Y tế - Sức khỏe

Biết ơn những "chiến binh blouse trắng"

07:57, 27/02/2021 (GMT+7)

Năm 2020 là một năm đáng nhớ với đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế - những người tiên phong ở tuyến đầu chống Covid-19. Đối với những bệnh nhân nhiễm Covid-19 và người nhà của họ, những “chiến binh blouse trắng” là chỗ dựa duy nhất trong những tháng ngày thấp thỏm, lo lắng chống lại chủng virus đang mang trong mình. Trong bộ đồ bảo hộ kín mít, họ chẳng nhận biết, hình dung được khuôn mặt ai nhưng lại nhận thấy ân tình trong từng đôi mắt giấu kín.

 Các y, bác sĩ lấy mẫu bệnh phẩm những trường hợp nghi mắc Covid-19, phục vụ cho công tác dự phòng xét nghiệm. (Ảnh chụp tại Trạm y tế phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, tháng 8-2020). Ảnh: KIM LIÊN
Các y, bác sĩ lấy mẫu bệnh phẩm những trường hợp nghi mắc Covid-19, phục vụ cho công tác dự phòng xét nghiệm. (Ảnh chụp tại Trạm y tế phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, tháng 8-2020). Ảnh: KIM LIÊN

Là một trong những bệnh nhân suy thận mạn nhiễm Covid-19, ký ức đã qua đối với bà Đỗ Thị Xuân Lan (sinh 1961, trú phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) là “những ngày rất đáng nhớ”. Bà Lan bị suy thận mạn giai đoạn 3, sức khỏe yếu dần. Hằng ngày bà đều đến Bệnh viện Đà Nẵng điều trị, chạy thận. “Trưa 26-7, trước khi Bệnh viện Đà Nẵng phong tỏa, tôi bảo con chở vào bệnh viện ở luôn vì sợ phong tỏa lâu thì không có nơi để điều trị, có thể nguy hiểm tính mạng. Sau khi vào và đưa đi cách ly, 4 ngày sau tôi bị nhiễm Covid-19 và được đưa lên Bệnh viện Phổi điều trị”, bà Lan nhớ lại.

Sau khi bà nhiễm Covid-19, cả khu phố trên tuyến đường An Trung 16 đều bị phong tỏa. Toàn bộ gia đình bà Lan được đưa đi cách ly. Anh Nguyễn Văn Tình, con trai bà Lan, người hằng ngày ra vào bệnh viện mang cơm cho mẹ cũng được xác định nhiễm Covid-19 ngay sau đó và được đưa vào Bệnh viện dã chiến Hòa Vang điều trị. “Điều em lo nhất lúc đó không phải là bản thân mình nhiễm Covid-19 mà sợ mẹ bệnh tật, đau ốm, khi vào đó một mình thì như thế nào. Nhưng may mắn, mẹ được các bác sĩ chăm sóc tận tình, thường xuyên trò chuyện động viên và chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ”, anh Tình kể lại.

Là bệnh nhân suy thận mạn, chế độ dinh dưỡng của bà Lan cũng phải chuẩn mực, kỹ lưỡng hơn trước. “Hằng ngày đều có nhân viên y tế đến thăm khám sức khỏe và hỏi về chế độ dinh dưỡng để chuẩn bị bữa ăn. Những ngày đầu mới vào điều trị, tôi bị buồn nôn, đau dạ dày, các bác sĩ đã chỉ định chế độ ăn bằng cháo. Thậm chí có lúc thèm ăn món chay, nửa đùa nửa thật nói ra với bác sĩ vậy mà đến bữa có đồ ăn chay thật”, bà Lan kể lại.

Chị Nguyễn Thị Như Ánh (giữa) cùng con gái chào đời tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang (tháng 8-2020) nay đã hoàn toàn khỏe mạnh. Ảnh: P.C
Chị Nguyễn Thị Như Ánh (giữa) cùng con gái chào đời tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang (tháng 8-2020) nay đã hoàn toàn khỏe mạnh. Ảnh: P.C

Bác sĩ Lê Thành Phúc, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng chia sẻ, điều trị cho bệnh nhân không chỉ chữa lành bệnh lý mà còn chữa cả… tâm lý. “Tâm lý sợ hãi Covid-19, sợ bị bỏ rơi, sợ kỳ thị, xa lánh… Đó là cảm xúc tất yếu của con người. Chính vì thế mà mỗi lần có bệnh nhân ra viện bản thân chúng tôi cũng vui lây và dường như trút bỏ được gánh nặng trong lòng. Bởi nhìn thấy ở họ sự vui mừng, hạnh phúc”, bác sĩ Phúc bộc bạch.

Nguyễn Thị Như Ánh (sinh 1985, trú quận Liên Chiểu), nữ bệnh nhân Covid-19 thứ 569 là một trong số nhiều trường hợp nhiễm bệnh tại Đà Nẵng nhưng có hoàn cảnh đặc biệt hơn cả. Chị nhiễm Covid-19 khi đang mang thai em bé tuần thứ 33. “Ngày đó em chỉ biết khóc vì lo lắng cho con gái. Bước vào bệnh viện, xung quanh đều là vách ngăn kín để chống lây nhiễm, lại mắc loại virus mới hoàn toàn, người có mạnh mẽ đến đâu rồi cũng phải lung lay, lo lắng”, Ánh kể lại.

Bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Bệnh viện Hòa Vang cho biết, thời điểm nữ bệnh nhân 569 chuyển đến Bệnh viện dã chiến Hòa Vang điều trị là lúc Đà Nẵng đang bước vào đợt cao điểm về số ca nhiễm Covid-19. Toàn ngành y tế dường như đang cố gắng gấp 2, gấp 3 so với sức lực của mình. “Để bảo đảm an toàn cho bệnh nhân, một mặt chúng tôi tổ chức chăm sóc, điều trị theo phác đồ điều trị Covid-19 của ngành y tế, mặt khác cũng đề xuất Sở Y tế tăng cường thêm nhân lực, nhất là nhân lực của Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng để kịp thời hỗ trợ khi cần thiết”, bác sĩ Vĩnh cho biết.

Không ngoài dự đoán, trước những lo lắng và áp lực, đến tuần thai thứ 36, Ánh sinh em bé ngay trong Bệnh viện dã chiến Hòa Vang khi đang điều trị Covid-19. Bác sĩ Huỳnh Thị Lệ, Phó Trưởng khoa Sơ sinh Cấp cứu, Hồi sức tích cực và bệnh lý, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng là một trong những người được tăng cường cho Bệnh viện dã chiến Hòa Vang để thực hiện ca mổ bắt con đồng thời chăm sóc, theo dõi sức khỏe cho mẹ và bé sau sinh, kể lại: “Điều kiện và tiêu chí mà ê-kip đặt ra rất ngắn gọn, đó là an toàn tuyệt đối cho mẹ và bé. Nghĩa là sức khỏe cho mẹ ổn định và không lây nhiễm Covid-19 cho bé”.

Thời gian chuẩn bị cho ca mổ đặc biệt này lâu hơn so với bình thường nên phải tiến hành mổ càng sớm càng tốt. 21 giờ ngày 15-8-2020, ca mổ bắt đầu. Ê-kip bác sĩ cùng lúc khoác trên mình 3 lớp áo quần, bao gồm cả đồ vô trùng trong phòng mổ và trang phục phòng, chống Covid-19. Khi nghe tiếng khóc chào đời của em bé vang lên, cả ê-kip vỡ òa trong hạnh phúc. Ngay sau đó, các bác sĩ lấy mẫu bệnh phẩm của bé để xét nghiệm SARS-CoV-2 và thật may mắn, kết quả âm tính với chủng virus này.

Thấm thoắt, “em bé Covid-19” giờ đây đã hơn 6 tháng tuổi, bụ bẫm, nhanh nhẹn, hay cười. “Mọi chuyện xảy ra quá bất ngờ và lo lắng. Đến giờ nghĩ lại em vẫn còn run sợ. May mắn lớn nhất chính là nhận được sự hướng dẫn, giúp đỡ tận tâm của các y, bác sĩ. Từ trong thâm tâm, em chỉ biết nói lời cảm ơn”, Như Ánh bộc bạch. Và cũng sau sự kiện đáng nhớ trong đời ấy, các y, bác sĩ, điều dưỡng vẫn thường xuyên ghé nhà thăm nom 2 mẹ con. “Hôm rồi cháu bị ho, nửa đêm hốt hoảng gọi điện cho bác sĩ Lệ và đưa cháu sang Bệnh viện Phụ sản - Nhi để khám. Rất may cháu chỉ ho vì thời tiết thay đổi chứ không phải bệnh gì”, chị Ánh kể lại.

PHAN CHUNG

.