Bình đẳng giới trong chăm sóc sức khỏe sinh sản

.

Bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản là một trong những mục tiêu Chính phủ đặt ra cho ngành dân số. Để thực hiện mục tiêu này, đòi hỏi cả một quá trình tuyên truyền vận động tại các địa phương, ban, ngành liên quan...

Nói chuyện chuyên đề chăm sóc sức khỏe sinh sản cho học sinh gái Trường THPT Nguyễn Hiền.
Nói chuyện chuyên đề chăm sóc sức khỏe sinh sản cho học sinh gái Trường THPT Nguyễn Hiền.

Các chỉ tiêu phải đạt đến năm 2020 là: tỷ số giới tính khi sinh không vượt quá 115 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái vào năm 2020, giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản xuống 52/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 2020, tăng tỷ lệ phụ nữ mang thai được tiếp cận dịch vụ chăm sóc và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con lên 50% vào năm 2020, giảm tỷ lệ phá thai xuống 25/100 trẻ đẻ sống vào năm 2020. Tỷ số giới tính khi sinh của thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016 - 2020 là dưới 110 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái...

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, thuộc Sở Văn hóa - Thể thao cho biết: “Tại những buổi tập huấn, tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới, chúng tôi luôn lồng ghép tuyên truyền thêm nhiều nội dung về mất cân bằng giới tính khi sinh nhằm bảo đảm bình đẳng giới trong chăm sóc sức khỏe sinh sản. Luật Bình đẳng giới cũng quy định cụ thể tại Điều 40, Khoản 7, Mục b: “Lựa chọn giới tính thai nhi với mọi hình thức hoặc xúi giục, ép buộc người khác phá thai vì giới tính của thai nhi” là hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế”.

Hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh. Tình trạng này vẫn chưa dừng và không đồng đều giữa các vùng miền. Nguyên nhân chính của tình trạng này vẫn là do các gia đình muốn có con trai để nối dõi tông đường, trọng nam hơn nữ. Theo quy định tại Điều 17, Luật Bình đẳng giới, nam và nữ bình đẳng trong các hoạt động giáo dục truyền thông về chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản và sử dụng các dịch vụ y tế cũng như bình đẳng trong lựa chọn quyết định sử dụng biện pháp tránh thai, biện pháp an toàn tình dục, phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS, các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Luật quy định như vậy và thực tiễn cũng cho thấy phụ nữ và nam giới đều cần được thụ hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trong đó có sức khỏe sinh sản như nhau. Tuy nhiên, nhiều “đấng mày râu” vẫn cho rằng việc chăm sóc sức khỏe sinh sản là chuyện chỉ dành cho phụ nữ và gắn liền với phụ nữ. 

Chị Đặng Thị Chí, cán bộ dân số - y tế phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê) cho hay, CLB “Nam ngư dân” là mô hình hay. Nam giới với góc độ là đối tượng thụ hưởng các chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản còn hạn chế, trong khi cũng như nữ giới, nam giới có rất nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản cần được quan tâm như vấn đề hiếm muộn, vấn đề vô sinh hay như nhu cầu về sinh lý thay đổi theo từng độ tuổi, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục...

Nhiều nam giới có nhu cầu về chăm sóc sức khỏe sinh sản nhưng lại không có thói quen đến cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn và điều trị. Mặt khác, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nam giới cũng không sẵn có và không thuận lợi cho nam giới tiếp cận. Do đó, nhiều trường hợp bệnh nặng với những biến chứng nguy hiểm thì mới được phát hiện, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như khả năng sinh sản của nam giới. Trong khi đó, sức khỏe sinh sản của nam giới đóng một vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số.

Để giải quyết những vấn đề trên, cần đổi mới nội dung và tăng cường công tác truyền thông giáo dục về bình đẳng giới nhằm chuyển đổi hành vi theo những cách sáng tạo và thiết thực, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; chú trọng nội dung tuyên truyền phù hợp với từng nơi; nâng cao nhận thức và vai trò của nam giới trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản; đưa nội dung bình đẳng giới, không lựa chọn giới tính thai nhi vào hương ước, quy ước của cộng đồng; cần xử lý nghiêm các trường hợp lựa chọn giới tính thai nhi và quan tâm hơn nữa việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong hoạch định chính sách nói chung và chính sách về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nói riêng để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bài và ảnh: MAI HOA

;
;
.
.
.
.
.