Đà Nẵng nâng cao năng lực giám sát, xét nghiệm nCoV

.

Trước diễn biến bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra ngày càng phức tạp, việc giám sát, điều tra dịch tễ cũng như tiến hành xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm đang được gấp rút triển khai. Ngành Y tế thành phố cũng đang đề xuất được chủ động trong việc xét nghiệm để việc phát hiện nCoV được nhanh chóng, qua đó có các biện pháp cách ly, điều trị kịp thời, trước khi virus phát tán ra ngoài.

Ngành y tế Đà Nẵng đề xuất được chủ động trong việc nâng cao năng lực giám sát, xét nghiệm đối với chủng nCoV. TRONG ẢNH: Du khách xếp hàng đo thân nhiệt và làm thủ tục nhập cảnh tại Sân bay Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG
Ngành y tế Đà Nẵng đề xuất được chủ động trong việc nâng cao năng lực giám sát, xét nghiệm đối với chủng nCoV. TRONG ẢNH: Du khách xếp hàng đo thân nhiệt và làm thủ tục nhập cảnh tại Sân bay Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG

Bổ sung thiết bị giám sát thân nhiệt tại sân bay, cảng biển

Sân bay Quốc tế Đà Nẵng mỗi ngày có khoảng 100 đoàn khách làm thủ tục xuất, nhập cảnh. Bác sĩ Phạm Trúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố cho biết, tất cả hành khách phải đi qua hệ thống đo thân nhiệt bằng tia hồng ngoại.

Trong trường hợp phát hiện du khách bị sốt, các kiểm dịch viên sẽ nhanh chóng tiếp cận, cách ly và khám sàng lọc. Nếu hành khách xuất hiện các triệu chứng như: đỏ giác mạc, tức ngực, khó thở…, nhân viên y tế ở đây sẽ liên hệ với Trung tâm Cấp cứu 115, Bệnh viện Đà Nẵng để tiếp nhận, thu dung và cách ly theo dõi theo quy trình phòng, chống bệnh truyền nhiễm nhóm A.

Ngành y tế Đà Nẵng đề xuất được chủ động trong việc nâng cao năng lực giám sát, xét nghiệm đối với chủng nCoV. TRONG ẢNH: Du khách xếp hàng đo thân nhiệt và làm thủ tục nhập cảnh tại Sân bay Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG
Ngành y tế Đà Nẵng đề xuất được chủ động trong việc nâng cao năng lực giám sát, xét nghiệm đối với chủng nCoV. TRONG ẢNH: Du khách xếp hàng đo thân nhiệt và làm thủ tục nhập cảnh tại Sân bay Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG

Tuy nhiên, một trong những trở ngại đối với công tác giám sát thân nhiệt hiện nay, đó là thiết bị chưa đáp ứng nhu cầu kiểm tra một cách nhanh chóng. “Hiện đơn vị được trang bị 7 thiết bị đo thân nhiệt bằng tia hồng ngoại, trong đó có 5 thiết bị tầm xa, 2 thiết bị tầm ngắn. Nếu đoàn khách từ 200 người trở lên, thậm chí hàng ngàn khách từ tàu biển mỗi lần thì việc kiểm tra, quét thân nhiệt rất lâu dẫn đến tình trạng ùn ứ khách tại sân bay, cảng biển”, bác sĩ Lâm cho biết.

Hiện nay, các đường bay đến, đi từ Trung Quốc đều tạm dừng khai thác nhưng theo bác sĩ Lâm, vẫn có người Trung Quốc nhập cảnh vào Đà Nẵng thông qua nước thứ 3. “Điều này khiến việc giám sát thân nhiệt càng phải được thực hiện kỹ lưỡng, bởi chúng ta vẫn chưa quản lý được các du khách nhập cảnh theo cách này”, bác sĩ Lâm thông tin thêm.

Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc CDC thành phố cho biết, trong năm 2020, đơn vị được bổ sung các trang thiết bị với kinh phí khoảng 8 tỷ đồng; trong đó có hệ thống đo thân nhiệt với kinh phí khoảng 1,6 tỷ đồng. “Trước tình hình dịch bệnh đang ngày càng phức tạp, chúng tôi đã đề xuất cần phải nâng cao năng lực giám sát tại sân bay, cảng biển bằng việc bổ sung các trang thiết bị, cụ thể là máy quét thân nhiệt”, bác sĩ Thạnh nói.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đã đồng ý đề xuất của CDC, giao Sở Tài chính rút ngắn các thủ tục mời thầu để trang bị các thiết bị, vật tư y tế cần thiết cho đơn vị này trong thời gian sớm nhất có thể.

