ĐẦU TƯ XỨNG TẦM CHO Y TẾ

Bài 2: Phát triển đa khoa mạnh, chuyên khoa sâu

.

Nhiều người dân tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên mỗi khi có nhu cầu khám, chữa bệnh, nơi họ nghĩ đến đầu tiên là Đà Nẵng. Thực tế trên không chỉ xuất phát từ việc Đà Nẵng có những bệnh viện đầu ngành của khu vực mà còn bởi đội ngũ y, bác sĩ tận tình, ứng dụng hiệu quả kỹ thuật hiện đại, chuyên sâu vào công tác điều trị cùng những hoạt động nhân đạo đầy tình người...

Các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đà Nẵng triển khai kỹ thuật ECMO để cứu sống bệnh nhân nguy kịch. Ảnh:PHAN CHUNG - LÊ HÙNG
Các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đà Nẵng triển khai kỹ thuật ECMO để cứu sống bệnh nhân nguy kịch. Ảnh: PHAN CHUNG - LÊ HÙNG

Nhiều kỹ thuật y tế hiện đại được triển khai

Khi tiếp xúc với chúng tôi, không ít bệnh nhân tâm sự rằng, họ từng phải đi nhiều bệnh viện, chữa trị ở nhiều nơi nhưng chỉ khỏi bệnh khi đến Đà Nẵng… Bệnh nhân N.Q (66 tuổi, trú tỉnh Quảng Ngãi) tâm sự: “Trong 2 năm qua, do bị ho kéo dài, tôi đã nhiều lần đến các bệnh viện trong tỉnh để điều trị nhưng không khỏi. Đầu tháng 12-2020, thấy tình hình sức khỏe ngày càng đi xuống, tôi ra Bệnh viện Đà Nẵng khám. Kết quả chụp CT cho thấy tôi bị viêm phổi thùy dưới, ngoài ra có một dị vật cản quang nằm ở thùy dưới phổi. Các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng đã dùng phương pháp nội soi ống mềm gắp mảnh xương trong phổi tôi ra. Nhờ đó, sức khỏe tôi đã hồi phục và không còn ho nữa”.

Chỉ tính riêng trong 3 năm gần đây, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản - Nhi, Bệnh viện Ung bướu đã triển khai hơn 1.100 kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu trong khám chữa bệnh; đồng thời cử bác sĩ đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn trong và ngoài nước; qua đó góp phần khẳng định vai trò, vị trí vững chắc của y tế Đà Nẵng đối với khu vực và cả nước. Một số kỹ thuật y khoa ở Đà Nẵng được đánh giá là tiên phong trong ngành, như chạy ECMO trong hồi sức tích cực, ghép thận, cấy ghép tế bào gốc, điều trị hiếm muộn, phương pháp da kề da, kỹ thuật solitaire (lấy huyết khối) trong điều trị nhồi máu não cấp tính… Nhờ đó, các bệnh viện đã thành công với nhiều bệnh khó gặp trong y khoa và cứu sống được những trường hợp “thập tử nhất sinh”…

Đơn cử, đầu tháng 12-2020, Khoa Ngoại, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đã thực hiện thành công phương pháp phẫu thuật vi phẫu lấy nang màng nhện tủy sống vùng thắt lưng cùng cho một bệnh nhi 3 tháng tuổi. Đây là một bệnh hiếm gặp, chỉ chiếm 1-3% các ca u tủy. Trước đó, cuối tháng 11-2020, Khoa Ngoại Tim mạch, Bệnh viện Đà Nẵng phẫu thuật thành công, cứu sống bệnh nhân T.Q.V. (1987, trú Quảng Ngãi) bị phình lóc tách thành động mạch chủ ngực cấp tính type A với nhiều biến chứng nguy kịch. Đây là một trong những phẫu thuật phức tạp, nặng nề nhất của cấp cứu ngoại khoa tim mạch, qua đó mở ra cơ hội cứu sống cho các bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch nguy hiểm.

Trước đây, bệnh nhân ung thư ở các tỉnh, thành phố của miền Trung thường phải chạy đôn chạy đáo, giật gấu vá vai để ra Hà Nội, vào Thành phố Hồ Chí Minh chữa bệnh với nhiều mối lo, điều trị tốn kém nhưng cơ hội chữa khỏi bệnh rất thấp vì hầu hết bệnh nhân đã ở giai đoạn cuối hoặc gần cuối. Bởi họ không có cơ hội tầm soát, kiểm tra - một lá chắn ngăn chặn bệnh ngay từ đầu. Đầu năm 2013, Bệnh viên Ung bướu Đà Nẵng đi vào hoạt động đã góp phần làm vơi nhẹ sự vất vả của những người nghèo khu vực miền Trung quanh năm tất bật chăm chồng, chăm vợ, chăm con bị bạo bệnh và khơi nguồn hy vọng cho những em nhỏ trong khu vực chẳng may mắc ung thư. Chính vì thế, những cảnh tượng thương tâm thường thấy khi người nhà phải lăn lóc ở sân bệnh viện hay giăng bạt ngủ tạm giữa trời đã không còn nữa. Ngoài ra, bệnh viện còn có bếp từ thiện phát cháo miễn phí cho bệnh nhân ung thư nghèo, chỗ lưu trú miễn phí nhưng đầy đủ tiện nghi cho người nhà bệnh nhân cũng như miễn giảm viện phí cho bệnh nhân nội, ngoại trú có bảo hiểm y tế hộ nghèo của thành phố Đà Nẵng và Quảng Nam.

Từ cuối năm 2016, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng đã gửi các ê-kíp bác sĩ vào Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh đào tạo theo kế hoạch bệnh viện vệ tinh; đồng thời, các chuyên gia của Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh cũng trực tiếp ra chuyển giao nhiều kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân ung bướu. Điều này đã mở ra cơ hội cho các bệnh nhân ung thư được tiếp cận những phác đồ điều trị phù hợp, những phương pháp y tế hiện đại nhất. Anh T.H.T (30 tuổi, quê Quảng Ngãi) tâm sự: “Tôi đưa ba đi đến nhiều bệnh viện trong nước nhưng có lẽ đây là nơi để lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất. Mọi người đến đây đều được hướng dẫn nhiệt tình và được điều trị với kỹ thuật hiện đại, phác đồ phù hợp. Hơn nữa, bệnh viện lại có không gian rộng rãi, thoáng mát nên mọi người đều thấy thoải mái”.

Từ những thành quả đạt được, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản - Nhi, Bệnh viện Ung bướu ngày càng trở thành địa chỉ khám, chữa bệnh tin cậy, uy tín và đem đến niềm vui cho nhiều bệnh nhân trong và ngoài thành phố. Giám đốc Sở Y tế thành phố Ngô Thị Kim Yến cho biết, ngành y tế thành phố luôn đẩy mạnh phát triển hệ thống điều trị theo hướng “đa khoa mạnh, chuyên khoa sâu và hội nhập khu vực”.

Song song đó, ngành y tế cũng đã triển khai hiệu quả nhiều dự án, đề án, trong đó đề án bệnh viện vệ tinh bước đầu triển khai đã đạt được kết quả tích cực. Đây là hướng đi tiên phong để từng bước đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe cho người dân không chỉ của thành phố mà trong khu vực.

Cần bổ sung nguồn nhân lực

Người bệnh đông, trong khi nhân viên y tế còn thiếu về số lượng, đôi khi còn yếu về chất lượng khiến việc thu dung điều trị mất cân đối… Tính đến cuối năm 2019, nhân lực toàn ngành y tế thành phố bao gồm cả bệnh viện tư là 9.122 người. Trong đó có 6.882 nhân lực công lập, chiếm tỷ lệ 75,4%, tăng 22,3% so với thời điểm cuối năm 2016. Tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, tổng số nhân lực hiện có hơn 1.050 người, tăng gấp 3,2 lần so với năm 2011. Tuy nhiên, theo mặt bằng chung cũng như để đáp ứng nhu cầu điều trị, bệnh viện vẫn đang cần bổ sung hàng chục bác sĩ.

Nguồn nhân lực y tế luôn có vai trò quan trọng, quyết định thành công trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Trong những năm qua, ngành y tế thành phố đã có nhiều chính sách thu hút bác sĩ, trong đó có Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922), với 119 bác sĩ được tuyển dụng. Theo bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, mặc dù tỷ lệ bác sĩ trên 10.000 dân ở Đà Nẵng (18 bác sĩ/10.000 dân) cao gấp 2 lần so với chuẩn cả nước nhưng hiện nay nguồn bác sĩ không đủ cung ứng cho nhu cầu phát triển ngành y tế thành phố. Tình trạng thiếu hụt bác sĩ xảy ra ở một số cơ sở y tế, đặc biệt là cơ sở y tế chuyên khoa.

Trong xây dựng đội ngũ cán bộ y tế nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn cho công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đòi hỏi Nhà nước phải có chính sách thích hợp, thể hiện ở tất cả các khâu từ tuyển chọn, đào tạo, đãi ngộ và tôn vinh… Lãnh đạo một bệnh viện trên địa bàn thành phố cho rằng, các bệnh viện hạng I và bệnh viện chuyên khoa đều cần có những chương trình đào tạo chuyên sâu để “cho ra” những cán bộ y tế đầu đàn, có trình độ kỹ thuật cao nhằm đáp ứng kịp thời sự phát triển nhanh chóng của ngành y tế…

Tuy nhiên, để làm được điều này, cần có một cơ chế thông thoáng chứ không thể dựa vào định mức ngân sách đào tạo như lâu nay. Ngoài ra, đối với những cán bộ y tế lành nghề, có chuyên môn cao, cần phải được đãi ngộ xứng đáng với công sức và trí tuệ mà họ đã bỏ ra. Theo một bác sĩ, hiện nay một số bệnh viện công trên địa bàn thành phố đang thiếu hụt nhân lực, đặc biệt bác sĩ lành nghề, có chuyên môn sâu.

Sở dĩ xảy ra tình trạng này là do thu nhập của bệnh viện công thấp nên sau một thời gian công tác, được đào tạo bài bản, khi đã vững tay nghề, một số bác sĩ lại xin nghỉ việc để chuyển ra bệnh viện tư nhân với mức lương, thưởng hấp dẫn hơn.

Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến cho biết, trong bối cảnh đó, việc tự chủ tài chính tại các cơ sở y tế công lập hiện nay đã phần nào gỡ được “nút thắt” trong việc thiếu hụt nhân lực. Ngoài ra, về lâu dài, để giải quyết bài toán nhân lực, ngành y tế thành phố đang tính tới việc thu hút bác sĩ sau khi tốt nghiệp về làm việc, nâng cao chuyên môn tại các bệnh viện lớn, đồng thời đào tạo, sử dụng các bác sĩ y học dự phòng tham gia Đề án bác sĩ gia đình.

PHAN CHUNG - LÊ HÙNG

;
;
.
.
.
.
.