Khó khăn trong điều trị bệnh nhân HIV/AIDS

.

Các hoạt động dự phòng, giám sát, điều trị bệnh nhân HIV/AIDS tuy là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của ngành y tế thời gian qua nhưng hiện đang gặp nhiều lúng túng, khó khăn trong công tác quản lý. Cơ sở y tế trực tiếp giao điều trị bệnh này đang đối mặt với tình trạng quá tải do nhân lực thiếu, trong khi bệnh nhân lại có xu hướng tăng.

Công tác điều trị bệnh nhân HIV/AIDS hiện nay còn gặp nhiều khó khăn.  TRONG ẢNH: Khám, tư vấn cho bệnh nhân HIV/AIDS.
Công tác điều trị bệnh nhân HIV/AIDS hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. TRONG ẢNH: Khám, tư vấn cho bệnh nhân HIV/AIDS.

Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng, đơn vị được giao nhiệm vụ điều trị trực tiếp cho bệnh nhân HIV/AIDS tại Đà Nẵng, vừa hướng dẫn cho bệnh nhân HIV/AIDS tên N.T.T. (quê Diễn Châu, Nghệ An) thực hiện các thủ tục do không đáp ứng đủ các thủ tục bảo hiểm y tế (BHYT), giấy chuyển của đơn vị đăng ký khám, điều trị ban đầu.

Vì nhiều lý do, bệnh nhân T. rời quê vào Đà Nẵng sinh sống, điều trị nhưng lại không xin giấy giới thiệu chuyển cơ sở điều trị theo BHYT. Điều này gây khó cho cơ sở tiếp nhận khi BHYT không thanh quyết toán, đồng thời thiệt thòi cho chính người bệnh khi nguồn thuốc ARV không được cung cấp kịp thời. Để được hưởng lợi các chính sách của BHYT và được sự hỗ trợ tối đa từ cơ sở điều trị mới, bệnh nhân T. phải về lại quê và thực hiện đầy đủ các thủ tục đăng ký BHYT, giấy chuyển tuyến điều trị ban đầu.

Từ năm 2014, thành phố giao Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng là đơn vị tiếp nhận, điều trị bệnh nhân HIV/AIDS. Điều đặc biệt ở chỗ, đến thời điểm này, đây là 1 trong 2 cơ sở y tế chuyên ngành da liễu trong cả nước (cùng với Đồng Nai) thực hiện nhiệm vụ này. Trong khi đó, từ năm 2015, Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16-11-2015 của Bộ Y tế đã xác định giao nhiệm vụ này cho các Trung tâm Y tế tuyến quận, huyện. Theo bác sĩ Kim Văn Hùng, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng, hiện đơn vị đang quản lý, cấp phát thuốc và điều trị ngoại trú cho hơn 550 bệnh nhân HIV/AIDS. Điều thuận lợi duy nhất, đó là nguồn thuốc, vật tư y tế được cung ứng đầy đủ kịp thời, các nhân viên y tế được tập huấn, thực hành thuần thục kỹ lưỡng.

Tuy nhiên, việc theo dõi, điều trị một bệnh nhân HIV/AIDS vốn phức tạp hơn các bệnh lý khác và đòi hỏi phải có sự phối hợp của nhiều liên, chuyên khoa trong và ngoài bệnh viện. Hiện bệnh viện tiếp nhận khám, cấp phát thuốc cho bệnh nhân HIV/AIDS 3 buổi/tuần, nhưng với mức độ gia tăng số lượng nhiễm mới như hiện nay, đơn vị sẽ phải tăng số buổi khám, phát thuốc lên. “Điều này là một thách thức cho bệnh viện khi nhân lực không đủ để đáp ứng bởi còn phải thực hiện nhiệm vụ chuyên môn khác. Chưa kể hiện nay, nhiều bệnh nhân HIV/AIDS tâm lý không ổn định hay kiếm cớ gây sự hoặc thiếu các thủ tục cần thiết buộc bệnh viện phải tư vấn, hướng dẫn lại từ đầu nên rất mất thời gian”, bác sĩ Hùng chia sẻ.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, năm 2018, trên địa bàn thành phố có hơn 200 người nhiễm HIV/AIDS mới, nâng tổng số người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn thành phố tính đến nay là hơn 2.400 người (trong đó có 1.327 người Đà Nẵng). Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, công tác phòng, chống HIV/AIDS đang đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS ở Đà Nẵng vẫn chưa có xu hướng giảm theo tỷ lệ chung của toàn quốc, trong đó cảnh báo nhóm lây lan qua đường quan hệ tình dục, gồm cả quan hệ tình dục đồng giới trong giới trẻ, đang có dấu hiệu gia tăng.

Việc giám sát bệnh nhân ngoại tỉnh không hề dễ dàng do tâm lý e ngại không chủ động khai báo, điều này tác động đến hiệu quả của dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS. “Chủ trương chung của Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng như Bộ Y tế hiện nay là giao việc điều trị HIV/AIDS cho các cơ sở y tế tuyến quận, huyện quản lý; nhưng theo khảo sát tình hình thực tế hiện nay, vấn đề các đơn vị gặp phải là cơ sở vật chất, nhân lực không bảo đảm. Đó cũng là lý do gây nên tình trạng quá tải trong điều trị bệnh nhân HIV/AIDS ở Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng như hiện nay”, bác sĩ Thạnh cho biết.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.