Việt Nam nỗ lực rút ngắn thời gian sản xuất vắcxin phòng Covid-19

.

Khi cả thế giới chạy đua với vắcxin Covid-19, việc cho ra đời một loại vắcxin phòng chống đại dịch là thách thức với bất kỳ nhà sản xuất nào, bởi đây là chủng virus mới.

Lấy mẫu huyết thanh của chuột để tiêm dự tuyển vắcxin Covid-19. (Ảnh: Minh Quyết/Vietnam+)
Lấy mẫu huyết thanh của chuột để tiêm dự tuyển vắcxin Covid-19. (Ảnh: Minh Quyết/Vietnam+)

Dự án nghiên cứu phát triển vắcxin Covid-19 tại Việt Nam đang có triển vọng rất tích cực khi vượt tiến độ 2 tháng so với kế hoạch trong giai đoạn 1 với kết quả đáp ứng miễn dịch khá cao của vắcxin dự tuyển.

Đây là kết quả phân tích của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương với 2 lô mẫu huyết thanh của 50 con chuột đã tiêm dự tuyển vắcxin phòng Covid-19 mà các nhà nghiên cứu của viện đã đánh giá.

Bằng việc tiêm so sánh với chính chủng virus hoang dại đã được bất hoạt cho chuột, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xác định các mẫu huyết thanh này đã cho đáp ứng kháng thể, trong đó có những mẫu đáp ứng khá cao.

Ở giai đoạn tiếp theo, vắcxin dự tuyển sẽ được phát triển thành vắcxin hoàn chỉnh, ổn định và đủ tiêu chuẩn để sử dụng cho người. Nhóm nghiên cứu cũng sẽ xây dựng quy trình sản xuất thương mại để có thể đáp ứng quy mô sản xuất lên tới hàng triệu, thậm chí là hàng chục triệu liều.

Để hiểu rõ hơn về công tác sản xuất vắcxin phòng bệnh Covid-19, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Tuấn Đạt-Chủ tịch Công ty TNHH MTV Vắc Xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech).

- Ông có thể cho biết, hiện nay công đoạn sản xuất vắcxin Covid-19 của Việt Nam đã triển khai như thế nào?

Tiến sỹ Đỗ Tuấn Đạt: Các kết quả đến nay sau khi có được dự tuyển vắcxin Covid-19 chúng tôi đã đưa vắcxin trên động vật để xem tính đáp ứng của chủng virus đó trên động vật thế nào. Kết quả sơ bộ đã có đáp ứng miên dịch trên động vật. Đáp ứng đó tương đương với chủng virus hoang dại Việt Nam phân lập được.

Tất nhiên, khi tiêm cho động vật chủng virus hoang dại phải là chủng bất hoạt, mức độ tương đương với tính kháng nguyên của chủng vắcxin, chủng virus cho thấy đáp ứng được yêu cầu có thể phát triển được vắcxin sau này.

Bước tiếp theo sau này, khi công ty có được vắcxin đáp ứng trên động vật sẽ tiến hành các bước ở quy mô sản xuất ở mức độ có thể sản xuất được vắcxin đáp ứng được các yêu cầu tiếp theo.

Tiến sỹ Đỗ Tuấn Đạt-Chủ tịch Công ty TNHH MTV Vắc Xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech). (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tiến sỹ Đỗ Tuấn Đạt-Chủ tịch Công ty TNHH MTV Vắc Xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech). (Ảnh: PV/Vietnam+)

- Qúa trình sản xuất vắcxin Covid-19 hiện nay có gặp phải thách thức nào không thưa ông?

Tiến sỹ Đỗ Tuấn Đạt: Cả thế giới cũng đang đứng trước tình huống chưa bao giờ có vắcxin đại dịch nên đây cũng là thách thức mà cần có sự trao đổi thế nào đáp ứng được với vắcxin đại dịch.

Covid-19 hiện nay hoàn toàn được coi là đại dịch và cần có vắcxin càng sớm càng tốt, không như tác nhân khác có thời gian trì hoãn mà tìm nhóm đối tượng nhất định mà đây là cần cho cả cộng đồng lớn đều có nguy cơ mắc bệnh.

