Phòng, chống dịch bệnh do mưa, lũ

.

Trước diễn biến mưa kéo dài gây ngập cục bộ ở nhiều địa phương, đặc biệt là huyện Hòa Vang, dẫn đến các loại bệnh dịch như đau mắt đỏ, viêm da, tiêu hóa, sốt xuất huyết (SXH) có nguy cơ bùng phát, ngành y tế triển khai các biện pháp cần thiết để kiểm soát tình hình dịch bệnh.

Khám bệnh cho người dân sau mưa lũ trên địa bàn huyện Hòa Vang.
Khám bệnh cho người dân sau mưa lũ trên địa bàn huyện Hòa Vang.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, trong tháng 10, toàn huyện ghi nhận 46 ca mắc SXH, trong đó riêng xã Hòa Tiến có 26 ca. Trong đợt mưa lũ vừa qua có tổng cộng 10/12 thôn trên địa bàn xã Hòa Tiến bị ngập, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt người dân. Ngoài các nguy cơ mắc bệnh về đường tiêu hóa, viêm da, việc ngập úng cục bộ tại nhiều điểm đã khiến tình hình dịch bệnh SXH có dấu hiệu tăng cao.

Từ đầu năm đến nay, xã Hòa Tiến xuất hiện 13 ổ dịch với 92 ca mắc SXH. Y sĩ Đinh Thị Kim Thông, Phó Trạm Y tế xã Hòa Tiến cho biết, nhân viên y tế đã phối hợp với đoàn thanh niên, ban nhân dân các thôn, cán bộ phụ nữ tập trung tuyên truyền, nhắc nhở người dân nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống SXH. “Hằng tuần, chúng tôi tổ chức khoảng 5 nhóm, mỗi nhóm đến khoảng 20 hộ dân trên địa bàn để nhắc nhở việc dọn dẹp vệ sinh, lật úp các vật dụng chứa nước để hạn chế khả năng sinh sôi của muỗi. Nhìn chung, nhiều người dân vẫn chưa tuân thủ, tự giác các biện pháp phòng, chống dịch bệnh”, y sĩ Thông cho biết.

Trong khi đó tại xã Hòa Phong, các bệnh như đau mắt đỏ, viêm da, tiêu chảy đang là mối quan tâm của lực lượng y tế địa phương. Sau đợt mưa kéo dài, 10/13 thôn tại xã Hòa Phong bị ngập do nước từ sông Túy Loan và sông Yên dâng cao. Mặc dù nguồn nước sạch đã được đấu nối nhưng do thói quen sử dụng giếng khơi ở các vùng nông thôn nên người dân có nguy cơ mắc các bệnh trên. “Thống kê sơ bộ hiện có 189 giếng khơi của người dân trong xã đã bị ngập sau đợt mưa vừa qua. Hiện chúng tôi phối hợp với 21 cán bộ y tế thôn, tổ chức đến từng gia đình hướng dẫn việc bơm nước làm sạch giếng, sau đó khử trùng nguồn nước bằng Cloramin B để tránh các bệnh liên quan”, bác sĩ Nguyễn Triêm, Trưởng trạm Y tế xã Hòa Phong cho biết.

Được biết, sau đợt mưa lớn kéo dài trong tháng 10 vừa qua, nhiều địa phương tại huyện Hòa Vang bị ngập sâu và ngập trong một thời gian rất dài. “Nước ngập mấy ngày mới rút, một số đồ dùng trong gia đình bị hư hỏng. Điều đáng lo nhất vẫn là nguy cơ nhiễm bệnh, vì nước lên kéo theo rất nhiều rác thải tràn vào hết trong nhà, bám lên tường, bàn ghế, tủ, sàn nhà. Nếu không khử trùng sạch sẽ bị có nguy cơ nhiễm bệnh về da và tiêu hóa”, ông Lê Văn Khoa (trú thôn Túy Loan Tây 2, xã Hòa Phong), chia sẻ.

Theo bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, việc mưa lớn kéo dài gây ngập úng cục bộ tại một số địa phương trên địa bàn huyện Hòa Vang là điều kiện thuận lợi cho một số dịch bệnh đường tiêu hóa, bệnh do côn trùng trung gian truyền bệnh gia tăng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và cộng đồng. “Song song với việc tuyên truyền, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về các biện pháp bảo đảm vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng về phòng, chống dịch bệnh, chúng tôi tập trung xử lý triệt để môi trường, đặc biệt là các khu dân cư ngập úng, các điểm trường trên địa bàn”, bác sĩ Vĩnh cho biết. Hiện 11 xã và trạm y tế trên địa bàn huyện Hòa Vang đang đồng loạt xử lý nguồn nước giếng khơi bằng hóa chất Cloramin B bảo đảm nguồn nước sạch, an toàn sau lũ. Ngoài ra, công tác giám sát các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là SXH, tay chân miệng, tiêu chảy cấp, thương hàn, lỵ được thực hiện với tần suất cao hơn.

Trước tình hình các loại dịch bệnh có nguy cơ xuất hiện, bùng phát sau mưa, lũ, ngành y tế thành phố đã có công văn yêu cầu các ngành, địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố cho biết, ô nhiễm môi trường và ô nhiễm nguồn nước kết hợp với việc ngập úng cục bộ là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về da, tiêu hóa, mắt và các bệnh truyền nhiễm khác.

CDC Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thời điểm trước, trong và sau lũ, trong đó nhấn mạnh công tác tuyên truyền, sẵn sàng nhân lực, thuốc, trang thiết bị cần thiết. “Các đơn vị, địa phương thường xuyên kiểm tra, theo dõi, cập nhật tình hình ngập lụt, ngay khi nước rút, việc xử lý môi trường, xử lý nguồn nước được gấp rút thực hiện, tuyệt đối không để người dân sử dụng nguồn nước từ các giêng khơi bị ô nhiễm. Ngoài ra, vẫn phải triển khai đồng thời công tác phòng, chống SXH bởi mùa mưa là thời điểm mà dịch bệnh này có nguy cơ bùng phát nếu chúng ta không có biện pháp kịp thời”, bác sĩ Thạnh cho biết.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích