Cảnh báo sốc nhiệt, nhập viện do nắng nóng

.

Trong hai ngày gần đây, tình trạng nắng nóng gay gắt tại khu vực miền Trung khiến nhiều người bị sốc nhiệt khi đi ra ngoài trời, số lượng trẻ em đến khám và nhập viện tăng mạnh.

Nắng nóng khiến nhiều bệnh nhân bị sốc nhiệt, mất nước phải cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng.  		                  Ảnh: THU THẢO
Nắng nóng khiến nhiều bệnh nhân bị sốc nhiệt, mất nước phải cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: THU THẢO

Theo ghi nhận của chúng tôi tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, trong hai ngày qua, số lượng bệnh nhi được đưa đến thăm khám, điều trị tăng cao, bệnh viện liên tục tiếp nhận các bệnh nhi mắc bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, sốt cao... Theo thống kê của Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, trung bình một ngày cao điểm có thể có đến 1.200 - 1.400 lượt bệnh nhân nhi khám bệnh và cấp cứu. Trong đó, có từ 150 đến 200 bệnh nhi phải nhập viện.

Bác sĩ Lê Văn Dũng, Phó trưởng khoa Khám đa khoa - Cấp cứu, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng cho biết, nắng nóng khá gay gắt và kéo dài đã làm sức đề kháng của trẻ kém đi, khiến các vi khuẩn, vi-rút nguy hiểm gây hại cho sức khỏe dễ dàng ảnh hưởng, xâm nhập vào cơ thể của trẻ.  Bác sĩ Dũng khuyến cáo, trong thời tiết nắng nóng, phụ huynh không nên chủ quan với các biểu hiện ho, sốt, sổ mũi của trẻ; cần bổ sung đầy đủ lượng nước để phòng mất nước, cho trẻ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng. Phụ huynh cần bảo quản thực phẩm kỹ lưỡng, tránh để bị hư hỏng khiến trẻ rối loạn tiêu hóa hoặc bị ngộ độc. Cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, tắm rửa thường xuyên để tránh mắc các bệnh về da, phòng bệnh tay chân miệng.

Bên cạnh đó, phụ huynh cần phải chú ý dung hòa nhiệt độ các phương tiện làm mát phù hợp với cơ thể trẻ, hướng dẫn trẻ hạn chế thay đổi nhiệt độ đột ngột dễ bị sốc nhiệt, hạn chế đưa trẻ ra đường khi trời nắng gắt.

Còn tại Bệnh viện Đà Nẵng, trong hai ngày 10 và 11-6, số lượng bệnh nhân đến cấp cứu khá đông. Theo bác sĩ Nguyễn Trường Minh, Trưởng khoa Khám bệnh - Cấp cứu, Bệnh viện Đà Nẵng, trong đợt nắng nóng này, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận hàng chục bệnh nhân bị sốc nhiệt hoặc đột quỵ. Hầu hết là những người phải đi ra ngoài trời nắng nhiều hoặc người có tiền sử huyết áp cao, tim mạch, thiếu máu não…

“Các dấu hiệu của bệnh đột quỵ là chóng mặt bất thường, méo miệng, khó nói, đột ngột mất thị lực, tay chân khó cử động, vận động khó khăn, mất thăng bằng, bất thường về dáng đi. Bệnh nhân và người nhà cần biết những dấu hiệu để phát hiện sớm bệnh đột quỵ, đưa đi bệnh viện sớm nhất có thể”, bác sĩ Minh khuyến cáo.

Cũng theo bác sĩ Minh, trong những ngày nắng nóng, người dân nên hạn chế di chuyển dưới trời nắng liên tục, nên tìm nơi có bóng râm để nghỉ và không để cơ thể bị thay đổi môi trường nhiệt độ đột ngột. Nếu phải ra ngoài thì phải trang bị bảo hộ chống nắng. Đặc biệt, cần ăn nhiều hoa quả, uống nhiều nước để phòng mất nước.

Bác sĩ Minh cho biết thêm, nhiều người nhập viện cấp cứu là thợ công trình xây dựng, làm việc lâu ngoài nắng nóng, trên giàn giáo cao. Bác sĩ khuyến cáo những người làm việc nhiều ngoài trời, đặc biệt những người làm việc ở các công trình xây dựng cần cẩn thận, nếu thấy mệt mỏi, nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt cần dừng ngay công việc, tìm chỗ mát nghỉ ngơi để tránh trường hợp bị choáng, ngã gây nguy hiểm tính mạng.

THU THẢO

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.