Covid-19 tới 6 giờ 27-4: Thế giới trên 148 triệu ca bệnh; Nhiều nước châu Á lao đao

.

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 877.343 trường hợp mắc Covid-19 và 12,237 ca tử vong. Tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 148 triệu ca bệnh, trong đó trên 3,1 triệu người không qua khỏi.

Chuyển bệnh nhân nhiễm Covid-19 tới bệnh viện ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 24-4-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Chuyển bệnh nhân nhiễm Covid-19 tới bệnh viện ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 24-4-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 27-4 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) trên toàn cầu là 148.448.276 ca, trong đó có 3.132.517 người tử vong.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 125.299.278 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 18.785.292 ca và 109.911 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 26-4, thế giới có tới 115 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca Covid-19 mới; 92 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng mạnh trở lại.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ, Ba Lan và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Hàng loạt nước đã đẩy nhanh chương trình vắc-xin. Trong vòng 1 ngày qua, Brazil có số ca tử vong nhiều nhất thế giới.

Thương khóc người thân tử vong vì dịch Covid-19 tại khu vực nhà xác bệnh viện ở Ahmedabad, Ấn Độ, ngày 21-4-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Thương khóc người thân tử vong vì dịch Covid-19 tại khu vực nhà xác bệnh viện ở Ahmedabad, Ấn Độ, ngày 21-4-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 584.959 ca tử vong trong tổng số 32.725.180 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 187.390 ca tử vong trong số 16.378.571 ca bệnh. Đáng lo ngại, tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ vẫn chưa có tín hiệu khả quan.

Số liệu của Bộ Y tế Ấn Độ công bố ngày 26-4 cho thấy tổng số ca mắc Covid-19 ở nước này đã vượt quá 17 triệu ca sau khi ghi nhận 352.991 ca mắc mới trong 24 giờ qua, mức tăng cao nhất trong ngày thứ 5 liên tiếp. Nhiều bệnh viện trên khắp Ấn Độ, trong đó có thủ đô New Delhi, đã từ chối tiếp nhận bệnh nhân do thiếu giường bệnh và oxy.

Trong 24 giờ qua, Ấn Độ cũng có thêm 2.812 ca tử vong do Covid-19, song giới chức y tế cho rằng số ca tử vong có thể còn cao hơn nữa. Hiện tổng số ca mắc tại Ấn Độ là 17.349.485 ca, cao thứ hai thế giới sau Mỹ, trong đó 195.484 ca tử vong. Thụy Sĩ đã đưa Ấn Độ vào danh sách các nước có nguy cơ cao lây lan dịch Covid-19, theo đó tất cả hành khách nhập cảnh từ nước này phải thực hiện cách ly.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã kêu gọi mọi người dân đi tiêm vaccine ngừa Covid-19 cũng như cảnh giác, thận trọng phòng dịch. Nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Đức, Anh và Pháp thông báo sẽ gửi các thiết bị y tế, máy trợ thở, đồ bảo hộ y tế và nguyên liệu để sản xuất vaccine đến Ấn Độ nhằm hỗ trợ quốc gia Nam Á ngăn chặn đợt bùng phát hiện nay.

Ở khu vực Đông Bắc Á, tình hình dịch Covid-19 cũng đang nóng lên, buộc nhà chức trách phải áp dụng các biện pháp quyết liệt chống dịch. Tại Nhật Bản, thêm 4.609 ca mắc mới và 51 ca tử vong được ghi nhận ngày 25-4 trên toàn quốc, trong khi số ca nguy kịch tăng thêm 27 ca lên 864 ca.

Ba tỉnh giáp thủ đô Tokyo yêu cầu các cơ sở kinh doanh ăn uống trong các khu vực phòng dịch trọng điểm hạn chế phục vụ đồ uống cho cồn cho tới ngày 11-5 nhằm ngăn chặn dòng người đổ về đây trong kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Đổi lại, các cơ sở nhỏ sẽ được hỗ trợ từ 40.000 tới 100.000 yen/ngày, trong khi các cơ sở lớn được hỗ trợ tới 200.000 yen/ngày. Còn tại Hàn Quốc, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã chỉ thị toàn quân thực hiện "Tuần lễ kiểm soát phòng dịch đặc biệt" nhằm chặn đứng làn sóng lây lan Covid-19. Theo đó, trong vòng một tuần từ ngày 26-4 tới 2-5, tất cả các đơn vị quân đội Hàn Quốc không được tổ chức tụ tập, liên hoan ăn uống, buộc phải hoãn hoặc hủy các sự kiện, lịch công tác.

