Bảo đảm tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19

.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, chỉ trong thời gian ngắn, các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố gấp rút chuẩn bị, tổ chức các hoạt động tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho các nhóm đối tượng theo quy định. Tính đến ngày 23-6, hơn 95% kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đã hoàn thành, cơ quan chuyên môn không ghi nhận phản ứng nặng sau tiêm.

Lực lượng  y tế tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho giáo viên tại Trung tâm Y tế quận Hải Châu sáng 23-6. Ảnh: PHAN CHUNG
Lực lượng y tế tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho giáo viên tại Trung tâm Y tế quận Hải Châu sáng 23-6. Ảnh: PHAN CHUNG

Yên tâm vì có sự chuẩn bị tốt

Sáng 23-6, Trung tâm Y tế quận Hải Châu tiếp tục tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho các đối tượng ưu tiên trên địa bàn quận. Bắt đầu triển khai từ ngày 18-6, trong đợt tiêm vắc-xin phòng Covid-19 lần này, Trung tâm Y tế quận Hải Châu tổ chức tiêm hơn 3.800 liều cho các nhóm đối tượng ưu tiên. Đang chờ đến lượt tiêm, chị Nguyễn Thị Vy (giáo viên một trường mầm non trên địa bàn quận Hải Châu) cho biết, bản thân cảm thấy yên tâm khi có tên trong danh sách đi tiêm vắc-xin bổ sung trong đợt này.

“Tình hình dịch bệnh chắc chắn còn kéo dài và với cơ chế lây nhiễm như hiện nay, nguy cơ luôn thường trực. Chính vì thế, tiêm vắc-xin là cách để bảo vệ bản thân mình tốt nhất”, chị Vy chia sẻ. Trước khi đi tiêm, chị Vy lên mạng đọc tham khảo các thông tin liên quan. Đặc biệt, chị chủ động, trung thực trong việc khai báo y tế và tình hình sức khỏe bản thân. Điều này theo chị là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân trong tình huống nếu xảy ra phản ứng nặng.

Tương tự, anh Trần Ngọc Thành, tình nguyện viên tham gia phòng, chống dịch tại quận Hải Châu cảm thấy may mắn khi là một trong những người được tiêm trong đợt này. “Tôi đã đọc về những tác dụng phụ của việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19, nhưng trên thực tế tôi thấy không tiêm nguy hiểm cho bản thân, cộng đồng hơn là được tiêm. Sau tiêm, tôi tiếp tục ở lại tại chỗ để các nhân viên y tế theo dõi sức khỏe thêm. Hiện tại tôi thấy mọi thứ đều ổn, sẽ tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà thời gian nữa”, anh Thành cho biết.

Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Phương, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hải Châu, thực hiện chỉ đạo của ngành y tế, đơn vị gấp rút chuẩn bị kế hoạch bao gồm nhân lực, thiết bị thực hiện công tác tiêm chủng. Người đến tiêm chủng được hướng dẫn khai báo y tế, tuân thủ 5K khi vào bệnh viện. Tại điểm tiêm chủng, đơn vị bố trí theo quy tắc 1 chiều, bảo đảm giãn cách giữa các bàn, vị trí tiêm chủng. Khu vực chờ trước tiêm chủng và khu vực ở lại theo dõi sau tiêm chủng được bố trí đủ diện tích để giãn cách giữa các đối tượng.

“Người được tiêm chủng sau khi khai báo y tế thì đến khu vực chờ. Đặc biệt, công đoạn khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng được thực hiện kỹ. Ngoài ra, đội ngũ theo dõi sau tiêm với các thiết bị chống sốc, hệ thống cấp cứu 115 luôn sẵn sàng trong trường hợp xảy ra phản ứng nặng”, bác sĩ Phương cho biết.

Theo Sở Y tế thành phố, trong đợt tiêm vắc-xin phòng Covid-19 lần 3, thành phố được Bộ Y tế bổ sung hơn 21.000 liều. Trước yêu cầu gấp rút của Bộ Y tế về việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin, ngành y tế thành phố tổ chức tiêm tại 16 điểm, gồm 7 trung tâm y tế quận, huyện và một số bệnh viện bắt đầu từ ngày 18-6.

Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại Trung tâm Y tế quận Hải Châu.  Ảnh: PHAN CHUNG
Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại Trung tâm Y tế quận Hải Châu. Ảnh: PHAN CHUNG

Tư vấn kỹ, chọn đúng đối tượng

Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, dựa theo số lượng vắc-xin được Bộ Y tế bổ sung, vắc-xin được tiêm cho các đối tượng theo quy định. “Hiện nay nhu cầu tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tăng nhưng cân đối với số lượng vắc-xin được tiếp nhận, trước mắt CDC phối hợp các địa phương tổ chức chọn lọc những đối tượng ưu tiên được tiêm trước được quy định tại Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 16-2-2021 của Chính phủ”, bác sĩ Thạnh cho biết.

Theo đó, những đối tượng ưu tiên tiêm vắc-xin phòng Covid-19 lần này là đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học; lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch; nhân viên, cán bộ ngoại giao nước ngoài của Việt Nam, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; người cung cấp dịch vụ thiết yếu; giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người và các đối tượng nguy cơ khác.

Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế cho biết, việc tổ chức tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 được thực hiện nghiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế, gồm các bước tiếp nhận, phân loại đối tượng; cung cấp phiếu đồng ý tiêm chủng vắc-xin; sàng lọc đối tượng trước khi tiêm chủng; thực hiện tiêm chủng theo đúng chỉ định, bảo đảm an toàn. Đặc biệt, hoạt động giám sát và xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc-xin được thực hiện nghiêm ngặt.

“Yêu cầu tất cả các cơ sở tiêm chủng phải theo dõi tại chỗ đối tượng được tiêm chủng ít nhất 30 phút sau tiêm. Hướng dẫn đối tượng tiêm chủng theo dõi thường xuyên tại nhà trong vòng 24 giờ sau tiêm và tiếp tục theo dõi trong vòng 7 ngày về các dấu hiệu toàn trạng, tinh thần, ăn, ngủ, thở, phát ban, triệu chứng tại chỗ tiêm; thông báo cho nhân viên y tế nếu có dấu hiệu bất thường. Trong trường hợp có các dấu hiệu sốt cao (trên 390C), tím tái, khó thở...  thì đến ngay bệnh viện hoặc các cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn, xử lý kịp thời”, bác sĩ Yến khuyến cáo.

Tính từ ngày 18 đến 23-6, các điểm tiêm chủng đã thực hiện tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho hơn 23.000 người. Trong đó chỉ ghi nhận 2 trường hợp phản ứng độ 2 sau tiêm và được xử lý kịp thời.

Cần bổ sung nước, dinh dưỡng sau khi tiêm
Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, khi tiêm vắc-xin, tùy theo cơ địa của từng người mà có các phản ứng ở mức độ khác nhau như sốt nhẹ, đau mỏi khắp người, đau sưng tại chỗ tiêm… Các triệu chứng sẽ thuyên giảm và khỏi hoàn toàn sau 1-2 ngày. Để giảm bớt tình trạng này, ngoài chế độ chăm sóc, theo dõi, người được tiêm cần chú ý bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để cơ thể nhanh phục hồi, khỏe mạnh. Cụ thể, cần bổ sung nước cho cơ thể như nước chanh, nước cam, bưởi ép... để cung cấp lượng vitamin C, A cần thiết. Có chế độ ăn giàu vi chất dinh dưỡng, ăn đủ nhu cầu, đa dạng; phối hợp từ 15-20 loại thực phẩm và thay đổi thường xuyên các loại thực phẩm trong ngày. Khẩu phần ăn hằng ngày nên có sự phối hợp ở tỷ lệ cân đối giữa giữa nguồn chất đạm động vật và thực vật (thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, hải sản, đậu, đỗ...). Ngoài ra, cần tăng cường ăn vừng lạc, đậu đỗ, rau xanh và hoa quả chín...

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.