Đầu tư xứng tầm cho y tế

.

Ngành y tế thành phố Đà Nẵng trong những năm qua đã và đang đối mặt với tình trạng quá tải, khi đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, không chỉ trên địa bàn thành phố mà còn các địa phương lân cận. Vì vậy, phát triển y tế hiện đại và chuyên sâu trên địa bàn thành phố là một trong những nhiệm vụ được thành phố hướng đến theo định hướng của Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó “phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh và kết nối cao với các trung tâm dịch vụ quốc tế trong khu vực ASEAN và thế giới”.

Ê-kip bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng phẫu thuật cho bệnh nhân bị chấn thương tủy sống.					     		             Ảnh: PHAN CHUNG - LÊ HÙNG
Ê-kíp bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng phẫu thuật cho bệnh nhân bị chấn thương tủy sống. Ảnh: PHAN CHUNG - LÊ HÙNG

Bài 1: Đà Nẵng điều trị nhiều bệnh nhân khu vực miền Trung - Tây Nguyên

Bức tranh của ngành y tế thành phố đã dần định hình là trung tâm y tế của khu vực từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, tình trạng quá tải và thiếu hụt nhân lực là vấn đề khiến các cơ sở y tế gặp nhiều khó khăn, phải xoay xở nhiều cách để thích ứng và phục vụ tối đa nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân.

Những chuyến xe ngược đường

Suốt một thời gian dài, những chuyến xe cứu thương, xe dịch vụ không quản ngày đêm chở bệnh nhân từ các địa phương Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum chạy xuyên đêm để đưa bệnh nhân ra Đà Nẵng cấp cứu, điều trị.

Mới đây, chị Hoàng (trú huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) hốt hoảng bồng con là cháu T.T.D. (4 tuổi) trong tình trạng sốt, người lừ đừ, nôn, đi ngoài ra máu đến Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi để được điều trị. Nhưng sau khi làm thủ tục nhập viện được 20 phút, chị quyết định xin chuyển viện để đưa cháu ra Đà Nẵng điều trị. Không thể thuyết phục, các nhân viên y tế tại đây đành miễn cưỡng để chị Hoàng đưa cháu đi ra Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cấp cứu, điều trị theo nguyện vọng. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán cháu bị sốt xuất huyết, đang trong giai đoạn nguy hiểm nên tích cực điều trị. Sau đó hơn 1 tuần, bệnh nhi khỏi bệnh, được xuất viện về nhà. Chia sẻ về câu chuyện này, bác sĩ Lê Cao Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi cho biết, đây chỉ là một trong số hàng trăm, hàng ngàn bệnh nhân mà bệnh viện phải chấp nhận vượt tuyến, mặc dù bệnh lý chưa đến mức nguy hiểm và khả năng chuyên môn của đơn vị hoàn toàn đáp ứng.

Thực trạng bệnh nhân “vượt tuyến” khỏi cơ sở y tế trên địa bàn mình để ra Đà Nẵng điều trị cũng diễn ra ở nhiều địa phương khác. Nằm chờ xếp lịch mổ tại Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đà Nẵng, bệnh nhân L.C.Q. (55 tuổi, trú huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ: “Biết là trái tuyến nhưng ra Bệnh viện Đà Nẵng mổ cho yên tâm”. Ông Q. bị gãy chân đùi trái sau khi bị ngã xe máy, sau khi được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam cấp cứu, ông xin chuyển viện. Vì đây là kỹ thuật y tế trong khả năng có thể thực hiện, bác sĩ không đồng ý cấp giấy chuyển viện nên ông Q. chủ động xin xuất viện và yêu cầu người nhà đưa ra Bệnh viện Đà Nẵng để mổ ghép phần xương bị gãy. So với chi phí điều trị ban đầu, việc ông Q. tự ý chuyển tuyến sẽ phát sinh khoảng 8-10 triệu đồng. Ngoài ra, khi làm thủ tục nhập viện tại Bệnh viện Đà Nẵng, ông phải chờ xếp lịch mổ vì số lượng bệnh nhân tại đây quá đông.

