Loạn "thần y" trên mạng

.

Thời gian gần đây, trên các trang mạng xuất hiện hàng loạt quảng cáo chữa bệnh bằng phương pháp gia truyền không có kiểm chứng. Điều đáng nói, nhiều địa phương đã ghi nhận các ca bệnh nhập viện cấp cứu do tin lời các lương y tự phong.

Hàng loạt “thần y” tự phong quảng cáo trên mạng để đánh lừa người dân. Ảnh: PHAN CHUNG
Hàng loạt “thần y” tự phong quảng cáo trên mạng để đánh lừa người dân. Ảnh: PHAN CHUNG

“Tiền mất, tật mang”

Gần 1 tháng nay, chị Nguyễn Thị Hòa (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) đã khóa kênh YouTube trên ti-vi, không cho con xem, kể cả các chương trình dành cho thiếu nhi. Theo chị Hòa, các loại quảng cáo chữa bệnh bằng phương pháp gia truyền xuất hiện tràn lan, tần suất dày đặc và không có kiểm duyệt về nội dung.

“Tôi cố tình cài đặt chế độ cho trẻ em nhưng các loại quảng cáo chữa bệnh về gan, thận, xương khớp, thậm chí các bệnh về sinh lý nam nữ vẫn chèn vào và xuất hiện liên tục. Điều này không chỉ gây bực tức, phiền toái cho người xem mà còn tác động, ảnh hướng rất lớn đến tâm lý của trẻ, nhất là các loại quảng cáo về sinh lý nam nữ”, chị Hòa cho biết.

Trong khi đó, mới đây, Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị một bệnh nhân sưng phù da mặt, nổi mẩn đỏ, đau rát khắp vùng mặt.

Theo lời kể của bệnh nhân, trước khi nhập viện 4 ngày, chị có đặt trên mạng và sử dụng một liều thuốc trị tàn nhang và trắng da của một “lương y” phía Bắc. Đơn thuốc trị giá 2 triệu đồng, gồm thuốc bôi trực tiếp lên mặt và thuốc đun sôi để uống.

Sau 4 ngày trị liệu, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng bất thường và được người nhà đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng. Theo bác sĩ Kim Văn Hùng, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng, đơn vị vẫn tiếp nhận nhiều trường hợp nhập viện cấp cứu do sử dụng thuốc và điều trị không đúng cách.

Ngoài những biến chứng do làm đẹp tại các cơ sở thẩm mỹ không bảo đảm chất lượng, việc sử dụng đơn thuốc trên mạng không có kiểm chứng là nguyên nhân khiến nhiều người rơi vào tình trạng nguy hiểm.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong khoảng 3 tháng trở lại đây, hàng loạt quảng cáo của các “lương y” tràn lan trên các trang mạng. Thậm chí, nhiều quảng cáo còn làm giả thương hiệu các đài truyền hình cả về nội dung lẫn hình thức để đánh lừa người dân.

Nhiều video sử dụng nội dung tự sản xuất, sau đó gắn logo nhà đài để khiến người xem lầm tưởng đây là quảng cáo của các đài truyền hình uy tín. Đặc biệt, những “lương y” còn bất chấp pháp luật, cắt ghép một bản tin có sẵn, lồng ghép hình ảnh để quảng cáo.

Không chỉ làm phiền người xem, những video quảng cáo sai sự thật này khiến không ít người “tiền mất, tật mang”.

Trong những clip quảng cáo, các “lương y” không ngần ngại thổi phồng về bí quyết và hiệu quả chữa bệnh của mình. Với câu nói: “nhà tôi ba đời chữa bệnh…”, các “lương y” khẳng định có thể chữa đủ các loại bệnh từ tăng cân, giảm cân, viêm đại tràng, gan, thận...

Thậm chí những căn bệnh mà y học hiện đại chưa tìm ra phương pháp như ung thư hay tiểu đường vẫn được khẳng định “chữa dứt điểm 100%”! Nạn nhân của những clip quảng cáo này phần lớn là những người lớn tuổi, lầm tưởng là quảng cáo có độ tin cậy cao của các đài truyền hình nên không ngại bỏ tiền ra mua.

Người tiêu dùng cần cẩn trọng

Theo ông Nguyễn Minh Sơn, Chủ tịch Hội Đông y thành phố, thực tế này tồn tại đã lâu và cũng là thách thức lớn đối với hoạt động khám, chữa bệnh chân chính bằng phương pháp đông y.

Không thể phủ nhận vai trò của phương pháp đông y trong chẩn đoán, trị liệu các bệnh lý hiện nay, đặc biệt là bệnh của người lớn tuổi, tuy nhiên trên thực tế, có rất nhiều trường hợp lợi dụng truyền thông, quảng cáo thổi phồng sự thật hiệu quả các phương pháp, bài thuốc mà các “lương y” dùng chữa bệnh.

“Chưa kể, một bộ phận lớn hiện nay đều tự phong cho mình là “lương y” có thể chữa được nhiều bệnh. Thông qua hoạt động quảng cáo tràn lan, rất nhiều người dân đã tin và mua thuốc điều trị nhưng hiệu quả thì không như quảng cáo”, ông Sơn cho biết.

Căn cứ theo quy định của pháp luật, người hành nghề y trước hết phải có chứng chỉ hành nghề, tên cơ sở hành nghề, địa chỉ và giấy phép hoạt động. Đây là điều kiện cần và đủ để khẳng định cơ sở tồn tại, hoạt động hợp pháp.

“Người dân không nên tin tưởng vào các quảng cáo thiếu căn cứ, cơ sở rõ ràng, vừa mất tiền lại mang thêm họa vào thân. Hiện nay, Hội Đông y thành phố cũng đang phối hợp với Sở Y tế tổ chức các lớp đào tạo, chuẩn hóa kiến thức, pháp lý đối với những trường hợp khám, chữa bệnh bằng phương pháp gia truyền, trong đó nhấn mạnh đến việc quảng bá các hoạt động chuyên môn theo đúng năng lực của mình”, ông Sơn cho biết thêm.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích