Hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng dân số

.

Nhân Tháng hành động quốc gia về dân số và kỷ niệm 58 năm Ngày Dân số Việt Nam (26-12-1961 – 26-12-2019), phóng viên Báo Đà Nẵng có cuộc phỏng vấn bác sĩ CK2 Huỳnh Bá Tân (ảnh), Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình thành phố nhân sự kiện này.

* Thưa ông, trong năm qua, Đà Nẵng đã có những bước tiến đáng kể nào trong công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình?

- Năm 2019 là năm thứ hai thành phố Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, chuyển trọng tâm từ dân số- kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Nhìn lại công tác dân số và phát triển trong 2 năm qua, chúng ta tự hào khẳng định Đà Nẵng từng bước đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết số 21-NQ/TW đã đề ra đến năm 2030.

Đó là: Đạt mức sinh thay thế TFR 2,1 con/phụ nữ (bình quân từ năm 2015-2019) và giảm dần tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên (2015: 5,8%; 2018: 4,8%; 2019 ước 4,6% ). Dân số Đà Nẵng tăng liên tục qua các năm, trung bình tăng 26.368 người/năm (từ 2015-2019). Quy mô dân số tại thời điểm 1-4-2019 đạt 1.134.310 người với tỷ suất sinh thô 13,1%o và tỷ lệ tăng dân số chung 1,2%/năm.

Duy trì được cơ cấu dân số hợp lý, tận dụng tối đa thời kỳ cơ cấu dân số vàng và bắt đầu có chính sách thích ứng già hóa dân số như: Hình thành các khoa lão tại các bệnh viện quận, huyện, thành phố và triển khai Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2019-2025 được UBND thành phố phê duyệt. Đà Nẵng đã kiểm soát được mất cân bằng giới tính khi sinh, duy trì tỷ số ở mức tự nhiên (103-107 trẻ sơ sinh trai /100 trẻ sơ sinh gái), đạt sớm mục tiêu mà Nghị quyết số 21-NQ/TW đề ra (<109 trẻ sơ sinh trai /100 trẻ sơ sinh gái).

Đặc biệt, các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên, tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân vượt kế hoạch năm, 68,5% bà mẹ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất, 96% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến (Nghị quyết số 21-NQ/TW đề ra đến năm 2030: 70% bà mẹ mang thai, 90% trẻ sơ sinh được tầm soát) đã góp phần nâng cao chất lượng dân số. Tuổi thọ bình quân tăng dần qua các năm: 2010 tuổi thọ trung bình của người dân là 72 tuổi, đến nay, đã tăng lên 76 tuổi, cao hơn so với tuổi thọ bình quân của cả nước. Như vậy, các hoạt động đều nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng dân số.

* Tháng hành động quốc gia về dân số năm nay có chủ đề “Đồng hành cùng sự nghiệp dân số và phát triển vì sự phồn vinh của đất nước”. Như vậy, Đà Nẵng sẽ triển khai những hoạt động gì để hưởng ứng chủ đề này?

- Nghị quyết số 21-NQ/TW xác định: Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết, vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Với chủ đề Tháng hành động quốc gia về dân số năm 2019: “Đồng hành cùng sự nghiệp dân số và phát triển vì sự phồn vinh của đất nước” đặt ra vấn đề ai sẽ đồng hành với sự nghiệp dân số và phát triển? Đó chính là sự phối hợp liên ngành, sự tham gia của cộng đồng dân cư dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương.

Hội thi cấp thành phố về “Duy trì cơ cấu dân số hợp lý”. Ảnh: HƯƠNG SEN
Hội thi cấp thành phố về “Duy trì cơ cấu dân số hợp lý”. Ảnh: HƯƠNG SEN

Do đó, nhân tháng hành động này, Đà Nẵng đa dạng hóa các hoạt động truyền thông (mít-tinh, tọa đàm, hội thi về công tác dân số trong tình hình mới...), truyền thông về dân số và phát triển trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông trực tiếp đến người dân thông qua mạng lưới cộng tác viên dân số-y tế ở các tổ, thôn, viên chức, công chức chuyên ngành dân số các cấp nhằm chia sẻ thông tin, huy động cả hệ thống chính trị và cộng đồng đồng hành với sự nghiệp dân số và phát triển.

Sự đồng hành với sự nghiệp dân số và phát triển sẽ góp phần sự phồn vinh của đất nước cả hai phương diện: Một là, sự phồn vinh về chất lượng dân số, tăng tuổi thọ, sức khỏe người dân thông qua các nội dung hoạt động: Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên vì tương lai giống nòi, tư vấn-khám sức khỏe tiền hôn nhân, tầm soát các dị tật trước sinh, sơ sinh; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và các dịch vụ y tế chất lượng cao...

Hai là, sự phồn vinh về kinh tế-xã hội thông qua các nội dung hoạt động: Duy trì mức sinh thay thế - mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con - để có điều kiện nuôi dạy tốt, phát triển kinh tế gia đình góp phần làm chậm quá trình già hóa dân số, kéo dài thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” để phát triển kinh tế thành phố. Mặt khác, duy trì mức sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ, góp phần vào quá trình kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, tránh được các hệ lụy về xã hội do sự mất cân bằng giới tính khi sinh gây ra...

* Để giải quyết những khó khăn, tồn tại trong công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình của thành phố, theo ông, cần phải có những nỗ lực nào từ phía chính quyền và người dân?

- Công tác dân số trong tình hình mới cần phải tập trung giải quyết các vấn đề một cách toàn diện như: Quy mô dân số, phân bổ dân số, cơ cấu dân số và chất lượng dân số; trong đó, phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng để phát triển kinh tế đòi hỏi sự phối hợp liên ngành, cả việc chăm sóc sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên, thanh niên.

Để thích ứng với quá trình già hóa dân số đòi hỏi phải can thiệp đồng bộ cả việc duy trì vững chắc mức sinh thay thế kết hợp với việc đầu tư cơ sở y tế chuyên ngành lão khoa và tăng cường chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng. Việc kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh mà nguyên nhân gốc rễ chính là bất bình đẳng về giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn, đã gây áp lực cho phụ nữ sinh con một bề là gái. Vì vậy, mọi gia đình phải nhận thức và thay đổi cách nhìn về giới để các cháu là nữ hay nam được sinh ra, lớn lên đều có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau... không được lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức.


Công tác dân số và phát triển trong tình hình mới đặt ra cho ngành y tế, nhất là những người làm công tác dân số những cơ hội và thách thức mới trong bối cảnh sắp xếp tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực. Để làm tốt công tác dân số và phát triển cần có sự đồng hành của mọi gia đình, sự phối hợp liên ngành dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp.

* Xin cảm ơn ông.

K.N thực hiện

;
;
.
.
.
.
.