Tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống Covid-19 sau Tết Nguyên đán

.

ĐNO - Trưa 19-2, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh ký, ban hành công văn số 932/UBND-SYT gửi các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể; các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn thành phố và UBND các quận, huyện về việc triển khai các biện pháp phòng, chống Covid-19 sau Tết Nguyên đán 2021.

Lãnh đạo thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn nữa các chỉ đạo của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế về các biện pháp ngăn ngừa, kiểm soát, khống chế dịch bệnh.

Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, UBND thành phố thống nhất chủ trương tiếp tục tạm dừng, không tổ chức lễ hội, hoạt động, sự kiện tập trung đông người không cần thiết, hạn chế việc đi chúc Tết, du xuân, gặp mặt, liên hoan… Các sự kiện tập trung đông người phải bố trí các tổ kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các biện pháp, các điều kiện về phòng, chống Covid-19 theo quy định như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, khai báo y tế…

Yêu cầu toàn dân thực hiện khai báo y tế, đặc biệt là công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên, khách du lịch… trở lại, đến thành phố Đà Nẵng sinh sống, làm việc, học tập, du lịch. Vận động người dân khai báo y tế trung thực để được để được hỗ trợ, chăm sóc y tế khi cần thiết. Người dân chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu không tự giác khai báo hoặc khai báo y tế không trung thực.

Khi phát hiện các trường hợp từng đi đến, trở về từ vùng dịch (theo cập nhật tại địa chỉ bit.ly/vungdich) cần thông báo cho Sở Y tế, cơ quan y tế địa phương, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan triển khai ngay các biện pháp phòng, chống Covid-19 theo quy định.

Toàn thể công chức, viên chức, người lao động và toàn thể người dân thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, đặc biệt là bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, không tụ tập đông người, thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống Covid-19 tại công sở, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ...

Kiểm soát chặt chẽ việc bảo đảm an toàn tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp… Các cơ quan chức năng tăng cường việc kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống Covid-19, đồng thời tạo điều kiện, không gây ảnh hưởng xấu đến các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Khi phát hiện trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng, đề nghị Sở Y tế, Công an thành phố, UBND các quận, huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan phải phối hợp, khẩn trương, thần tốc truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân (F1), các trường hợp tiếp xúc với F1 (F2) và các trường hợp liên quan khác, tổ chức ngay việc khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm, điều trị và các biện pháp cần thiết, không để dịch lây lan ra cộng đồng.

Để bảo đảm an toàn, ngành y tế tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 đối với các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm. Theo đó, các trường hợp là F1 sẽ được cách ly tập trung đủ 14 ngày từ ngày tiếp xúc cuối cùng với bệnh nhân và được xét nghiệm 2 lần. Những người trong vòng 14 ngày từng đến, về từ địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương, khu vực đang phong tỏa trên cả nước sẽ được cách ly tập trung đủ 14 ngày từ thời điểm rời khỏi địa phương và thực hiện xét nghiệm 2 lần.

Ngoài ra, người từng đến, về từ các quận, huyện của thành phố Hà Nội và các phường, xã trên cả nước có ghi nhận trường hợp mắc do lây lan tại cộng đồng trong vòng 14 ngày, các khu vực có ổ dịch đang hoạt động hoặc đi qua các địa điểm trong khoảng thời gian Bộ Y tế thông báo khẩn (không phải là trường hợp F1 và không nằm trong vùng phong tỏa, giãn cách) sẽ thực hiện cách ly tại nhà đủ 14 ngày từ khi rời khỏi địa phương và xét nghiệm 2 lần…

UBND thành phố yêu cầu Sở Y tế chủ trì, phối  hợp các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện giám sát, lấy mẫu ngẫu nhiên (10-20%) để xét nghiệm Covid-19 đối với các trường hợp đến thành phố Đà Nẵng từ các địa phương có ca mắc tại cộng đồng, các địa phương có nguy cơ; các trường hợp có yếu tố nguy cơ tại Đà Nẵng (tiếp xúc nhiều, di chuyển nhiều…) để đánh giá nguy cơ tại thành phố; kịp thời có biện pháp ứng phó phù hợp.

Tiếp tục cập nhật các ổ dịch, vùng dịch tại các địa phương trên cả nước; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương áp dụng các biện pháp phòng, chống Covid-19 phù hợp đối với các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm. Tùy theo diễn biến dịch bệnh trên cả nước, chủ động tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống Covid-19 trên địa bàn.

Tiếp tục rà soát chặt chẽ, triệt để, thực hiện truy vết thần tốc, xét nghiệm trên diện rộng đối với các đối tượng có nguy cơ, các trường hợp tiếp xúc gần với người bệnh, người nhập cảnh trái phép; giám sát cách ly y tế, xét nghiệm các trường hợp nhập cảnh theo quy định.

Các cơ quan thông tin, báo chí trên địa bàn phối hợp với UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan tiếp tục tăng cường truyền thông rộng rãi các nội dung nêu trên để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và toàn thể người dân phối hợp thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống Covid-19 trên địa bàn…

Yêu cầu các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện lợi… lập danh sách người lao động rời khỏi địa phương và trở về thành phố Đà Nẵng làm việc sau dịp Tết Nguyên đán (bao gồm địa chỉ cụ thể nơi từng lưu trú, làm việc tại địa phương khác). Nếu phát hiện các trường hợp về từ vùng dịch mà chưa khai báo y tế với cơ quan chức năng hoặc thuộc diện phải cách ly y tế thì thông báo ngay cho Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị liên quan để phối hợp xử lý, can thiệp phù hợp theo quy định.

Lực lượng Công an thành phố chủ trì, phối hợp UBND quận, huyện và các ban, ngành liên quan tăng cường rà soát chặt chẽ người về từ các địa phương khác tại các chốt y tế và trong khu vực dân cư, không bỏ sót các trường hợp người về từ các địa phương có nguy cơ mắc bệnh Covid-19. Khi phát hiện các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm hoặc các trường hợp nhập cảnh trái phép, phối hợp với ngành y tế thực hiện ngay các biện pháp biện pháp phòng, chống dịch theo quy định…

UBND các quận, huyện duy trì hoạt động của các Tổ Covid-19 cộng đồng giám sát, tư vấn đối với các trường hợp cách ly y tế tại nhà, kịp thời phát hiện các trường hợp nghi ngờ về từ vùng dịch nhưng chưa khai báo y tế để thông báo chính quyền, cơ quan chức năng có biện pháp xử lý phù hợp; tiếp tục tăng cường vai trò của tổ trưởng, tổ phó, trưởng thôn, các hội, đoàn thể địa phương trong việc phát hiện trường hợp có nguy cơ lây nhiễm, nhắc nhở người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch…

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.