Theo một lãnh đạo Phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, thực trạng người dân vượt tuyến, không mặn mà với cơ sở y tế địa phương để chuyển ra Đà Nẵng chăm sóc sức khỏe đã diễn ra nhiều năm, đặc biệt là những địa phương giáp ranh với Đà Nẵng.  “Các bệnh nhân chấp nhận trái tuyến, bỏ tiền túi để được chăm sóc tốt hơn khi ra Đà Nẵng. Hiện 18 trung tâm y tế quận, huyện không có dịch vụ giường, bữa ăn theo yêu cầu. Đặc biệt, là các danh mục kỹ thuật cũng chưa đáp ứng. Hiện cơ sở y tế tuyến quận, huyện chỉ đáp ứng được 50%-60% danh mục kỹ thuật, bệnh viện tuyến tỉnh đáp ứng được 70% danh mục kỹ thuật theo quy định phân tuyến của Bộ Y tế”, lãnh đạo này cho biết.

Nhu cầu giường bệnh ngày càng tăng

Khi đời sống vật chất ngày một nâng cao cùng những chính sách liên thông trong bảo hiểm y tế, người dân có quyền lựa chọn cho mình những nơi khám, chữa bệnh chất lượng, phù hợp khả năng, nhu cầu và giải tỏa được câu chuyện đặt niềm tin cho đội ngũ y, bác sĩ. Nhưng chính điều này đã dẫn đến sự quá tải ở các bệnh viện lớn trên địa bàn thành phố. Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Hiện nay, nhiều người bệnh chủ động lựa chọn tuyến trên, có sự dịch chuyển từ các địa phương khác theo thói quen chứ không hẳn là vì bệnh lý nên đã gây ra tình trạng quá tải không đáng có”.

Ngoài Bệnh viện Đà Nẵng, hiện thành phố có 9 bệnh viện chuyên khoa, 7 trung tâm y tế quận, huyện. Bên cạnh đó, Sở Y tế còn phối hợp và thực hiện quản lý Nhà nước về chuyên môn, nghiệp vụ của 5 bệnh viện thuộc bộ, ngành Trung ương trên địa bàn thành phố, 7 bệnh viện tư nhân và 1.578 cơ sở hành nghề y tế tư nhân. Dù có cả một hệ thống cơ sở y tế “hùng hậu” với số giường bệnh lên đến 79 giường/10.000 dân (cao gấp 3 lần so với tỷ lệ trung bình cả nước) nhưng tình trạng quá tải, nằm ghép, nằm ba vẫn thường xuyên xảy ra tại các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa trên địa bàn.

Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận khám, điều trị ngoại trú cho hơn 2.500 bệnh nhân. Bệnh viện được giao chỉ tiêu 2.000 giường nhưng trên thực tế, có khoảng 2.900 giường bệnh thực kê để đáp ứng nhu cầu của người dân. Nhiều khoa lâm sàng luôn hoạt động quá công suất như Khoa Y học nhiệt đới (149%), Ngoại chấn thương, Ngoại thần kinh (155%), Nội thần kinh (144%), Tim mạch can thiệp (162%), Hồi sức tích cực chống độc (156%)... Thực tế này buộc các nhân viên y tế phải “gồng” mình để đáp ứng nhu cầu điều trị, trong khi bệnh nhân thì xoay xở trong cảnh chật chội, tù túng và đối mặt với nguy cơ lây nhiễm rất cao.