Quá trình sản xuất vắcxin thật sự còn có nhiều khó khăn nhất định, không hề dễ dàng vì vắcxin đòi hỏi tính ổn định, tính hiệu suất cao, chất lượng phải đảm bảo. Đây là quá trình dài không thể ngay lập tức có được vắcxin cho người. Kết quả sơ bộ ban đầu cho thấy dự tuyển vắcxin có thể hoàn toàn đưa vào sản xuất vắcxin sau này.

Đến nay, qua 3 tháng, với tốc độ làm việc nhanh của nhóm nghiên cứu thì chúng tôi đã có kết quả ban đầu khá khả quan. Đề tài hướng tới tháng 10 năm 2021, nếu thời gian rút ngắn lại thì tiến trình của đề tài sẽ kết thúc nhanh chóng.

- Hiện nay nghiên cứu đáp ứng được bao nhiêu phần trong tiến trình ra được vắcxin?

Tiến sỹ Đỗ Tuấn Đạt: Trong công tác nghiên cứu, với chúng tôi yếu tố chủng bao giờ cũng là yếu tố rất quan trọng, quyết định 50% của quá trình sản xuất. Trong quy trình sản xuất của chúng tôi, bên cạnh chủng còn điều kiện để sản xuất, những yếu tố thông số trong sản xuất phải tối ưu hoá. Các thông số về hiệu suất đối với một vắcxin cho người là một yếu tố rất quan trọng, đặc biệt trong vắcxin đại dịch yêu cầu đầu tiên đó là làm sao có hiệu suất cao, số lượng lớn vì không phải chỉ tiêm có vài liều hay hàng trăm, nghìn liều mà cả triệu liều.

Các vắcxin phòng bệnh khác trước đó người ta có đủ thời gian để sản xuất ra hàng triệu liều, nhưng đối với vắcxin Covid-19 có thể trong vòng 1-2 tháng đã phải dùng đến hàng triệu liều. Đây là thách thức rất lớn.

Trong quá trình tối ưu hóa còn rất nhiều những vấn đề xảy ra. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng ở mức độ tối đa nhất để có được mẫu thử nghiệm lâm sàng trên người.

- Đối với việc sản xuất vắcxin Covid-19 chúng ta sẽ áp dụng công nghệ hiện đại như thế nào thưa ông?

Tiến sỹ Đỗ Tuấn Đạt: Tất cả các công nghệ sản xuất vắcxin trước đây đều sử dụng công nghệ cổ điển: vắcxin bất hoạt hay vắcxin sống giảm động lực.

Vắcxin Covid-19 này chúng tôi sử dụng công nghệ tái tổ hợp, virus vector - một dạng công nghệ rất mới thay vì các công nghệ vắcxin bất hoạt hay sống giảm độc lực như truyền thống. Đây là công nghệ mới, đa năng, cho hiệu suất sản xuất cao, không phụ thuộc vào việc nuôi cấy toàn thể tác nhân gây bệnh, phù hợp đối với các vắcxin đại dịch.

Trong quá trình sản xuất vắcxin Covid-19, chúng tôi có hợp tác với các trường đại học của Anh. Hợp tác này đã được triển khai trước đây 2 năm trong nhóm nghiên cứu về trao đổi giữa các tường đại học của Anh và các nước đang phát triển, để giúp các nước đang phát triển tiếp cận được các công nghệ mới trong sản xuất vắcxin.

Ngay từ đầu tháng 2-2020, hai cán bộ nghiên cứu của chúng tôi đã được cử sang làm việc và phối hợp với các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm của Đại học Bristol (Anh) nỗ lực triển khai thực hiện nhiều công đoạn nghiên cứu nhằm đẩy nhanh tiến độ của dự án.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh vào thời điểm đó tại Anh nói riêng, châu Âu và thế giới nói chung, nhóm nghiên cứu đã làm việc gần như 24/7, mỗi ngày chỉ ngủ vài tiếng, để kịp hoàn thành kế hoạch đặt ra. Hai thành viên của nhóm nghiên cứu từ Vabiotech kịp quay về Việt Nam ngay sát thời điểm đóng cửa đường hàng không hồi cuối tháng 3. Mẫu cũng được chuyển về tới Việt Nam như dự định.

