Y tế - Sức khỏe

Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt

08:02, 24/03/2021 (GMT+7)

Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt là một trong những mục tiêu quan trọng mà các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố hướng đến. Đặc biệt, trong bối cảnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, việc thanh toán không dùng tiền mặt giúp giảm thời gian, thủ tục, hạn chế việc tiếp xúc; từ đó bảo đảm an toàn, thuận tiện cho cả bệnh viện lẫn gia đình bệnh nhân.

Người dân thanh toán viện phí bằng cách quét mã QR Pay tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: Q.H
Người dân thanh toán viện phí bằng cách quét mã QR Pay tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: Q.H

Đa dạng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt

Được triển khai từ năm 2020, Bệnh viện Đà Nẵng hiện là cơ sở y tế đi đầu trên địa bàn thành phố trong việc triển khai các biện pháp thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Theo bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, hiện nay bệnh viện đang triển khai cùng lúc nhiều giải pháp thanh toán viện phí không dùng tiền mặt như sử dụng thẻ ATM, VISA, MASTER; thanh toán qua ví điện tử; sử dụng mã QR; thanh toán qua thẻ khám bệnh thông minh của bệnh viện. “Bệnh viện thường xuyên tiếp nhận một lượng bệnh nhân lớn. Có nhiều thời điểm, do lượng người thanh toán viện phí quá đông gây ra tình trạng quá tải, chờ đợi, gây mệt mỏi cho người nhà, áp lực cho nhân viên thu ngân. Thanh toán không dùng tiền mặt không những giải quyết được thực trạng trên mà còn rút ngắn thời gian, thúc đẩy cải cách hành chính trong bệnh viện, hạn chế rủi ro, mất cắp cho người nhà”, bác sĩ Trung cho biết.

Chia sẻ về vấn đề này khi chăm nuôi người nhà tại Bệnh viện Đà Nẵng, ông Trần Đình Khải (56 tuổi, trú thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, điều lo lắng nhất khi đến bệnh viện chính là xếp hàng thực hiện các thủ tục, trong đó có thanh toán viện phí. “Khi vào đăng ký khám bệnh, chúng tôi phải xếp hàng nhận số thứ tự rồi lại quầy thu xếp hàng chờ nộp lệ phí. Khám xong lại xếp hàng chờ nộp tiền. Khi thực hiện xét nghiệm, siêu âm phải quay lại quầy thu tiền xếp hàng chờ đợi tiếp. Trong trường hợp nhập viện, rồi khi làm thủ tục ra viện, tất cả đều phải chờ đến lượt được thanh toán viện phí”, ông Khải nói.

Hiện Bệnh viện Đà Nẵng kết hợp với các ngân hàng triển khai các thẻ khám bệnh thông minh cho người bệnh. Đây được đánh giá là giải pháp tối ưu, hướng tới xây dựng bệnh án điện tử cho người bệnh theo lộ trình của Bộ Y tế. Theo đó, mọi thủ tục thanh toán đều thực hiện qua thẻ ATM tích hợp thông tin người bệnh. “Khi quét thẻ, hệ thống đọc hết thông tin lịch sử các bệnh lý, thời gian khám, điều trị của bệnh nhân. Một số xét nghiệm lặp lại chúng tôi sẽ loại bỏ, vừa rút ngắn thời gian, vừa tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, các chi phí khám, điều trị cần thanh toán được tự động báo về điện thoại của bệnh nhân”, bác sĩ Trung cho biết thêm.

Nhiều người bệnh lựa chọn thanh toán viện phí bằng phương thức sử dụng thẻ ATM, VISA, MASTER để hạn chế rủi ro, rút ngắn thời gian, thủ tục. TRONG ẢNH: Nhân viên thu ngân tại Bệnh viện Đà Nẵng thu viện phí không dùng tiền mặt. Ảnh: PHAN CHUNG
Nhiều người bệnh lựa chọn thanh toán viện phí bằng phương thức sử dụng thẻ ATM, VISA, MASTER để hạn chế rủi ro, rút ngắn thời gian, thủ tục. TRONG ẢNH: Nhân viên thu ngân tại Bệnh viện Đà Nẵng thu viện phí không dùng tiền mặt. Ảnh: PHAN CHUNG

Rút ngắn quy trình khám, chữa bệnh

Với nhiều phương pháp khác nhau, các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố cũng đang đẩy mạnh thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Tại các Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, quận Sơn Trà, quận Liên Chiểu, phương thức sử dụng thẻ ATM, VISA, MASTER và ví điện tử đang được triển khai.

Bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang cho biết, thông qua việc tuyên truyền, hướng dẫn, người dân đang dần làm quen với các phương pháp này, nhất là trong bối cảnh hạn chế tiếp xúc, đi lại trong bệnh viện do Covid-19. Trong khi đó, tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi, ngoài việc hướng dẫn triển khai đăng ký khám trực tuyến để hạn chế tập trung đông người, bệnh viện tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong việc thanh toán viện phí. “Không chỉ giải quyết thanh toán qua thẻ, chuyển khoản, bệnh viện còn cử nhân viên thu ngân đến tại khu vực cách ly, phòng khám sàng lọc hô hấp để giải quyết thanh toán cho bệnh nhân. Hoạt động này nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm Covid-19, đồng thời hướng tới thói quen thanh toán viện phí bằng các loại thẻ để giảm tải thủ tục hành chính không cần thiết”, bác sĩ Bùi Thị Minh Hiền, Phó phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho biết.

Theo bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế, việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt được thực hiện theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1-1-2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021; đồng thời thực hiện Chỉ thị số 12/CT-BYT của Bộ Y tế ngày 2-10-2019 về việc đẩy mạnh triển khai thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt. Hoạt động này mang lại nhiều lợi ích và là xu thế tất yếu. Với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khi khám, chữa bệnh, dịch vụ này hỗ trợ rút ngắn quy trình khám, chữa bệnh, hạn chế tối đa các giao dịch tiếp xúc, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

“Ngành y tế yêu cầu các bệnh viện chủ động lựa chọn, phối hợp các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán để triển khai hạ tầng, hoàn thiện quy trình, tổ chức thực hiện thu phí, dịch vụ khám, chữa bệnh bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán được các đơn vị lựa chọn phải được cấp phép hoạt động theo quy định của pháp luật hiện hành, bảo đảm hạ tầng thanh toán, trang thiết bị, phần mềm cũng như dịch vụ thanh toán thông suốt, an toàn, tiện lợi. Ngoài ra, sở yêu cầu các đơn vị tổ chức tuyên truyền về chủ trương này đến nhân viên trong đơn vị và người dân đến khám, chữa bệnh để tạo sự đồng thuận khi triển khai thực hiện”, bác sĩ Yến cho biết.

PHAN CHUNG

.