Ngoài ra, bộ trên yêu cầu hạn chế các cuộc họp trực tiếp, chuyển sang hình thức trực tuyến. Sĩ quan chỉ huy cấp tướng của các đơn vị sẽ tự ra quyết định về việc áp dụng thời gian làm việc linh hoạt, phân chia thời gian ăn trưa khác nhau. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng khuyến nghị các quân nhân đi làm việc và sinh hoạt bên ngoài doanh trại hạn chế tới các cơ sở tập trung đông người và người thân trong gia đình cũng phải tuân thủ đúng các quy định phòng dịch.

Tại châu Âu, Đức vẫn đang nỗ lực ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh và chưa có kế hoạch nới lỏng các hạn chế phòng dịch cho đến tháng 6. Trong khi đó, dịch bệnh đang có dấu hiệu ổn định ở Hy Lạp là cơ sở để chính phủ nước này mở rộng danh sách các nước được miễn cách ly khi nhập cảnh từ ngày 26-4, trước khi mở cửa ngành du lịch vào ngày 15-5.

Tại châu Mỹ và châu Phi, số ca mắc mới Covid-19 cũng đang tăng cao. Ngày 25-4, Bộ Y tế Tunisia cho biết nước này đã ghi nhận thêm 1.770 ca mắc mới Covid-19 và 73 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca mắc ở nước này lên 300.342 ca, trong đó có 10.304 ca tử vong. Hiện Tunisia xếp thứ 3 trong số 10 quốc gia châu Phi có số ca mắc Covid-19 cao nhất châu lục, chỉ sau Nam Phi và Maroc.

Cùng ngày, Bộ Y tế Mexico xác nhận thêm 1.653 ca mắc Covid-19 và 93 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc lên 2.328.391 ca, trong đó 214.947 ca tử vong. Tuy nhiên, chính phủ nước này cho rằng số người nhiễm thực tế có thể cao hơn đáng kể.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Italy, nhà chức trách vùng Veneto ở miền Bắc Italy ngày 26-4 thông báo vùng này vừa ghi nhận 2 trường hợp nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 xuất phát từ Ấn Độ.

Chủ tịch vùng Veneto, ông Luca Zaia xác nhận 2 trường hợp vừa được phát hiện là hai cha con gốc Ấn Độ sống ở thành phố Bassano del Grappa thuộc tỉnh Vicenza và vừa từ Ấn Độ trở về Italy thời gian gần đây.

Hồi tháng trước, một ca nhiễm biến thể virus SARS-CoV-2 xuất phát từ Ấn Độ cũng đã được phát hiện tại vùng Tuscany ở miền Trung Italy. Hôm 25-4, Italy đã ra quyết định cấm nhập cảnh đối với những người từng ở Ấn Độ trong vòng 14 ngày qua do lo ngại loại biến thể của virus SARS-CoV-2 ở quốc gia Nam Á này.

Khu vực điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN
Khu vực điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 26-4, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 19.454 ca mắc bệnh Covid-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên gần 66.050 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 5 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì Covid-19 là Philippines, Indonesia, Campuchia, Thái Lan và Malaysia.

Indonesia vẫn là ổ dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cao nhất khu vực. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” sau nhiều tháng bùng phát đã thấy xu thế hạ nhiệt, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm so với giai đoạn trước. Trong 1 ngày qua, Indonesia có số ca tử vong cao nhất Đông Nam Á.

Trong khi đó, diễn biến dịch đang trở lại và bùng phát nghiêm trọng ở Philippines. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao gấp đôi “tâm dịch” Indonesia và cao nhất trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong chưa hề giảm so với các ngày trước. Tình hình dịch bệnh tại Philippines đang nóng nhất khu vực ASEAN.

Malaysia tình hình tiếp tục đáng quan ngại, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở Malaysia. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang trở lại do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh mấy ngày qua. Còn tại Myanmar, theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua ghi nhận 7 ca mắc Covid-19 và không có ca tử vong.

Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. Nước này trong ngày 26-4 ghi nhận thêm 1.972 ca bệnh mới và 2 ca tử vong.

Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có 561 bệnh nhân mới và 3 ca tử vong trong ngày 26-4. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 66.051 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 245 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 3.267.053 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 2.940.948 trường hợp.

Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có 9 nước thành viên ghi nhận các ca Covid-19 mới.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.