Sau thời gian 14 ngày cách ly tập trung sau khi về nước, Ban Lãnh đạo Công ty và nhóm nghiên cứu quyết định biến phòng thí nghiệm của Vabiotech thành “phòng cách ly để nghiên cứu” bù đắp lại thời gian bị gián đoạn. Nỗ lực của nhóm nghiên cứu đã được bù đắp. Một tháng sau, dự tuyển vắcxin đã được hoàn thành để tiêm thử nghiệm trên chuột.

- Thưa ông, Việt Nam có hướng đi riêng nào trong tiến trình sản xuất vắcxin Covid-19?

Tiến sỹ Đỗ Tuấn Đạt: Khi cả thế giới chạy đua với vắcxin Covid-19, việc cho ra đời một loại vắcxin đại dịch là thách thức với bất kỳ nhà sản xuất nào, bởi đây là vắcxin mới. Với mỗi quốc gia có những đặc thù, lựa chọn riêng, ở trên mức độ của nhà phát minh. Chẳng hạn như Trường đại học Boshtom họ chuyên nghiên cứu giá thể virus này để làm vắcxin.

Việt Nam cũng đi theo hướng đó của họ để bám sát vào những chỗ của nhà phát minh họ đã phát triển. Trong công tác nghiên cứu về vắcxin Covid-19, có thể có khác biệt vì thế giới vẫn đang muốn tạo sự khác biệt giữa các chủng, các công nghệ khác nhau để xem cái nào sẽ là ưu thế. Vì đây là vắcxin quá mới đối với cả thế giới nên chưa biết được chủng nào hơn chủng nào. Đây là thách thức đối với tất cả các công ty sản xuất.

Nghiên cứu định lượng protein trong vắcxin tại phòng thí nghiệm của Vabiotech. (Ảnh: Minh Quyết/Vietnam+)
Nghiên cứu định lượng protein trong vắcxin tại phòng thí nghiệm của Vabiotech. (Ảnh: Minh Quyết/Vietnam+)

Đối với virus corona đã có đại dịch SARS xảy ra ở Việt Nam sau đó bệnh biến mất nên hướng nghiên cứu vắcxin không hướng tới thương mại. Đến dịch Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV) cũng không thương mại hóa, vẫn chỉ là nghiên cứu.

Đến nay Covid-19 thực sự mọi người đều mong chờ đây là vắcxin Corona đầu tiên có thể được thương mại hoá. Thí nghiệm làm vắcxin ở thời điểm này cho chúng ta học rất nhiều cách làm vắcxin nhất là vắcxin đại dịch.

Chúng tôi nghiên cứu bám sát với kết quả nghiên cứu trên thế giới để trước khi ra thử nghiệm lâm sàng tiếp theo đưa ra tiêu chí nào cho phù hợp. Chúng ta không đi trước để dẫn đầu mà để đón đầu, xem họ như thế nào để thiết kế vắcxin cho phù hợp.

Đối với sản xuất vắcxin thì không thể nói rút ngắn được các yêu cầu của cơ quan quản lý để đảm bảo vắcxin vẫn song hành. Cái cần nhìn nhận là ở đơn vị sản xuất, phát triển giúp được những gì dựa trên kinh nghiệm trước đây đã làm vắcxin khác. Giai đoạn này không cần phải tối ưu hoá quá nhiều.

Để cho ra đời vắcxin hoàn chỉnh cần 9-12 tháng nữa nhưng chúng tôi đang nỗ lực để rút ngắn thời gian này. Dù vậy, so với mức trung bình 10 năm của 1 vắcxin bình thường, thời gian 18-24 tháng để phát triển được một vắcxin đã là quá nhanh.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo TTXVN

;
;
.
.
.
.
.