Không chủ quan với bệnh sốt xuất huyết

.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, thời tiết hiện nay đang là thời điểm thuận lợi cho sự phát triển, gia tăng mật độ muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH), từ nay đến cuối năm, nguy cơ ca mắc tiếp tục gia tăng mạnh nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống.

Từ tháng 9-2020, Trung tâm Y tế quận Sơn Trà tiếp nhận từ 4-6 ca mắc SXH/tuần, đặc biệt có nhiều ca bệnh nặng do người dân chủ quan nên đi khám trễ. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phú, Phó khoa Nội tổng hợp, Trung tâm Y tế quận Sơn Trà, xác định bệnh SXH đang có xu hướng gia tăng, bệnh viện đã chuẩn bị kỹ tâm lý, nguồn nhân lực, thuốc men để sẵn sàng điều trị nếu dịch bùng phát. Trong thời gian điều trị, cán bộ y tế luôn chú trọng công tác tuyên truyền, nhắc nhở các biện pháp phòng, tránh SXH cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. "Đối với bệnh SXH, người bệnh thường có dấu hiệu sốt cao liên tục, đau đầu, đau mỏi cơ, khớp, đặc biệt xảy ra xuất huyết dưới nhiều hình thức như chảy máu mũi, chân răng, tụ chấm đỏ trên da... Do các bệnh nhân có triệu chứng khác nhau nên các bác sĩ sẽ điều trị theo các triệu chứng của từng người. Quan trọng nhất vẫn là sức đề kháng của người bệnh, chúng tôi luôn động viên, nhắc nhở họ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng, điều này cũng nằm trong phác đồ điều trị. Khi bệnh nhân hết sốt 2 ngày, lượng tiểu cầu trở lại mức bình thường mới được xuất viện”, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phú cho biết.

Theo CDC thành phố, tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có 1.282 ca bệnh sốt xuất huyết (SXH); trong đó quận Hải Châu (255 ca), quận Thanh Khê (289 ca), quận Sơn Trà (208 ca), quận Ngũ Hành Sơn (160 ca), quận Liên Chiều (215 ca), quận Cẩm Lệ (165 ca) và huyện Hòa Vang (190 ca). Số ca bệnh đã giảm 70% so với cùng kỳ năm 2019 (5.078 ca) nhưng mưa lớn kéo dài những ngày qua khiến độ ẩm cao, nhiệt độ thấp, tạo điều kiện thích hợp cho muỗi sinh sôi, phát triển. Vì vậy, SXH có nguy cơ gia tăng mạnh, thậm chí bùng phát thành dịch nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống. Bác sĩ Nguyễn Tam Lãm, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, CDC thành phố cho biết, theo phân loại, Đà Nẵng nằm trong vùng có nguy cơ cao bùng phát dịch SXH, thường bắt đầu từ tháng 6, gia tăng mạnh từ tháng 9 đến cuối năm. SXH là bệnh truyền nhiễm, có khả năng lây lan nhanh chóng. Đến nay vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu nên rất nguy hiểm, người dân tuyệt đối không nên chủ quan.

Để góp phần hạn chế, giảm tỷ lệ mắc SXH, từ đầu năm đến nay, cán bộ ngành y tế thành phố đã triển khai quyết liệt công tác đào tạo, tập huấn phòng, chống SXH. Từ tháng 6 đến nay, CDC thành phố đã tổ chức 2 lớp tập huấn với gần 200 cán bộ y tế về giám sát, quản lý, xử lý dịch SXH và hướng dẫn pha, trộn, phun hóa chất xử lý khu vực xảy ra SXH. Khoa Truyền thông, giáo dục sức khỏe, CDC thành phố cũng đã thực hiện phát tờ rơi, tập san, sử dụng xe tuyên truyền phòng, tránh SXH đến các quận, huyện trên địa bàn. Theo bác sĩ Nguyễn Tam Lãm, nhiều người dân chủ quan ngủ không mắc màn, hoặc chỉ mắc vào buổi tối, trong khi đó muỗi SXH thường đốt nhất vào lúc sáng sớm và chiều tối nên người dân cần mắc màn ngủ kể cả ban ngày. Ngoài ra, cần thu gom phế thải, phát quang bụi rậm và đặc biệt thường xuyên kiểm tra các dụng cụ đựng nước của gia đình như xô, chậu, bình hoa, bể cá ngoài trời,... không cho muỗi có môi trường sinh sôi, phát triển. “Để hạn chế SXH cần sự chung tay của cả cộng đồng, ý thức của mỗi người dân chứ không chỉ một chiều từ cơ quan chức năng. Khi có triệu chứng của bệnh SXH, người dân phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và chữa bệnh kịp thời. Không nên tự mua thuốc về uống, bởi như vậy sẽ khiến bệnh trở nặng và việc điều trị phức tạp hơn”, bác sĩ Lãm khuyến cáo.

XUÂN DŨNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích