Nỗi lo trầm cảm sau sinh

.

Dù chưa có con số thống kê cụ thể nhưng ngày càng có nhiều phụ nữ bị trầm cảm sau sinh. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc chăm sóc bản thân, chăm sóc con cái, ảnh hưởng chất lượng giống nòi.

Sản phụ cần được chăm sóc, hỗ trợ động viên kịp thời để vượt qua những khó khăn sau sinh. Trong ảnh: Chăm sóc cho mẹ và bé sau sinh tại Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng.
Sản phụ cần được chăm sóc, hỗ trợ động viên kịp thời để vượt qua những khó khăn sau sinh. Trong ảnh: Chăm sóc cho mẹ và bé sau sinh tại Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng.

Cách đây chưa lâu, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng tiếp nhận một trường hợp là chị M. (33 tuổi, trú quận Thanh Khê), sau khi sinh con bị trầm cảm do thiếu sữa cho con bú. Nỗi lo lắng cứ lớn dần khiến chị M. bị mất ngủ trầm trọng dẫn đến rối loạn thần kinh. Suốt ngày chị M. cứ day dứt không yên vì lo con đói nhưng lại không dám cho con bú sữa ngoài vì sợ không bảo đảm, sức khỏe chị ngày càng yếu đi. Các bác sĩ của Bệnh viện Tâm thần đã tư vấn, động viên và khuyến khích chị tham gia vào những công việc nhẹ trong nhà để giải tỏa tâm lý; hướng dẫn vắt sữa thường xuyên để sữa ra đều và nhiều hơn…

Trước đó, chị H. (38 tuổi, ở quận Hải Châu) cũng trong tình trạng khủng hoảng tâm lý trầm trọng và có dấu hiệu muốn tự sát. Với trường hợp này, các bác sĩ của Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng phải cho chị H. nhập viện và dừng cho con bú để dùng thuốc điều trị. Chị H. luôn tưởng tượng con mình khi sinh ra không được khỏe và bị những kẻ xấu rình rập ám hại. Chị đau khổ cho rằng mình không bảo vệ được con và có ý muốn tự sát. Sau quá trình điều trị bằng thuốc và được tư vấn, động viên của gia đình và các bác sĩ, chị H. đã dần dần hồi phục, không còn đòi tự sát.

Nhóm giảng viên, sinh viên của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) đã nghiên cứu trên 118 phụ nữ tại địa bàn thành phố Đà Nẵng và kết quả là tỉ lệ phụ nữ mắc trầm cảm sau sinh chiếm từ 9,6 %-18,4% trên tổng số đối tượng nghiên cứu. Theo bác sĩ Lâm Tứ Trung, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, dù chưa có con số thống kê cụ thể nhưng số phụ nữ bị trầm cảm sau sinh là không ít và thường ở dạng mất ngủ, suy nhược cơ thể... Bác sĩ Trung cho rằng, sau sinh là lúc người phụ nữ cần nhất sự hỗ trợ, động viên của gia đình, bạn bè để vượt qua những khó khăn về thể chất lẫn tâm lý.

Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Võ Nguyễn Xuân Trang, Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, việc chăm sóc dinh dưỡng cho sản phụ cũng rất quan trọng. “Chúng ta cần duy trì chế độ dinh dưỡng cho người mẹ, bổ sung nhiều vitamin tổng hợp để họ nhanh phục hồi sức khỏe; đồng thời bản thân sản phụ phải nâng cao nhận thức và hợp tác. Tại bệnh viện, các nhân viên y tế sẽ hướng dẫn các sản phụ sinh con đầu lòng cách nuôi con bằng sữa mẹ” - bác sĩ Trang nói.

Thực tế hiện nay, rối loạn tâm thần sau sinh của phụ nữ có xu hướng gia tăng khi sản phụ phải đối mặt với nhiều khó khăn như: thay đổi thói quen trong sinh hoạt, mất ngủ thường xuyên vì chăm sóc trẻ, một số chị em không nhận được sự quan tâm chia sẻ từ chồng... Tất cả điều đó dẫn đến trầm cảm, rối loạn tâm thần sau sinh, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, giảng viên Khoa Tâm lý, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, cần xây dựng các chương trình truyền thông chăm sóc sức khỏe tinh thần cho sản phụ và bà mẹ sau sinh nhằm cung cấp một cách khoa học và đầy đủ những kiến thức, kỹ năng, cách ứng phó, phòng ngừa cho sản phụ để ngăn ngừa, hạn chế các vấn đề liên quan đến rối loạn tinh thần. Ngoài ra, cũng cần thành lập các câu lạc bộ chia sẻ, đồng hành cùng chị em phụ nữ. Theo bà Nhung, cần động viên, khuyến khích chị em tham gia các buổi phổ biến kiến thức nhiều hơn tại các cơ sở y tế, gặp gỡ các bác sĩ chuyên khoa tâm thần, chuyên viên tâm lý để có thể được chia sẻ và giúp đỡ kịp thời.

Bài và ảnh: Phương Minh

;
;
.
.
.
.
.