Theo số liệu từ Sở Y tế, trong năm 2019, các bệnh viện hạng I, bệnh viện chuyên khoa trực thuộc tiếp nhận hơn 1,2 triệu lượt khám, điều trị bệnh; trong đó, tỷ lệ bệnh nhân ngoại tỉnh đến khám bệnh chiếm hơn 38%. Một số bệnh viện có tỷ lệ bệnh nhân ngoại tỉnh đăng ký điều trị nội trú cao như Bệnh viện Đà Nẵng (40,2%), Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng (49,9%), Bệnh viện Mắt Đà Nẵng (62,1%), Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng (68%)... Thực tế trên có thể nhận thấy, các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố đang “gánh” một trọng trách, đó là trở thành trung tâm y tế của vùng, chứ không chỉ đơn thuần là bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân địa phương. Theo bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, ngoài tiếp nhận, chăm sóc bệnh nhân địa phương, đơn vị còn khám, điều trị một số lượng lớn các bệnh nhân đến từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai,... bao gồm cả đúng tuyến và trái tuyến.

Thực trạng quá tải càng thể hiện rõ hơn tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Được thành lập vào năm 2012 với quy mô 600 giường, đến nay số giường thực kê của bệnh viện hơn 1.700 giường, cao gấp gần 3 lần so với thiết kế ban đầu. Bác sĩ Phạm Chí Kông, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho biết, các kế hoạch chuyên môn hằng năm bệnh viện đều đạt và vượt kế hoạch giao, do số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị quá đông. Cụ thể, số bệnh nhân đến khám trung bình hằng năm đạt 122%, bệnh nhân nội trú 156%, số ca sinh 134%, phẫu thuật 129%, số lượng máu phải sử dụng cho điều trị, cấp cứu là 144%.... “Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận, khám điều trị ngoại trú cho khoảng 1.500 bệnh nhân và thu dung điều trị nội trú gần 1.400 bệnh nhân. Số bệnh nhân có nhu cầu điều trị tăng cao khiến nhân lực rơi vào tình trạng quá tải, cơ sở vật chất xuống cấp. Tại một số khoa như Nhi sơ sinh, Y học nhiệt đới, Nhi hô hấp... các thiết bị điều hòa, quạt hoạt động không ổn định, nhà vệ sinh thiếu, nhếch nhác do tần suất sử dụng quá lớn”, bác sĩ Kông cho biết.

Tương tự, một số cơ sở y tế khác như Bệnh viện Ung bướu, công suất sử dụng giường bệnh của bệnh viện luôn cao hơn thực tế, đặc biệt ở một số khoa như Xạ trị (136%), Ung bướu tổng hợp (137%), Nội 3 (lên đến 145%), Gây mê hồi sức (138%). Hiện bệnh viện phải kê thêm khoảng 200 giường so với kế hoạch ban đầu, để đáp ứng nhu cầu người bệnh. Theo bác sĩ Trần Tứ Quý, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu, bệnh nhân đến khám tại bệnh viện được phân bố từ 62 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó bệnh nhân Đà Nẵng chiếm chưa đến 30%.

Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến cho biết, mặc dù được đánh giá là trung tâm y tế của khu vực, tiếp nhận khám, chữa bệnh cho người dân từ các địa phương khác nhưng theo đánh giá chung, các dịch vụ y tế công lập của hệ thống y tế cơ sở còn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân.

Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, trước thực trạng quá tải hiện nay, bệnh viện phải linh hoạt xoay xở, ứng phó nếu không sẽ xảy ra tình trạng dồn ứ, bệnh nhân không được chữa trị kịp thời. “Mấy năm gần đây, chúng tôi đã cố gắng rút ngắn quy trình khám, chữa bệnh từ 11 bước xuống còn 7 bước, tăng cường số lượng bàn khám, tăng cường nhân viên hướng dẫn để giải đáp thắc mắc cho người bệnh. Trong công tác điều trị, bệnh viện đẩy mạnh áp dụng các dịch vụ kỹ thuật cao để rút ngắn thời gian điều trị, tăng cường công nghệ thông tin để hẹn bệnh nhân đúng ngày, đúng giờ cũng như rút ngắn thời gian chờ mổ của bệnh nhân”.

PHAN CHUNG - LÊ HÙNG

;
;
.
.
.
.
.