400 mở cổng nhắn tin ủng hộ Quỹ PASTB. Mỗi tin nhắn sẽ đóng góp vào quỹ 18.000 đồng để giúp đỡ bệnh nhân lao.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, mặc dù công tác phòng, chống lao đã đạt được những thành tựu đáng kể song bệnh lao vẫn đang là một vấn đề sức khỏe chính trên toàn cầu.

Trên thế giới, bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng, với khoảng 1,6 triệu người tử vong do lao hàng năm. Việt Nam hiện đứng thứ 16/30 nước có gánh nặng về bệnh lao cao nhất trên thế giới và xếp thứ 15/30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới năm 2018, năm 2017, Việt Nam có 124.000 người mắc lao mới. Chương trình Chống lao quốc gia đã phát hiện được khoảng hơn 100.000 người mắc lao, còn lại hơn 20.000 người chưa được phát hiện trong cộng đồng. Số người chết do lao năm 2017 ở Việt Nam ước tính là 12.000 người, cao hơn nhiều so với con số tử vong do tai nạn giao thông. Số người chết do lao chủ yếu là những người chưa được phát hiện và điều trị theo đúng hướng dẫn của Chương trình Chống lao quốc gia.

Bảo hiểm y tế giúp cho người dân được chăm sóc sức khỏe, đặc biệt quan trọng với người mắc bệnh lao. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có trên 20.000 người mắc lao chưa có thẻ bảo hiểm y tế mặc dù cũng đã có sự hỗ trợ của Nhà nước. Kinh phí đồng chi trả của người có thẻ theo Luật Bảo hiểm y tế cũng sẽ là gánh nặng lớn đối với những người nghèo và cận nghèo, đối tượng chiếm tỷ lệ cao trong số những người mắc lao.

Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao là một quỹ xã hội, từ thiện, phi lợi nhuận, nhằm hỗ trợ chăm sóc, dự phòng, điều trị cho người bệnh lao, người bị ảnh hưởng bởi bệnh lao, có phạm vi hoạt động trên toàn quốc.  

Mục tiêu của Quỹ là hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho những người bệnh lao chưa có thẻ, giúp kinh phí đồng chi trả cho tất cả những người bệnh lao trong suốt thời gian điều trị và hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn để tất cả mọi người dân đều được phát hiện sớm và chữa khỏi bệnh lao, không lây lan ra cộng đồng và tiến tới chấm dứt bệnh lao, “Không bỏ lại ai ở phía sau” như tiêu chí của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc cho mục tiêu phát triển bền vững.

Nhằm vận động nhân dân cả nước ủng hộ, giúp đỡ người bị bệnh lao vượt qua những ảnh hưởng của bệnh tật, mặc cảm bệnh tật để chữa khỏi bệnh lao và  hòa nhập với cộng đồng, Bệnh viện Phổi Trung ương - Chương trình Chống lao Quốc gia - Quỹ PASTB đã phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo Quốc gia 1400 mở cổng nhắn tin ủng hộ Quỹ PASTB.

Thời gian nhắn tin từ 00 giờ ngày 10-3-2019 đến 24 giờ ngày 9-5-2019. Cú pháp soạn tin nhắn: TB gửi 1402 (18.000 đồng/tin nhắn, không giới hạn số lượng tin nhắn).

Ngoài ra, các tổ chức/cá nhân có thể tài trợ cho Quỹ trực tiếp hoặc chuyển khoản theo thông tin: Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao, địa chỉ: Tầng 1, Nhà K, Bệnh viện Phổi Trung ương, số 463 đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, TP. Hà Nội. Số tài khoản: 16010000288699; tại Ngân hàng BIDV, Chi nhánh Sở Giao dịch 3.

Trong đợt vận động nhắn tin ủng hộ Quỹ PASTB năm 2018, chương trình đã nhận được 23.232 tin nhắn, tương đương với 418.176.000 đồng tiền ủng hộ. Ban Tổ chức chương trình đã sử dụng số tiền trên hỗ trợ hơn 100 lượt người bệnh có hoàn cảnh khó khăn: mua thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ viện phí, dinh dưỡng…

Mỗi tin nhắn gửi đi sẽ tạo thêm cơ hội cho người bệnh lao được điều trị khỏi, giảm nguồn lây trong cộng đồng. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của 12.000 người một năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao, trong đó có người thân của mỗi chúng ta. Đầu tư 1 đồng cho lao, chúng ta có thể thu về cho xã hội 46 đồng theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới.

Theo Sức khỏe và đời sống/Bộ Y tế

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.