Đà Nẵng đề nghị được chủ động xét nghiệm nCoV

Cũng nhằm phòng, chống dịch bệnh do nCoV, ngành y tế thành phố vừa có công văn gửi Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Viện Pasteur Nha Trang đề nghị được chủ động trong việc xét nghiệm nCoV. Theo quy trình hiện nay, các mẫu bệnh phẩm sau khi lấy sẽ được gửi vào Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm.

Tuy nhiên, do khoảng cách địa lý, số lượng mẫu ngày càng nhiều lại phụ thuộc hoàn toàn vào quá trình của Viện Pasteur Nha Trang nên quá trình này thường kéo dài 48-72 giờ, thậm chí lâu hơn. Sự chậm trễ trong việc xác định kết quả mẫu xét nghiệm khiến việc xác định, thu dung điều trị gặp nhiều khó khăn, bị động.

Đồ họa: THANH HUYỀN
Đồ họa: THANH HUYỀN

Theo CDC, hiện cơ sở xét nghiệm của đơn vị có các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu. Trong đó, phòng xét nghiệm được thẩm định công bố an toàn sinh học vào năm 2019. Riêng phòng xét nghiệm sinh học phân tử được bố trí độc lập có 3 khu vực riêng biệt, gồm: phòng pha dung dịch phản ứng, phòng tách chiết ARN, phòng đặt máy PCR. “Ngoài ra, đơn vị có 12 thiết bị chuyên ngành liên quan, từng thực hiện xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm về các bệnh truyền nhiễm lâu nay, đặc biệt là đội ngũ nhân lực có chuyên môn, kinh nghiệm đáp ứng được yêu cầu. Hiện chúng tôi chỉ cần hỗ trợ đào tạo quy trình xét nghiệm nCoV bằng kỹ thuật Realtime-RT-PCR, hỗ trợ sinh phẩm, vật tư thực hiện xét nghiệm là có thể tự chủ động trong việc xác định được chủng mới của nCoV”, bác sĩ Thạnh khẳng định.

Thêm 19 trường hợp xuất viện vì âm tính với nCoV

Ngày 6-2, các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố đã cho xuất viện 19 trường hợp đã hết sốt và kết quả âm tính với nCoV. Tính đến 13 giờ 30 ngày 6-2, ngành y tế thành phố đã tiếp nhận 126 người nghi nhiễm bệnh do nCoV (98 người Việt Nam, 28 người nước ngoài), trong đó 94 trường hợp đã xuất viện (25 người nước ngoài, 69 người Việt Nam). Hiện 32 người nghi ngờ nhiễm nCoV đang được theo dõi tại Bệnh viện Đà Nẵng (3 trường hợp) và Bệnh viện Phổi Đà Nẵng (29 trường hợp). Ngoài ra, có 58 trường hợp đang được giám sát tại cộng đồng với biểu hiện sức khỏe bình thường. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đã lấy 68 mẫu xét nghiệm bệnh do nCoV và tất cả đều âm tính.(PHAN CHUNG)

Bảo đảm nguồn cung trang thiết bị, vật tư y tế cho công tác phòng, chống dịch bệnh nCoV

Trước những diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra, ngày 5-2, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ký văn bản chỉ đạo ngành Công thương chủ trì phối hợp ngành Y tế và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, rà soát, chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố ổn định sản xuất, bảo đảm nguồn cung trang thiết bị, vật tư y tế cho công tác phòng, chống dịch bệnh nCoV; bảo đảm việc cung ứng, kiểm soát giá cả đối với hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân trong trường hợp dịch lan rộng, kéo dài.

Đồng thời, phối hợp theo dõi cùng các bộ, ngành triển khai các giải pháp hỗ trợ bảo đảm nguồn cung nhiên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cung ứng trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm… để đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch bệnh. Cục Hải quan Đà Nẵng tạo điều kiện thuận lợi nhất để thông quan nguyên liệu, trang thiết bị phòng chống dịch bệnh đúng quy định. Các sở, ngành thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh nCoV. (KHÁNH HÒA)


PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.